Ký sinh trùng (tựa gốc: Gisaengchung, tựa tiếng Anh: Parasite) xoay quanh cuộc sống của một gia đình Hàn Quốc bốn người ở khu ổ chuột. Hằng ngày, họ phải đi từ đường lớn, len theo những bậc cầu thang, xuống dưới một căn nhà nhỏ, mà nói chính xác hơn là một căn hầm ẩm thấp.
Mỗi khi nhìn qua ô cửa sổ hẹp, họ được thấy chút ánh sáng, và cả những người tè bậy. Bốn người nương tựa vào nhau trong cuộc sống cơ cực ấy cho đến một ngày, bạn của Ki Woo phải đi du học và nhờ cậy Ki Woo trông chừng giúp người mà anh chàng này thích. Muốn thế, Ki Woo phải làm giả chứng từ đại học để vào làm gia sư cho cô bé nữ sinh này.
Đó là một gia đình giàu có với ông chủ (ông Park) bận rộn chuyện làm ăn, người vợ (bà Park) nhẹ dạ cả tin và không biết làm việc nhà, cô con gái Da Hye lạc lõng trong chính căn nhà của mình, và Da Song cậu con trai nhỏ trong một thế giới rất riêng. Sau ngày đầu tiên đi dạy, Ki Woo lập kế hoạch hoàn hảo, từng bước đưa em gái Ki Jung, bố Ki Taek và mẹ Chung Sook vào làm việc trong nhà. Một sự việc bất ngờ diễn ra khiến kế hoạch này có nguy cơ bại lộ và đẩy các thành viên nhà Ki Woo vào bước đường cùng.
Ký sinh trùng đã tạo cơn sốt lớn tại Hàn Quốc, và sau khi phim đạt giải thưởng Cành cọ vàng thì tiếng vang lại càng vươn xa hơn. Vì lẽ đó, khán giả các nước khác đã mong đợi được xem bộ phim, đã đặt nhiều kỳ vọng vào nó. Và khi có dịp trải nghiệm, mỗi người sẽ đưa ra cho mình những đáp án khác nhau về một bộ phim tầng tầng ý nghĩa, nhưng cũng rất dễ hiểu và dễ cảm nhận.
Mang thể loại hài kịch đen (dark comedy), câu chuyện được kể bằng những tình tiết hài hước, nhưng lại là một tấn bi kịch, một chuỗi liên hoàn những hình ảnh, những khung cảnh đậm tính nghệ thuật. Mấu chốt của phim chính là chủ đề về cuộc sống và suy nghĩ giữa hai tầng lớp giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung. Đạo diễn Boong Joon Ho đã dùng ngôn ngữ điện ảnh rất riêng và có phần dị biệt để miêu tả vấn đề này một cách rất nặng nề và bi thương. Bộ phim dùng hình ảnh, dùng tình tiết, dùng nhân vật để khiến “giàu” và “nghèo” biến thành cơn ác mộng đối với mọi người, gặm nhấm dần tâm trí của khán giả.
Sẽ chẳng có con ký sinh trùng nào xuất hiện trong phim, mà chỉ có sự vô hình len lỏi, ký thác vào người khác. Nó bám vào từng nhân vật bất kể giàu nghèo, lì lợm không dứt ra được. Nhưng khi đã bị nó lôi kéo thì họ cũng sẽ phải nhìn lại, có hay không có, được hay mất, họ cũng không thể nào thay đổi bản thân. Nằm ở tầng lớp tận đáy xã hội thì cho dù có ngoi lên, làm mọi thứ để nắm bắt được cơ hội, hưởng thụ nó, nhưng rồi cũng không thể duy trì được mãi.
Bộ phim hướng khán giả theo góc nhìn của gia đình nhà nghèo, nhưng bạn vẫn có thể hiểu cho suy nghĩ và hành động của gia đình nhà giàu
|
Phim mang được cái hài trong nghệ thuật vào một bi kịch tạo ra những cảnh tượng đáng suy nghĩ và thấm sâu vào lòng của mỗi người. Bạn sẽ cười, rồi sẽ thấy nhói đau, hay đến được tận cùng của sự kiềm hãm, tức giận, vượt qua giới hạn.
Ẩn sâu trong từng khung hình của bộ phim là những ý nghĩa đối lập cực mạnh giữa hai giai cấp. Bạn sẽ thấy được sự xa hoa của tầng lớp thượng lưu và có những cảnh phải nghẹn ngào đối với tầng lớp thấp bé, dưới đáy xã hội của Hàn Quốc. Tiểu biểu nhất là cái nhìn của các nhân vật qua khung cửa. Một bên là con đường nhỏ, u ám, những hình ảnh dơ bẩn, một bên là thế giới xanh mướt, xa hoa. Bằng lối dẫn chuyện từ tốn, nhẹ nhàng và rồi đánh mạnh cảm xúc bằng hình ảnh, những cú lia máy, cách quay, qua nhiều phân đoạn, người xem sẽ thật sự bị ''bóp nghẹn'' trong sự cùng khổ và vùi dập của cuộc sống.
Bối cảnh phim chân thật, sắp đặt hợp lý nhưng “quảng cáo ngầm” làm điểm trừ dành cho phim
|
Thông qua những gì mà khán giả được nhìn thấy, bộ phim còn rất tinh tế khi mang rất nhiều chi tiết châm biến tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng cay nghiệt. Bên cạnh sự vô hình của loài ký sinh trùng là sự hiện hữu của những bậc thang dẫn lối bước lên ngôi nhà sang trọng hay đi xuống nơi ẩm thấp, là khối đá đè nặng lên tâm trí, là cơn mưa mát lành với người giàu và sự ám ảnh của người nghèo, là mùi của gia đình ông Ki Taek… Thay cho những lời giải thích dông dài, hình ảnh trong Ký sinh trùng ấn tượng và vô cùng sâu sắc. Tự khán giả sẽ là người đưa ra đáp án cho những chi tiết ẩn dụ đó.
Đạo diễn Bong Joon Ho đúng là bậc thầy của sáng tạo khi vận dụng tài tình những câu thoại, một trong hai ngôn ngữ biểu đạt chính của điện ảnh, bên cạnh hình ảnh. Có những lúc, các nhân vật nói thật nhiều, những câu chuyện đời thường ngỡ như vô thưởng vô phạt nhưng tất cả đều là cài cắm cho cái kết bùng nổ. Có khi, sự im lặng biểu hiện cho những u uất, giằng xé nội tâm. Và có khi, những lời thoại thốt ra, sâu sắc có, mà cay đắng cũng có. Đó là khi hai vợ chồng ông Park chủ nhà nói về “mùi nghèo”, là khi ông Ki Taek cứ hỏi ông Park có yêu vợ không, là khi ông Ki Taek nói “Chẳng có kế hoạch nào theo đúng ý ta. Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch”…
Những góc quay và những đại cảnh xa hoa đan xen trong Ký sinh trùng
|
Trong một câu chuyện vừa phức tạp lại vừa đơn giản, bên cạnh những góc cận gương mặt nhân vật thảng thốt hay bình tĩnh đến lạ, là tiếng réo rắt dồn dập của những bản giao hưởng. Có thể nói, âm nhạc chính là điểm cộng lớn nhất của phim, đẩy diễn xuất của diễn viên và cảm xúc của khán giả lên cao nhất.
Nhưng nếu phần âm nhạc hoàn hảo, hình ảnh trau chuốt tinh tế, hóa trang và diễn xuất sống động, nội dung sâu sắc, thì nhiều tình tiết trong phim lại không được xử lý tốt nhất có thể. Có lẽ, đoàn phim quá tham lam khi muốn mang nhiều, nhiều hơn những hiện thực khốc liệt của xã hội, nhưng lại bị giới hạn về thời gian, nên có nhiều chi tiết được thắt nút mà không kịp mở nút. Sẽ có những tình tiết đắt giá khiến khán giả suy ngẫm và tự tìm ra câu trả lời, thì cũng có những tình tiết trôi qua rất phí như vai trò người bạn của Ki Woo tác động lớn thế nào đến cậu, như việc tại sao Ki Jung có thể “trị” được Da Song, như cuốn nhật ký của Da Hye có ý nghĩa gì… Có rất nhiều điều chưa được giải thích thỏa đáng trong phim, nhưng lợi thế về hình ảnh và chiều sâu tâm lý đã khỏa lấp những điều đó và khéo léo cuốn khán giả theo dõi suốt hành trình của gia đình nhân vật chính và đi theo đúng lối mà phim đã vạch ra.
Tính cách nhân vật được khai thác tốt nhưng đôi khi khán giả cũng thắc mắc vì sự thông minh xuất sắc của họ
|
Bộ phim khép lại không chỉ có đau xót và nặng nề, mà còn làm khán giả không ngừng suy nghĩ, chiêm nghiệm lại bản thân. Ký sinh trùng không quá khó hiểu khi đạt Cành cọ vàng Cannes năm nay. Một câu chuyện chung của xã hội, một cái nhìn sắc bén nhưng cũng rất đỗi nhân văn, u uất nhưng cũng rất tươi sáng, phức tạp nhưng dễ cảm!
Phim đang có số điểm rất cao với 8.6/10 trên IMDB và 98% trên Rotten Tomatoes.
Ảnh: CJ Entertainment, Barunson E&A