Trước Cậu Vàng, chú chó của lão Hạc từng được tái hiện trong Làng Vũ Đại ngày ấy (1982). Theo đạo diễn Phạm Văn Khoa, chó vào vai Cậu Vàng ở bản 1982 thuộc giống Bắc Hà, có đôi mắt lanh lợi, hình thể thon gọn - sát với tạo hình trong nguyên tác của cố nhà văn Nam Cao.
Cảnh Cậu Vàng bị bắt trong "Làng Vũ Đại ngày ấy". Video: Phim hay điện ảnh.
Trên phim, vai Cậu Vàng chỉ xuất hiện trong phân cảnh bị lão Hạc lừa ăn cơm để bọn khách bắt đi. Chú diễn khá đạt, nhất là cảnh khựng lại giây lát nhìn Lão Hạc, rồi ngoan ngoãn ăn cơm có bã độc, như thế biết trước cái chết đang đợi. Cảnh quay gợi cảm xúc bi thương trong lòng nhiều thế hệ khán giả miền Bắc, để mỗi khi nhắc đến Cậu Vàng, người xem nhớ đến bộ phim ra mắt gần 40 năm trước.
Ở phim Cậu Vàng của đạo diễn Trần Vũ Thủy ra mắt hồi đầu năm, êkíp chọn chó giống Shiba, Nhật Bản, để vào vai bạn đồng hành của Lão Hạc. Đạo diễn Vũ Thủy giải thích chọn chó Nhật vì chó Việt chưa đủ khôn ngoan để thực hiện cảnh diễn cùng con người. Khi lên phim, "Cậu Vàng gốc Nhật" có nhiều cảnh chạy nhảy, chiến đấu. Nhờ huấn luyện, chú thể hiện tốt. Tuy nhiên, trong các cảnh diễn cùng Lão Hạc (Nghệ sĩ Viết Liên đóng), góc máy luôn tập trung vào diễn viên con người, khiến chú chó trở nên nhạt nhòa.
Năm 1997, chú chó Phèn trong loạt phim Đất Phương Nam ghi dấu ấn trên màn ảnh nhỏ. Phèn được hai nhân vật Cò (Phùng Ngọc đóng) và An (Hùng Thuận) giao nhiệm vụ mang trên mình ba quả lựu đạn đến giúp chú Võ Tòng (Lê Quang) thoát khỏi vòng vây của lính Pháp. Dù trải qua quãng đường dài, bị thương và kiệt sức, Phèn vẫn hoàn thành trọng trách. Phân đoạn Phèn dần lịm đi sau khi mang được lựu đạn đến cho Võ Tòng khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Diễn viên Lê Quang từng cho biết Phèn thuộc giống chó Việt, thông minh và nhanh nhẹn; phân đoạn trong bụi rậm chỉ quay một lần là xong.
Video chú chó Phèn ngậm quả lựu đạn trong tập bảy "Đất Phương Nam". Video: TFS.
Đến năm 2017, có hai phim Việt dùng diễn viên chó.Trong Hot boy nổi loạn 2, Kiki (tên trong phim là Tim) là bạn bốn chân đồng hành suốt quá trình trưởng thành của Lam (Lương Mạnh Hải đóng). Kiki có khá nhiều thời gian xuất hiện trong phim, thậm chí hình ảnh chú còn được đưa lên poster. Theo Lương Mạnh Hải, hình ảnh chú chó hoang này như ẩn dụ về cuộc đời của Lam: tự do nhưng lạc lối, bấp bênh và nguy hiểm.
Trailer "Hotboy nổi loạn 2", Kiki xuất hiện từ 0:12. Video: CGV.
Ban đầu, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lo lắng không tìm được diễn viên chó giống với hình dung. Nhưng cơ duyên đến khi nhân viên thiết kế mỹ thuật của đoàn phim tìm được Kiki ở một gia đình tại Trà Vinh, chỉ hai tuần trước khi phim bấm máy. Khi tác phẩm đóng máy, các thành viên trong đoàn đều quyến luyến chú chó. Nhiều người thậm chí còn xin các con của Kiki về nuôi cho đỡ nhớ.
Kẻ trộm chó do Lý Hùng đầu tư sản xuất có tuyến nhân vật ông già mù (nghệ sĩ Mạc Can) làm nghề đàn hát bầu bạn cùng một chú chó. Người xem khắc khoải trước hình ảnh ông lão tứ cố vô thân, nằm co ro ôm "anh bạn" bốn chân giữa trời đêm lạnh giá. Đạo diễn Ngụy Minh Khang không tiết lộ quá trình huấn luyện, song người xem thấy được phản ứng linh hoạt, tự nhiên và ăn ý với con người của chú chó. Bên cạnh đó, hành trình chú chó bị bắt cóc, rồi được giải cứu, từ đó thay đổi số phận của các nhân vật trên phim, được các cộng đồng yêu thú cưng đón nhận nồng nhiệt.
MV "Ông già mù và con chó", ca khúc chính của "Kẻ trộm chó". Chú chó xuất hiện từ 0:06. Video: Ngẫm TV.
Năm 2018, Will, nhóm 365, vào vai nhân vật vì bị trúng "lời nguyền" biến thành loài chó, tên Mít, trong phim Chờ em đến ngày mai. "Diễn viên" chó ngoài đời có tên Tony, là thú cưng của nghệ sĩ điện ảnh Xuân Định. Nhân vật chính là người hóa thú, nói tiếng người, nên cử động mõm, cổ của Tony cũng phải khớp với phần kỹ xảo được lồng ghép - từ đó tạo nên một vai chó có khẩu hình miệng giống con người.
Tony trong video hậu trường "Chờ em đến ngày mai". Video: Xuân Định.
Theo đạo diễn Đinh Tiến Vũ, những cảnh Mít đi bằng hai chân không cần sự hỗ trợ kỹ xảo hay dàn dựng. Thông thường trong phim nước ngoài, để quay một nhân vật động vật theo suốt phim cần đến trên năm "diễn viên đóng thế", song trong Chờ em đến ngày mai, Tony tự đóng toàn bộ cảnh. Chú cũng thực hiện được nhiều động tác phức tạp để đáp ứng yêu cầu cảnh quay, tất cả là nhờ nhiều năm liền cùng nghệ sĩ Xuân Định đi thi các giải chó quốc tế.
Chuối, trong phim trinh thám - rùng rợn Bằng chứng vô hình (2020), là điểm sáng trong phim. Tác phẩm của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh bị đánh giá là có kịch bản ôm đồm, đưa tình tiết nhiều nhưng cái kết thiếu sức nặng. Tuy nhiên, khi phim ra mắt, hình tượng chó Ben (do Chuối đóng) bảo vệ cô gái mù Thu (Phương Anh Đào đóng) được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội. Trong phim, Chuối thể hiện được sự trung thành của loài vật, nhiều lần cứu chủ khỏi nanh vuốt của kẻ ác.
Chú chó Chuối trong video hậu trường "Bằng chứng vô hình". Video: CJ.
Chú thuộc giống Golden, Anh, nổi bật nhờ hình thể khỏe khoắn cùng ánh nhìn lanh lợi. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cùng êkíp huấn luyện Chuối trong suốt ba tháng. Để chú vào vai tốt, đoàn phim để các diễn viên, nhất là Phương Anh Đào, có cơ hội chơi đùa. Nữ diễn viên nhận xét cảnh quay khó nhất là cảnh Ben sủa và cắn vào chân kẻ thủ ác. Chuối ngoài đời hiền lành, thân thiện với mọi người, nên rất khó để huấn luyện chú tấn công một người.
Phúc Nguyễn (tổng hợp)