* Bài tiết lộ nội dung phim
Trailer "The Father". Video: Sony Pictures Classics.
Phim được chuyển thể từ vở kịch Le Père của Florian Zeller - người cũng là đạo diễn kiêm biên kịch phiên bản điện ảnh. Tác phẩm xoay quanh nhân vật Anthony (Anthony Hopkins đóng) - người đàn ông lớn tuổi bị suy giảm trí nhớ. Anne (Olivia Colman đóng) - con gái của Anthony - ghé thăm và thuyết phục ông chấp nhận cho người được thuê chăm sóc vì cô sắp sang Pháp định cư. Trí lực của Anthony dần sa sút nghiêm trọng. Ông quên các sự kiện, những gương mặt - kể cả người thân nhất là Anne. Anthony cũng mất cảm nhận về không gian và thời gian, khiến ông bối rối và suy sụp.
Đầu phim, Anthony quên đi những chi tiết nhỏ như chiếc đồng hồ ông đeo hàng ngày, dù vẫn cất giữ nó ở một chỗ quen thuộc. Phần tiếp theo, ông bắt đầu có sự mơ hồ về nơi ông đang sống. Câu chuyện càng đi sâu, tình trạng của Anthony càng nặng. Ông nhầm lẫn gương mặt của những người thân quen như Anne, Paul. Cuối phim, Anthony gần như mất cảm nhận và thời gian và không gian. Trong tâm trí ông chỉ là những ký ức và hình ảnh rời rạc, chắp vá thành một câu chuyện không đầu đuôi, bất hợp lý, khiến ông hành xử khác thường. Cuối phim, thông qua thoại, ký ức của Anthony được ví von như những chiếc lá. Bệnh tình của ông như gió mưa, cuốn theo những chiếc lá lìa cành.
Hai diễn viên Anthony Hopkins và Olivia Colman trong "The Father". Ảnh: Amazon.
Tuy bệnh tình ngày càng trầm trọng, tâm trí của Anthony vẫn sót lại những mảnh ký ức sâu thẳm và day dứt nhất. Ông thường xuyên nhắc đến Lucy - cô con gái đã mất. Anthony tự hào giới thiệu bức tranh Lucy vẽ, thắc mắc sao lâu rồi cô không đến thăm ông. Anthony chấp nhận một người hộ lý mới bởi người này khiến ông nhớ đến gương mặt của Lucy.
Bên cạnh những hỗn độn do bệnh tình gây ra, nhân vật Anthony được các nhà làm phim khắc họa những nét cá nhân làm nên con người ông. Anthony yêu thích nhạc cổ điển, có thể nghe từ phòng khách đến nhà bếp. Cách ăn mặc, giao tiếp của ông toát lên sự lịch thiệp. Ông có thể nhảy tap dance (điệu nhảy đặc trưng bởi cách gõ gót và mũi giày xuống sàn tạo nên tiếng động). Trong phân cảnh gặp Laura, ông thể hiện sự duyên dáng, lôi cuốn của một quý ông. Sự đối lập giữa nét thanh lịch và vẻ suy sụp của Anthony gợi lên mối trăn trở về nhân sinh - con người sẽ là ai nếu mất hết những ký ức của chính mình.
Phim có cấu trúc phi tuyến tính, trong đó có một số phân đoạn tương ứng với sự thay đổi góc nhìn của Anthony ở cùng một sự việc. Ở đầu phim, Anthony gặp gỡ con gái trong nhân dạng do Olivia Colman đóng. Ở cảnh sau, ông lại gặp con gái mình vừa ra ngoài mua thịt gà về làm bữa tối, trong nhân dạng khác - do Olivia Williams đóng. Cảnh mua thịt gà sau đó lặp lại và nhân vật Anne lại ở trong nhân dạng do Olivia Colman đóng.
Ngoài việc sắp đặt không theo dòng thời gian, cấu trúc của phim còn có sự chồng lấn hoặc lặp lại về sự kiện. Tiêu biểu như loạt cảnh Anthony bắt gặp Anne và chồng cô là Paul đang nói chuyện riêng, rồi cả ba cùng ngồi ở bàn ăn, Anthony đi ra ngoài, sau đó trở vào lại bắt gặp cảnh Anne và Paul nói chuyện vừa rồi. Cấu trúc và cách dẫn chuyện của The Father nằm trong dụng ý tạo sự bối rối về thời gian, các sự kiện và nhân vật, đối với người xem. Sự nhập nhằng giữa đâu là thực, đâu là tưởng tượng là những gì bệnh tình khiến Anthony phải trải qua. Có cùng góc nhìn như nhân vật, người xem dễ đồng cảm cho sự bối rối, hoảng loạn và suy sụp đang chực bùng phát trong tâm trí của Anthony.
Cùng một căn phòng, các nhà làm phim có những thay đổi tinh tế về chi tiết, tạo nền tảng cho sự bối rối của nhân vật. Ảnh: Sony Pictures Classics.
Hỗ trợ đắc lực cho cấu trúc phi tuyến tính là khâu dựng phim - do Yorgos Lamprinos phụ trách. Thông qua kịch bản của Florian Zeller và cách cắt dựng của Lamprinos, phim có được sự ghép nối độc đáo. Giữa các phần của câu chuyện, các nhà làm phim sắp đặt "manh mối" để người xem có thể kết nối nội dung. Trên trang Deadline, Lamprinos cho biết sự ghép nối này không giống như việc lắp ghép tranh để có thể ra được một sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng. Anthony không thể "lắp ghép" liền mạch câu chuyện của chính mình, cũng như người xem sẽ không thể hình dung câu chuyện như một bức tranh tổng thể, bởi sự chồng lấn hoặc lặp lại của một sự việc dưới những góc nhìn khác nhau.
Khi hoàn thiện việc chuyển thể The Father, đạo diễn Florian Zeller đã nhắm đến Anthony Hopkins cho vai diễn cùng tên Anthony. Zeller gửi kịch bản cho Hopkins từ 2017 và chỉ đợi ông trả lời mà không có ý định nhắm đến diễn viên khác. Ngoài tuổi đời và một số sở thích cá nhân tương đồng với nhân vật, Hopkins còn sự đồng cảm sâu sắc với câu chuyện.
Theo trang Indiewire, sau khi đọc kịch bản, Hopkins đã nói rằng sự cô đọng và gọn gàng của câu chuyện đã gây chú ý với ông ngay lập tức. Diễn xuất của Hopkins yếu tố quan trọng góp vào thành công cho phim. Những cung bậc cảm xúc của nhân vật Anthony được Hopkins thể hiện chân thật và cuốn hút. Ở đầu phim, Hopkins lột tả sự cố chấp, không chấp nhận tình trạng bệnh tình và sự chăm sóc của hộ lý qua giọng điệu gay gắt xen chút mỉa mai. Ở những cảnh khác, Hopkins toát lên vẻ hài hước khi pha trò. Dù hơn 80 tuổi, ông vẫn có thể thực hiện cảnh nhảy tap dance đầy lôi cuốn. Hopkins gây xúc động cho người xem ở những cảnh ông suy sụp, cần bờ vai an ủi. The Guardian đánh giá diễn xuất của Hopkins là một màn trình diễn đáng kinh ngạc và có thể khiến người xem tan nát cõi lòng.
Olivia Colman cũng là điểm sáng. Colman kết hợp ăn ý với Hopkins, đồng thời lột tả những tâm tư của người con gái yêu thương và lo nghĩ cho cha. Thông qua hình ảnh nhân vật Anne, người xem thấu hiểu hơn về những vất vả và trăn trở của thân nhân một người bệnh suy giảm trí lực.
The Father công chiếu tại Liên hoan phim Sundance năm 2020. Phim gây ấn tượng với các nhà phê bình, nhận nhiều đánh giá tích cực. Variety đánh giá tác phẩm đạt được sự sâu sắc mà rất ít phim có đề tài về nhân vật suy giảm trí lực có thể khắc họa. The Hollywood Reporter dùng từ "tinh tế, giàu sắc thái và sâu sắc" để nói về phim. Phim hiện có điểm số rất cao, 98% trên Rotten Tomatoes và 88/100 trên Metacritic. The Father nhận được sáu đề cử Oscar gồm Phim hay nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất, Nam chính xuất sắc nhất, Nữ phụ xuất sắc nhất, Thành tựu trong thiết kế sản xuất và Thành tựu trong dựng phim.
Minh Dương