Chuyên mục  


Vậy là từ Huế từ nay vắng bóng một tên tuổi tài hoa của lĩnh vực hội họa, một người vẽ phố đã đi xa.

Chân dung hoa sĩ Hoàng Đăng Nhuận do họa sĩ Phan Ngọc Minh ký họa năm 2009

Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận sinh năm 1942 tại Huế. Mặc dù không theo học mỹ thuật một cách trọn vẹn ở nhà trường, ông vẫn thành danh nhờ có một chuỗi dài tháng năm tự học hỏi và đam mê sáng tạo.

Trước năm 1968, Hoàng Đăng Nhuận rời gia đình sống phiêu lãng với họa sĩ Lê Vĩnh Tài và cứ thế, trở thành họa sĩ lúc nào không hay. Thời trai trẻ, ông lang bạt qua những miền cát trắng rát bỏng miền Trung, những vùng cao nguyên gió núi mưa ngàn, về phương Nam mênh mông phóng khoáng. Những nơi chốn ông qua, những vòng tay bạn bè, những cuộc tình đến rồi đi... đã trở thành lửa ký ức nuôi dưỡng ngọn nguồn sáng tạo cháy trong ông.

Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Ảnh: LÝ ĐỢI

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã nổi tiếng bởi hai bức tranh: Bức tranh thứ nhất có tên gọi "Đợi chờ". Tranh thể hiện bên khung cửa, một mặt bàn nghiêng trong bóng chiều, một người đàn ông nhìn ra không gian bên ngoài đang hiển hiện những dấu hiệu bạo tàn của chiến tranh. Bức tranh thứ hai là "Những người đi mua không khí". Tranh có gam màu xám, khuôn mặt người, chai lọ đựng không khí để đem về nhà thở, cơn mưa ở cuối chân trời, phía sau cửa tiệm bán không khí… Tất cả đều màu xám tro, gợi về một vấn đề sinh thái mà hiện đang rất thời sự.

Từ cuộc triển lãm đầu tiên năm 1971 với họa sĩ Đinh Cường tại Đà Nẵng, Hoàng Đăng Nhuận đã thực sự sống cuộc sống bằng bước chân của người nghệ sĩ.

Dạo ấy, tranh ông thấm đẫm nỗi cô đơn rực rỡ và nỗi buồn lộng lẫy. Ông mở lối đi riêng mộc mạc, chân thành nhưng sang trọng, quý phái và được công chúng trên thế giới đón nhận. Năm 1990, ông có 2 cuộc triển lãm tại trụ sở UNESCO và tại Nhà Việt Nam ở Paris (Pháp). Đó là cuộc triển lãm ngập tràn không gian văn hóa Huế. Nhà nghiên cứu Cao Huy Thuần kể lại: "Bước vào phòng triển lãm ở UNESCO, người thưởng thức ngợp trong màu tím. Cả một loạt tranh của Nhuận được vẽ bằng màu tím. Ảnh hưởng của Huế? Màu của thời gian? Màu của hoàng hôn? Màu của bâng khuâng? Có thể là tất cả và đã gợi lên một không khí rất Huế, một nỗi buồn man mác của Nam Ai và màu tím đã khiến cho Nhuận thành công, bởi vì Nhuận đã tạo ra được một nét lạ nơi những hình dáng rất quen của quê hương. Quê hương - Huế và Hoàng Đăng Nhuận là một".

Rồi sau những cuộc triển lãm liên tiếp đầy ấn tượng của nhiều năm sau đó, ông lui về với thế giới tĩnh lặng của riêng mình ở căn phòng nhỏ tận cuối đường Nguyễn Sinh Cung. Thời kỳ này, ông thân thiết hơn với Bửu Chỉ. Hai người bạn đã làm chung cuộc triển lãm tại Galerie Vĩnh Lợi (TP HCM) năm 1997.

Ông gần như ẩn dật để sáng tạo trong nhiều năm tiếp theo. Rồi ông "tái xuất giang hồ" bằng hàng loạt cuộc triển lãm tranh Mùa xuân Đinh Hợi 2007, chào mừng 90 năm Trường Nữ sinh Đồng Khánh, triển lãm của các hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế. Trong loạt tranh mới của ông, tuyệt nhiên không thấy màu rêu phủ, không thấy màu thạch thảo xanh buồn, không những vệt màu xám tung tẩy nhiều tâm trạng. Dáng hình của nỗi cô đơn lúc bấy giờ đã rộn rã âm sắc, chan hòa nắng tươi màu của miền nhiệt đới.

Giữa thế giới sắc màu tươi rói hay xám xịt của tranh Hoàng Đăng Nhuận, những bức tranh vẽ phố của ông khiến người xem ngây ngất. Từ bút pháp điểm họa tài hoa, phố của ông hiện lên bàng bạc không gian, nghiêng bóng thời gian. Phố hẹn, phố chờ, phố cũ, phố mới, phố má hồng, phố đa tình… Phố mỏng manh sau sương sớm, phố cô đơn lặng lẽ đến nao lòng. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thuở đó nhận xét: "Đâu đó trong mỗi bức tranh, người ta vẫn nhận ra bóng dáng của một kẻ nào đó lang thang, một chiếc xích-lô không người ở góc phố, một chiếc xe đạp của ai dựng bên lề đường hoặc là một gã áo đỏ lơ đãng đạp xe qua ngã ba... Có lẽ, trên những đường phố nhỏ kia hắn hy vọng tìm thấy những tàn thuốc vứt dài theo năm tháng, những chiếc hôn đã bị phụ bạc hoặc những bông phù dung chưa kịp hái". Vẽ phố là Hoàng Đăng Nhuận đang vẽ quá khứ, một phố Paris hoa lệ ướt đẫm nỗi buồn; một phố Huế rêu phong, cổ kính; một Hội An với "những mái nhà cong như thân hình vũ nữ".

Năm 2009, lúc này ông đã gần như bất lực trước toan trắng vì trải qua cơn tai biến. Những họa sĩ trẻ Huế đến thăm nhận ra ông đã vẽ trở lại, bằng cả con tim vì nghệ thuật, nhưng: "Thú thật, trong lúc này tôi chẳng thể vẽ được chỉn chu, kỹ càng như lúc trước vì lý do sức khỏe!". Năm 2010, tại nhà ông, gallery Chiêu Ê, triển lãm tranh của ba nghệ sĩ Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận và Phan Ngọc Minh đã diễn ra, kéo dài khoảng một tuần.

Năm 2013, ông có thêm lần bày tranh khi ra mắt Gác Trịnh (Huế), đó gần như là lần tham gia triển lãm cuối cùng của ông.

Hoàng Đăng Nhuận có số lần triển lãm khá lớn, gần 20 lần. Trong đó có những cuộc triển lãm với Đinh Cường, với Rừng, với Bửu Chỉ, với Dương Đình Sang, 2 lần triển lãm tại Paris… Ông cũng triển lãm tại Hồng Kông (Trung Quốc), Triều Tiên, Singapore với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Quân, Trần Trọng Vũ; triển lãm với Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung, Bửu Chỉ, Đỗ Hoàng Tường, Lê Quảng Hà tại Gallery Vĩnh Lợi; triển lãm với Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Quân, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Trịnh Thanh Tùng, Lê Thánh Thư, Lâm Triết, Lim Kim Katy ở TP HCM…

Ông nói: "Nghệ thuật hiện đại cho ta đôi khi cảm tưởng rằng cuộc đời là một giấc mộng và những giấc mộng cũng là một giấc mộng".

Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã đi về cõi mộng. Xin chúc ông có giấc mơ tuyệt vời sau những ngày ở trần gian cũng mơ hồ như giấc mộng…

"Tranh của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã có trong Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Singapore cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Một số tranh của Hoàng Đăng Nhuận:

Mưa phùn

Những nẻo vào

Phố xưa rêu phủ

Cuối đông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020