Các nghệ sĩ đồng nghiệp và lãnh đạo đến tiễn biệt tác giả Lê Duy Hạnh về nơi an nghỉ cuối
Sáng 9-9, Lễ truy điệu Tác giả Lê Duy Hạnh đã được tổ chức trang nghiêm tại Nhà Tang lễ TP HCM. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Trịnh Thúy Mùi – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở VHTT TP HCM, NSND Trọng Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM; NSND Lê Tiến Thọ; NSND Bạch Tuyết, NSND Giang Mạnh Hà, NSƯT Trần Thắng Vinh, Nhà giáo ưu tú Diệu Đức, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thành Hội, NSƯT Thành Lộc, đạo diễn Ái Như, NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Hoàng Nhất, đạo diễn Phan Quốc Kiệt, đạo diễn Tôn Thất Cần, đạo diễn Trần Văn Hưng, tác giả Lê Thu Hạnh, nghệ sĩ Mai Trần, đạo diễn Hữu Luân, đạo diễn Lâm Quang Tèo, đạo diễn Lý Khắc Linh… đã đến thắp hương, tiễn biệt tác giả Lê Duy Hạnh.
Từ trái sang: Nhà giáo ưu tú Diệu Đức, NSƯT Tuyết Thu, NSND Bạch Tuyết thắp hương tiễn biệt tác giả Lê Duy Hạnh
NSND Trịnh Thúy Mùi – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đã đọc điếu văn, trong đó bà đánh giá cao những cống hiến to lớn của tác giả Lê Duy Hạnh đối với nền sân khấu Việt Nam.
Một tên tuổi lớn có sức ảnh hưởng đến khuynh hướng sáng tác, dàn dựng trong lãnh vực nghệ thuật cải lương, kịch nói và hát bội.
Từ trái sang: NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - PGĐ Sở VHTT TP HCM, NSND Lê Tiến Thọ, tác giả NSƯT Trần Thắng Vinh thắp hương tiễn biệt tác giả Lê Duy Hạnh
Những năm học đại học ở Sài Gòn, ông đã tích cực tham gia phong trào học sinh sinh viên đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước do Đảng ta lãnh đạo và được kết nạp Đảng năm 1968 khi mới 21 tuổi.
Tác giả Lê Duy Hạnh học giỏi ngành toán, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được học bổng đi học ở nước ngoài. Nhưng thay vì sang Mỹ lấy bằng tiến sĩ, từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1970, ông bị bắt giam tại Nha cảnh sát đô thành và khám Chí Hòa. Sau khi ra tù, từ tháng 6-1970 đến 6-1972, ông vẫn hoạt động bí mật trong nội đô Sài Gòn.
Gia đình đau lòng tiễn biệt tác giả Lê Duy Hạnh
Đến tháng 6-1972, ông được đưa lên chiến khu công tác tại các cơ quan Thành đoàn Sài Gòn. Từ tháng 3-1974 đến tháng 5-1975, ông là Trưởng đoàn, Bí thư Chi bộ Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn ra Hà Nội học tập và công tác.
NSND Trịnh Thúy Mùi - Phó chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đọc điếu văn
Sau đại thắng mùa xuân 1975, ông trở lại TP HCM làm cán bộ Bộ Thông tin Văn hóa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1976, ông là cán bộ ngành sân khấu ở Trung ương rồi TP HCM và từ đó anh đã trở nhà một nhà viết kịch lớn và một nhà lãnh đạo lớn của sân khấu TP HCM và sân khấu Việt Nam.
Từ tráu sang: NSƯT Thành Hội, NSƯT Thành Lộc, Nhà giáo ưu tú Diệu Đức, đạo diễn Ái Như tại tang lễ tác giả Lê Duy Hạnh
"Với tư cách một tác giả sân khấu, năm 1980, kịch bản đầu tiên của Lê Duy Hạnh, "Tâm sự Ngọc Hân", được Đoàn văn công TP Hồ Chí Minh dàn dựng, bất ngờ trở thành một hiện tượng sân khấu. Chỉ trong vài năm, vở diễn đã đạt tới 700 suất diễn, một con số mà ngay ở thời hoàng kim của sân khấu lúc đó, cũng ít ai dám mơ ước" – NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.
NSƯT Phượng Loan thắp hương tiễn biệt tác giả Lê Duy Hạnh
Đối với giới chuyên môn, vở "Tâm sự Ngọc Hân" đã khẳng định tài năng biên kịch của Lê Duy Hạnh, cũng như cho thấy phong cách viết kịch đầy thách thức của kịch lịch sử Lê Duy Hạnh: luôn khám phá phát hiện trong lịch sử những vấn đề của hôm nay, đem đến cho con người hôm nay những thông điệp nhân văn sâu sắc.
NSƯT Hữu Quốc, nghệ sĩ Bình Tinh thắp hương tiễn biệt tác giả Lê Duy Hạnh
Tiếp theo "Tâm sự Ngọc Hân", ông tiếp tục viết ba kịch bản cùng liên quan đến lịch sử quê hương Bình Định và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ là "Mặt trời đêm thế kỷ", "Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc" và "Trời Nam" do Nhà hát Tuồng Đào Tấn Bình Định dàn dựng.
Ba vở diễn này cùng đạt huy chương vàng tại các liên hoan sân khấu quốc gia và đem lại cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên năm 2001. Cho đến hiện nay, ngoài ba kịch bản này, ông còn sáng tác hơn 40 kịch bản được các đơn vị nghệ thuật Tuồng, Cải lương, Kịch nói cả hai miền Nam Bắc dựng diễn.
NSƯT Thành Lộc thắp hương tiễn biệt tác giả Lê Duy Hạnh
Một trong những điểm ngời sáng trong sự nghiệp sáng tạo của tác giả Lê Duy Hạnh là chùm kịch thể nghiệm viết cho các diễn viên độc diễn: "Diễn kịch một mình", "Hoàng hậu hai vua", "Độc thoại đêm", "Hồn thơ ngọc"…
Đây là một bứt phá, sáng tạo đầy nỗ lực của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh làm mới nghệ thuật viết kịch, đòi hỏi rất cao bút pháp biến hóa, hấp dẫn của tác giả cũng như đẳng cấp tài năng của người nghệ sĩ biểu diễn.
NSND Kim Xuân chia buồn cùng bà Hoàng Thị Hạnh - vợ của tác giả Lê Duy Hạnh
Các nghệ sĩ đưa ông đến Nghĩa trang TP HCM đều bất ngờ xúc động khi nhìn thấy ngôi mộ yên nghỉ của ông nằm bên cạnh cây phượng vỹ ôm chặt gốc bồ đề, bởi đã từng sáng tác: "Hoa phượng đợi chờ".
Bài này trở thành bài ca cổ nổi tiếng của ông mà cho đến hôm nay, mỗi khi TP HCM và các tỉnh thành tổ chức tuyển chọn giọng ca cải lương, các thí sinh đều chọn bài ca cổ này để thể hiện.
Từ trái sang: tác giả Mỹ Dung, Lê Thu Hạnh, NSƯT Ca Lê Hồng, nhà văn Ngô Thảo tại tang lễ tác giả Lê Duy Hạnh
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở VHTT TP HCM, cho biết tối 8-9, trong lễ trao giải thưởng Sáng tạo TP HCM năm 2023, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP HCM đã tái diễn trích đoạn "Chiếc áo Thiên Nga" do ông sáng tác, gây nhiều xúc động với khán giả và văn nghệ sĩ tham dự.
Từ trái sang; tác giả Vương Huyền Cơ, NSND Trần Ngọc Giàu, bà Hoàng Thị Hạnh - vợ của tác giả Lê Duy Hạnh và đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng
Tất cả các đồng nghiệp đều thương tiếc ông, họ bùi ngùi thắp nén hương vĩnh biệt vị thuyền trưởng đã cầm lái suốt 25 năm với 5 nhiệm kỳ Tổng thư ký, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM. Lê Long – con trai của tác giả Lê Duy Hạnh đã đại diện gia đình nói lời cảm tạ, bài phát biểu của anh về người cha đã luôn là tấm gương sáng cho các con đã khiến nhiều người rơi nước mắt.
NSND Trần Minh Ngọc thắp hương tiễn biệt tác giả Lê Duy Hạnh
Một đời hoạt động cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, của ngành Sân khấu Việt Nam, những đóng góp của tác giả Lê Duy Hạnh đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý:
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất;
Huân chương Lao động hạng Nhất;
Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu;
Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng;
Cùng nhiều bằng khen và giấy khen khác. Ông là một trong số ít những người đặt nền tảng tổ chức, gầy dựng CLB Sân khấu Thể nghiệm 5B Võ Văn Tần (tiền thân của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM hiện nay); Giải thưởng Trần Hữu Trang; Liên hoan Sân khấu nhỏ TP HCM; Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc; Liên hoan Sân khấu Mùa thu TP HCM, Liên hoan Sân khấu hài TP HCM.