Nhận xét được đưa ra trong hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, ngày 9/11 ở Hà Nội. Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nêu hai nền điện ảnh có nhiều phim lịch sử thành công là Mỹ và Trung Quốc.
Ông so sánh: "Các nhà làm phim Việt có một nỗi sợ hãi mơ hồ với đề tài lịch sử. Trong khi tôi từng đọc một nghiên cứu, các phim chuyển thể từ Tam quốc diễn nghĩa có ít nhất khoảng 200 chi tiết thay đổi so với lịch sử. Tôi cũng từng khảo sát hàng nghìn học sinh trung học về việc thích nhân vật Quan Vũ hay Quang Trung hơn, thì đến 99% các em đều trả lời là Quan Vũ. Đó là kết quả của việc nhiều bộ phim Trung Quốc khiến hình ảnh nhân vật này sinh động, gần gũi".
Đạo diễn Charlie Nguyễn đánh giá: "Nhân vật Quan Vũ đó được yêu thích bởi phim ảnh Trung Quốc xây dựng ông như một con người bình thường, có những xung đột nội tâm, cảm xúc chân thực. Trong khi phim Việt thường thần thánh hóa các vĩ nhân lịch sử, khiến họ trở nên xa lạ".
Theo đạo diễn, nhà làm phim cần nhận thức trong phim lịch sử có hai yếu tố: Một là sự thật về thông tin tư liệu, vốn không thể thay đổi. Hai là sự thật tâm lý, miêu tả hành trình nội tâm, biến chuyển cảm xúc của nhân vật trong từng sự kiện, không có trong sử sách. "Diễn tả những điều này trên màn ảnh là trách nhiệm của người làm phim. Điện ảnh muốn tiếp cận khán giả cần có cảm xúc. Không thể coi một tác phẩm điện ảnh là phim tài liệu, kể lịch sử một cách khô khan", đạo diễn nói.
Ông Thiều lấy thêm ví dụ: Hội Nhà văn Việt Nam từng phải mở cuộc họp để bàn về chi tiết trong truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga. Truyện lấy cảm hứng lịch sử, đề cập một số nhân vật như An Tư, Trần Ích Tắc và Thoát Hoan, hoàng tử nhà Nguyên từng hai lần mang quân sang đánh Đại Việt. Tác giả viết khi tháo mặt nạ, Thoát Hoan lộ ra gương mặt điển trai, tuấn tú.
Nhiều nhà văn khi ấy phản đối chi tiết vì cho rằng kẻ xâm lược phải được miêu tả xấu xí, bặm trợn. Ông Thiều bảo vệ Trần Quỳnh Nga vì cho rằng sáng tạo phù hợp: "Người xấu không phải mặt nào cũng xấu, đó là suy nghĩ theo lối mòn".
Trailer phim "Đất rừng phương Nam". Video: Galaxy
Các diễn giả bàn thêm về trường hợp Đất rừng phương Nam, tác phẩm năm ngoái gây tranh cãi, bị chỉ trích "làm sai lệch lịch sử". Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành nhớ lại: "Khi ấy, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội đã tổ chức ba phiên họp để giải quyết. Tôi đề xuất không nên kết tội cho đoàn phim, nghệ sĩ hay Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Nếu cần người nhận trách nhiệm, tôi đồng ý thôi chức".
Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đồng ý nhận định. Ông Sơn nói về trải nghiệm cá nhân: "Trước khi xem phim Hồng Hà nữ sĩ, tôi chưa quan tâm đến các nhân vật như Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, nhưng sau khi thưởng thức phim thì muốn lên Google tìm hiểu về họ. Đó là tác động tích cực của dòng phim lịch sử".
Chuyên gia cũng cho rằng việc Luật Điện ảnh 2022 có điều khoản "Cấm xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận danh tiếng cách mạng, xúc phạm dân tộc, doanh nhân, anh hùng dân tộc, thể hiện không đúng để xâm phạm chủ quyền quốc gia, vu khống, xúc phạm uy tín của các cơ quan, tổ chức và danh dự nhân phẩm của cá nhân" không gây cản trở sự sáng tạo của người làm điện ảnh. Bởi ở bất cứ nước nào, quy định này cũng cần thiết.
"Tôn trọng lịch sử là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là của giới văn nghệ sĩ. Lịch sử cần phải được tôn vinh, từ đó trở thành nguồn cảm hứng. Trên cơ sở đó, cần giáo dục đạo đức, xây dựng niềm tự hào, tự tin, tự tôn dân tộc. Đó là một trách nhiệm rất lớn của tác phẩm nghệ thuật", ông Bùi Hoài Sơn nói.
Đạo diễn Charlie Nguyễn ở hội thảo. Ảnh: Đào Anh Vũ
Ông Qian Zhong Yuan - Giám đốc công ty sản xuất phim As One Production của Trung Quốc - cho biết các nhà làm phim nước này được Chính phủ, các địa phương, hỗ trợ về tài chính, tạo điều kiện thuận lợi khi quay phim lịch sử. Họ quan niệm ngoài phát triển điện ảnh, các tác phẩm góp phần quảng bá du lịch nhiều vùng, miền.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (từ ngày 7 đến 11/11), do Cục Điện ảnh tổ chức. Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết mong muốn các kinh nghiệm được trao đổi có thể giúp ích cho giới điện ảnh Việt trong quá trình làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Hà Thu