Lê Nhung (TP HCM) cho biết lần đầu chạy trên cao tốc, đường vắng, cô thấy không mấy khó khăn. Nhưng dần dần khi gặp đường đông, các xe đi tốc độ cao hơn, Nhung mới thấy tay lái yếu vì áp dụng các thói quen đi phố lên đường cao tốc.
Những kỹ năng mới mà cô phải làm quen là giữ khoảng cách, di chuyển ở làn phải nếu đi chậm, vượt xe với vận tốc cao, và cách ước lượng khoảng cách qua cột mốc trên đường.Việc lái xe tốc độ cao với Nhung trong thời gian đầu rất căng thẳng, vì chưa bao giờ cầm lái quá 60 km/h, cảm giác vô-lăng rất khác khi đi 90 km/h. Sau nhiều tháng di chuyển liên tục, cô dần quen, thậm chí thấy đây là trải nghiệm "tuyệt vời", có thể lái TP HCM - Phan Thiết không nghỉ.
Một đoạn đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ảnh: Hồ Tân
Lưu thông trên cao tốc có nhiều sự khác biệt so với di chuyển trong thành phố bằng ôtô, vì xe không phải đi chung với xe máy. Thay vào đó, tài xế sẽ phải di chuyển cùng ôtô khác ở tốc độ cao, mọi thao tác nhỏ có thể dễ gây ra tác động lớn. Dưới đây là những kỹ năng tài xế cần học khi lái xe trên cao tốc.
Làm quen với ngưỡng đánh lái
Cùng một ngưỡng đánh lái nhưng ở tốc độ thấp trong phố và tốc độ cao sẽ mang tới "đầu ra" khác nhau. Nếu giữ thói quen lấy nhiều lái như đi tốc độ chậm, tài xế có thể khiến xe đi sai hướng mình mong muốn. Vì vậy cần tập trung thử đánh lái ở nhiều dải tốc độ, với mức xoay vô-lăng nhỏ để cảm nhận phản ứng của xe.
Hiện nay, nhiều xe có tính năng siết vô-lăng ở tốc độ cao, gây ra cảm giác cứng hơn khi chuyển hướng so với đi ở tốc độ thấp. Đây là một trong những tính năng của hệ thống lái nhằm cải thiện độ ổn định và khả năng kiểm soát xe của tài xế.
Cảm giác vô-lăng sẽ thay đổi khi tài xế điều khiển xe ở tốc độ cao. Ảnh: Hồ Tân
Hướng mắt về phía xa
Lái càng nhanh, tầm nhìn của tài xế càng giảm. Khi xe đang ở tốc độ cao, cảnh vật phía hai bên trái phải của mắt mờ đi, tài xế khó có thể quan sát các vật thể ở xung quanh như khi lái chậm ở trong phố. Vì vậy, các tài xế cần tập thói quen phóng tầm mắt ra xa để quan sát trước các vật thể, phương tiện. Khi trời tối, hoặc thời tiết bất lợi, tài xế cần giảm tốc độ để mở rộng tầm quan sát nhiều hơn.
Quan sát điểm mù, báo hiệu trước khi dừng hoặc chuyển hướng
Ngoài hướng tầm mắt về phía xa, tài xế cần tập thói quen quan sát gương chiếu hậu, các điểm mù khi thực hiện các thao tác trên cao tốc như nhập làn, tách làn, chuyển làn, giảm tốc độ. Việc làm này để chắc chắn đủ điều kiện an toàn để thực hiện việc chuyển hướng. Bên cạnh đó luôn sử dụng xi-nhan trước khi chuyển hướng phương tiện, nhằm giúp các xe khác phán đoán sớm hướng di chuyển của tài xế, từ đó đưa ra những quyết định sớm hơn, an toàn hơn.
Hơn nữa, các thao tác trong cao tốc như chuyển làn, vượt xe cần sự quyết đoán. Tài xế cần đảm bảo đủ tất cả điều kiện an toàn trước khi thực hiện các việc này, và tiến hành một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Giữ khoảng cách
Xe đi tốc độ cao cần quãng đường dài hơn để dừng hẳn, trong trường hợp có vật cản hoặc sự cố ở phía trước. Đa số các cao tốc đều có sẵn cột mốc căn khoảng cách 0-50-100-150-200 m, từ mốc 0 m, tài xế sẽ biết đang cách xe phía trước bao nhiêu m.
Biển báo khoảng cách trên cao tốc. Ảnh: Nguyên Vũ
Với những đoạn không có mốc khoảng cách, tài xế có thể áp dụng nguyên tắc 3 giây khi đi trên cao tốc, có nghĩa rằng giữ khoảng cách sao cho quãng đường di chuyển giữa hai xe bằng 3 giây. Cách xác định là găm một điểm xe phía trước vừa chạy qua (cột mốc, cái cây), sau đó đếm từ 0 tới 3, nếu xe của bạn tới điểm găm, hoặc chưa tới, là khoảng cách đủ an toàn. Khi thời tiết xấu, cần nhân đôi khoảng cách này, tức 6 giây.
Hồ Tân