Chuyên mục  


Năm 2018, đạo diễn Hoàng Duy từng cho ra mắt Quý Cô Thừa Kế. Song, phim thất bại thảm hại tại phòng vé, đồng thời nhận không ít lời chê bai bởi kịch bản thiếu sáng tạo. Sau 6 năm, anh tiếp tục thực hiện Quý Cô Thừa Kế 2 và "kế thừa" luôn những gì tệ nhất của phần phim trước đó.

Nội dung Quý Cô Thừa Kế 2 theo chân Kim (Quyên Qui) - con gái của đại gia Cao Minh (Huy Khánh) và cựu ca sĩ Hải Đường (Trang Nhung). Nhìn bề ngoài, cuộc sống của Kim có mọi thứ trong mơ, bản thân cô gái trẻ cũng là khách quen của những quán bar, vũ trường sang trọng. Thế nhưng, Kim chỉ muốn trốn tránh cuộc sống tù túng với những cuộc cãi vã liên tục của cha mẹ. Sau một biến cố, Kim bỏ khỏi nhà và bắt đầu cuộc sống lang bạt trong xóm lao động nghèo. Những bí mật đằng sau gia đình cô cũng dần được hé lộ.

ngangb71b541c-9626-405a-bc42-98906ba37641-17099743960762121379117.png

Kịch bản cũ kỹ, vô lý

Dù có nội dung và dàn diễn viên hoàn toàn mới nhưng ý tưởng của Quý Cô Thừa Kế 2 không khác phần trước là bao. Cả hai đều xoay quanh một cô nàng con nhà giàu quen hưởng thụ, nay bỗng nhiên mất hết tài sản và phải học lại cách sống từ tầng lớp bình dân. Câu chuyện "đại gia giả nghèo và cái kết" dạng này đã được nhiều quốc gia trên thế giới hay thậm chí Việt Nam khai thác từ phim điện ảnh, truyền hình đến chiếu mạng.

Là người đi sau nhưng đạo diễn Hoàng Duy cũng không mang đến một sự mới lạ nào, thậm chí kịch bản còn đầy các chi tiết vô lý. Phim xây dựng Cao Minh là một đại gia top đầu cả nước, thậm chí Kim còn khẳng định không quen trai nghèo hơn mình còn trai giàu hơn mình thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ấy vậy mà ngoài một phân đoạn Cao Minh đi ăn cùng đối tác và nói những con số trên trời để tự khen nhau giàu, bối cảnh Quý Cô Thừa Kế 2 chủ yếu chỉ xoay quanh vài quán bar, vũ trường của Kim mà thôi.

qctk-18-17099756139071824425057.png

Nhân nói tới Kim, nhân vật ăn chơi sa đọa, dùng chất kích thích để quên đi gia đình bất ổn. Đạo diễn Hoàng Duy dường như muốn xây dựng Kim là một cô gái tốt nhưng bị dòng đời đưa đẩy. Song, những gì cô thể hiện trong phim là chưa đủ. Dù phê pha đến quên lối về nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó mà cô vẫn giữ được mình trong khi nhóm bạn đang quan hệ với nhau ngay gần đó. Thậm chí, Kim còn tỏ ra sốc vì… một lần tỉnh dậy trong nhà người lạ.

Nghịch phá, khinh thường đàn ông là thế nhưng Kim lại thích Nam (Otis) chỉ vì anh chàng… đẹp trai và ngồi đọc sách có vẻ hay hay. Những tài năng, học thức của cô nàng không hề được nhắc đến trong phim. Ngay sau khi đến xóm nghèo, Kim lập tức làm phụ quán phá lấu cho vợ chồng Lanh (Hứa Minh Đạt) và Chanh (Lâm Vỹ Dạ) mà không gặp khó khăn, lúng túng gì. Cô cũng làm quen với cuộc sống nghèo khổ một cách nhanh chóng. Cuối cùng, nhân vật chẳng rút ra được bài học gì từ con người cũ của mình.

qctk-4-1709975613948349153968.png

Còn Hải Đường, câu thoại nhiều nhất của cô trong phim là: "Sao anh cạn tình vậy?", và "Tôi không thể sống với người như anh nữa", để nói với Cao Minh. Song, cựu ca sĩ này chỉ nói đi nói lại nhiều lần mà không có hành động gì cụ thể khiến người xem ngao ngán. Cao Minh thì là một doanh nhân thành đạt nhưng hết bị nhân tình trẻ dắt mũi rồi bị người khác lừa gạt. Ngoài hành hạ vợ con và ngoại tình ra thì vị doanh nhân này chả có gì đáng nhớ.

Với dàn nhân vật như thế, nội dung của Quý Cô Thừa Kế 2 cứ thế mà đi theo những hướng khó đoán nhất. Khó đoán ở chỗ chẳng ai nghĩ nó sẽ phi lý như thế mà đạo diễn dám đưa lên màn ảnh cả. Đến cuối, phim "chốt hạ" bằng một cú plot twist còn kinh khủng hơn cả Bollywood. Xem xong, ai cũng ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa vì chẳng hiểu cái gì vừa xảy ra.

Thông điệp khó hiểu

Thông thường, các bộ phim về giới "phú nhị đại" buộc phải sống cuộc đời nghèo khổ thường để lên án sự cưng chiều con cái quá mức hay thói hưởng thụ tiền bạc từ cha mẹ của một bộ phận giới trẻ. Song, Quý Cô Thừa Kế 2 lại gây khó hiểu khi hướng sự thù ghét về phía người giàu. Phim lặp đi lặp lại câu nói: "Tiền nhiều để làm gì?", từng một thời gây bão mạng xã hội của ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Đôi vợ chồng Lanh và Chanh thì thường xuyên nhắc đến việc khi có tiền, đàn ông chắc chắn sẽ ngoại tình bởi "trà xanh" vây quanh. Kim cũng đồng ý với nhận định này. Trong khi đó, đoạn hội thoại ở đầu phim giữa các quý bà cũng ngụ ý rằng những ông chồng giàu sụ của họ cũng có nhiều mối quan hệ ngoài luồng. Trên thực tế thì một người đàn ông lăng nhăng thì dù có giàu hay nghèo, gã cũng tìm được cách ngoại tình. Còn người chung thủy thì có bao nhiêu tiền hay "trà xanh" vây quanh đi nữa vẫn sẽ không làm gì có lỗi với vợ con.

1-1-1-1709975613897871186461.png

Một thông điệp khó hiểu khác của Quý Cô Thừa Kế 2 chính là đổ hết tội lỗi cho người phụ nữ. Cao Minh được xây dựng là một người đàn ông ích kỷ, độc đoán, ưa kiểm soát. Gã cấm Hải Đường đi hát và bạo lực gia đình chỉ vì cô lỡ trình bày một ca khúc cho bạn bè. Dù luôn miệng nói thương con nhưng Cao Minh cũng chẳng có hành động âm thầm bảo vệ Kim khi cô gái bỏ nhà đi sống ở xóm lao động.

Ấy vậy mà đến phút cuối, mọi tính xấu này gần như được cảm thông chỉ vì một hành động chuộc lỗi. Trong khi đó, tất cả tội lỗi phá tan gia đình lại bị đổ lại đầu nhân tình của Cao Minh. Cô gái bị thể hiện là xấu xa, không từ thủ đoạn cho đến giây phút cuối cùng. Như nhiều phim Việt lỗi thời khác, Quý Cô Thừa Kế 2 mặc định hai người phụ nữ phải cãi nhau vì đàn ông, trong khi tội lỗi của kẻ ngoại tình bị xem nhẹ.

Huy Khánh, Trang Nhung gánh diễn xuất

Một trong những điểm cộng hiếm hoi của bộ phim có lẽ diễn xuất tương đối đồng đều của dàn diễn viên. Huy Khánh vẫn là một những nam diễn viên ổn định nhất của điện ảnh Việt. Nhân vật Cao Minh có thể xem là sở trường của tài tử chuyên trị những vai xấu tính, lăng nhăng như Huy Khánh. Nhưng đáng tiếc là Cao Minh chỉ được xây dựng một chiều, thiếu chiều sâu và phần nào lãng phí tài năng của anh.

Trở lại màn ảnh rộng sau 10 năm, diễn xuất của Trang Nhung vẫn rất ổn. Cô thể hiện được sự đau khổ, cam chịu của người phụ nữ khi không thể dạy được con và bị chồng bạo hành. Nhưng khi Hải Đường chịu quá nhiều bi kịch, người xem mong đợi một sự bùng nổ, phản kháng lại Cao Minh của cô nhưng lại không thấy. Bộ phim bỏ lỡ một điểm nhấn khiến nhân vật này ghi lại dấu ấn sâu đậm hơn.

qctk-23-1709975613862865906414.png

Dàn diễn viên trẻ gồm Otis, Quyên Qui và Thanh Trâm cũng có nhiều cố gắng trong diễn xuất. Song, mỗi người lại có một điểm yếu riêng. Nhân vật của Otis giống với bao vai trước, vẫn là một soái ca hiền lành, dễ thương và có nét u buồn. Kim của Quyên Qui và Mây của Thanh Trâm có khá nhiều đất diễn và sự chuyển biến tâm lý rõ rệt. Song, đây là là "chiếc áo quá khổ" với hai nữ diễn viên trẻ. Nhiều phân cảnh, họ phải gồng mình để bộc lộ cảm xúc nhưng chỉ khiến người bật cười vì ngô nghê.

Chấm điểm: 2/5

Việc khai thác ý tưởng cũ là không có gì sai nhưng đạo diễn phải biết tạo một điểm nhấn mới lạ để thu hút người xem. Ngày nay, khán giả Việt có rất nhiều sự lựa chọn ngoài phòng vé đến từ những quốc gia có nền điện ảnh hùng mạnh. Nếu các nhà làm phim Việt vẫn ôm lấy lối làm cũ kỹ, thiếu sáng tạo thì dễ dàng bị phim ngoại đè bẹp, bị khán giả ngó lơ ngay trên sân nhà.

frame120307f143-136b-44ed-baac-119bdb4201cc-1709974363567309785591.jpg

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020