Bộ phim Hãy Nói Lời Yêu của Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng được 24/32 tập và đang trở thành một đề tài hot được bàn luận nhiều trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội bởi đề tài gia đình quen thuộc, gần gũi cùng nội dung chất lượng.
Bộ phim đã chạm đến hàng loạt trái tim của khán giả với đề tài tưởng cũ nhưng luôn mới: khoảng cách thế hệ dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.
Lina Vũ Mai
Với sự tham gia của hàng loạt các diễn tài năng như NSND Trọng Trinh, Nguyệt Hằng, Quỳnh Kool, … cũng như sự chỉ đạo từ đạo diễn tài năng Bùi Quốc Việt, bộ phim đã chạm đến hàng loạt trái tim của khán giả với đề tài tưởng cũ nhưng luôn mới: khoảng cách thế hệ dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Kịch bản phim khởi đầu từ sự mâu thuẫn, đổ vỡ niềm tin của những đứa con với chính cha mẹ mình. Cùng với đó là hành trình trưởng thành của họ với những vấn đề tâm lý lứa tuổi, câu chuyện tình bạn, tình yêu, phản chiếu đời sống của các bạn trẻ đặc biệt là thế hệ Gen Z ngày nay. Trong phim, những người trẻ đang cố gắng thể hiện sự trưởng thành, không muốn bố mẹ sắp xếp cuộc sống, tìm cách phản kháng lúc thì kín đáo, lúc thì trực diện, để chơi với người bạn mình muốn chơi, yêu người mình muốn yêu, lựa chọn việc mình muốn làm.
Áp lực từ cái nhìn thiên hạ - vấn đề chung của xã hội
Cách tiếp cận sát sườn đến "vấn nạn" này nhiều khi khiến người xem nổi da gà hoặc thậm chí là rơi nước mắt. Nội dung phim gần gũi và đời đến mức nhìn quanh ta đâu đâu cũng có thể thấy ra một câu chuyện tương tự.
Sự đánh giá, điều tiếng cứ văng vẳng bên tai của bà Hoài (Nguyệt Hằng) khi ở nhà, cơ quan, thậm chí là trên các trang web ảo vô hình từ những người chẳng hề được điểm mặt gọi tên, chẳng hề có vai trong kịch bản, cũng chẳng hề có một câu thoại công khai. Rõ là vô hình đấy, nhưng với những người dễ bề để ý thì nó là là sức nặng ngàn cân.
Nội dung phim gần gũi và đời đến mức nhìn quanh ta đâu đâu cũng có thể thấy ra một câu chuyện tương tự.
Lina Vũ Mai
Có bao giờ bạn đắn đo khi chọn mua giữa 2 chiếc áo, một cái mình thích và một cái xã hội đang chuộng hay không? Từ những vấn đề nhỏ như vậy nhưng để tâm là sẽ hóa thành to. Kì thực xã hội chẳng nuôi ta ngày nào, nhưng ta lại sợ xã hội. Nói như Chí Phèo hồi đó thì nhiều người đang vướng bận nỗi lo sợ với tất cả nhưng chi tiết ra lại chẳng là ai cả...
Phân cảnh Hoàng My (Quỳnh Kool) thét lên như xé lòng: "Mẹ đừng lo cho thiên hạ nữa, lo cho mẹ đi" cũng không thể ngăn lại được bà Hoài đang phát điên lên vì những điều tiếng. Bà đã cống hiến cả đời mình để tạo dựng vỏ bọc gia đình để đẹp lòng xã hội, giờ không muốn buông bỏ. Chưa chắc bà Hoài là không phân biệt nổi đúng sai, chỉ là nếu quyết định buông tay, chính là từ bỏ hết từng ấy năm tuổi trẻ hi sinh và nỗ lực.
Nếu bạn đang leo gần tới đích của một ngọn núi nhưng lại bị nhiều người ngăn lại, bạn sẽ bước nốt vài bước cho tới đỉnh hay muốn quay đầu? Thấu cảm được điều đó nên bộ phim khiến ta như cảm thấy vừa thương vừa tội, đôi lúc còn phải rơm rớm nước mắt vì không biết như nào mới là phải.
Nếu bạn đang leo gần tới đích của một ngọn núi nhưng lại bị nhiều người ngăn lại, bạn sẽ bước nốt vài bước cho tới đỉnh hay muốn quay đầu? Thấu cảm được điều đó nên bộ phim khiến ta như cảm thấy vừa thương vừa tội, đôi lúc còn phải rơm rớm nước mắt vì không biết như nào mới là phải.
Lina Vũ Mai
Ai phá nát gia đình này - Liệu có lời hồi đáp?
Tôi buộc lòng trích dẫn ra câu thoại này vì nó gây ám ảnh quá…
Câu nói ngắn nhưng lần nào thốt ra cũng là với tông giọng la hét, chì chiết cùng tâm trạng bấp bênh của bà Hoài. Lời thoại lặp đi lặp lại xuyên suốt bộ phim, thậm chí còn vọng đi vọng lại chỉ trong 1 cảnh phim khiến nó như một lời than xé lòng, một câu hỏi không thể có lời giải đáp rõ ràng.
Một mặt, ông Tín (NSND Trọng Trinh) cho rằng vì bà Hoài quá khắt khe nên mới khiến ông phải đi tìm niềm vui mới bên ngoài xã hội. Mặt khác, bà Hoài hết lòng cho rằng sự cứng nhắc của mình là tốt cho gia đình, là cảnh tỉnh chồng con không lầm đường lạc lối. Cô bồ (Trúc Mai) lại cho rằng mình không sai vì chỉ chen chân vào một cuộc tình vụn vỡ và đang ra tay cứu nguy cho tâm trạng của ông chồng.
Cái vòng luẩn quẩn không khác gì việc phải tách bạch trứng có trước hay gà có trước, một tình huống mà ai nấy đều khăng khăng thoái thác cho đối phương 1 phần trách nhiệm còn mình thì minh bạch và trong sáng. Trong khi rõ ràng, ai nấy đều có một phần sai, và khi người ta sai nhưng không nhận, hoặc dùng cái sai này để sửa cái sai khác, thì vấn đề sẽ mãi mãi chẳng thể giải quyết triệt để.
Thực tình khi đã không còn muốn vun đắp, người ta ắt sẽ quên đi chân lý "cãi nhau với người mình thương, thắng mấy cũng là thua". Và vì như vậy nên ai phá nát cái gia đình này cũng không còn quan trọng nữa. Vì khi câu nói ấy được nói ra, thì gia đình hẳn đã tan nát từ lâu lắm rồi…
Lina Vũ Mai
Thật đúng khi có ai đó đã nói gia đình là một sợi dây gắn kết, nếu một đầu đã buông tay thì đầu kia gắng hết sức cũng không thể kéo căng. Tại sao nhất định phải rạch ròi đầu dây nào thắng? Thực tình khi đã không còn muốn vun đắp, người ta ắt sẽ quên đi chân lý "cãi nhau với người mình thương, thắng mấy cũng là thua". Và vì như vậy nên ai phá nát cái gia đình này cũng không còn quan trọng nữa. Vì khi câu nói ấy được nói ra, thì gia đình hẳn đã tan nát từ lâu lắm rồi…
"Quyền làm mẹ" là đúng hay sai?
Nội dung phim rất "đời", tôi đã phải thốt lên vài lần như vậy mỗi khi xem một tập mới.
Ngày xưa đạo Khổng Tử cho rằng bố mẹ là quyền tối thượng, đặt con ngồi đâu là nhất định phải ngồi đó, chữ ngoan chữ hiếu như chiếc vòng kim cô đội lên đầu. Nhưng ngày nay chẳng phải các bậc cha mẹ cũng tự tay sắm về những dàn máy tính, trang bị những cách dạy dỗ tiên tiến nhất để lũ trẻ được cập nhật với thứ văn hóa phương Tây - nơi thịnh hành chủ nghĩa cá nhân - bản thân mình là nhất đó hay sao?
Nó cũng chẳng khác gì việc ông Tín và bà Hoài đã chê trách Hoàng My ra đời ngây thơ quá, nhưng không biết nhìn lại mình đã cấm cản con gái giao tiếp với xã hội đến mức độ nào. Cả hai ngăn 2 đứa trẻ tọc mạch những câu chuyện "người lớn", nhưng khi có việc xảy ra thì lại chê trách con chẳng ra dáng người lớn chút nào? Đây chẳng phải là thứ tiêu chuẩn kép mà người ta hay lôi ra nói như cái khiên phòng bị chỉ trích cho bản thân đấy hay sao? Đây chẳng phải cũng là câu chuyện phổ biến trong nhiều gia đình và là nguồn cơn của mọi tình huống tạm được đặt tên là "khoảng cách thế hệ" đó hay sao?
Thời thế thay đổi, và với những người lớn tuổi khép mình trong giáo lý xưa cũ thì việc tâm sự tỉ tê, làm bạn với con cái là điều gì đó khó khăn lắm.
Lina Vũ Mai
Thời thế thay đổi, và với những người lớn tuổi khép mình trong giáo lý xưa cũ thì việc tâm sự tỉ tê, làm bạn với con cái là điều gì đó khó khăn lắm. Xã hội nói nhiều về khoảng cách thế hệ, trong khi định nghĩa đơn giản chỉ là 1 người nói gà, 1 người nói vịt, và cả 2 người cùng chỉ trích người kia là sai, trong khi sự thật là cả 2 đều đúng. Đơn giản vậy thôi.
Tôi bắt gặp nhiều bạn trẻ đã bình luận về bộ phim này trên mạng xã hội là "hay đến rơi nước mắt", và chỉ người trong cuộc mới thấy rợn xương sống khi nghe câu "con là niềm tự hào của mẹ" nó có sức nặng đến mức độ nào.
"Quyền của mẹ" - hiểu thế nào mới phải? Không biết kết thúc của phim sẽ ra sao, nhưng tôi mong các nhân vật sẽ hướng tới cái quyền khác, quyền được hạnh phúc…
"Để con tự chịu trách nhiệm đi"
Với tôi đây cũng là một lời thoại rất hay trong phim mà với các gia đình chưa thể ngay lập tức xóa nhòa mâu thuẫn thế hệ thì có thể bắt đầu từ việc này. Một câu thoại ngắn nhưng có thể thay đổi hoàn toàn tư duy của người xem.
Nếu một đứa con hét lên rằng "Vâng con sai, là con sai hết" tức là nó đã nhận ra nó sai thật ư? Chắc chắn là không, đứa trẻ nói vậy đôi khi là một câu hờn dỗi mong muốn được an ủi, đôi khi lại là một câu bịt tai giúp câu chuyện không còn gì để phát triển thêm nữa. Vậy thì nói ra còn để làm gì nữa?
Tôi mong các bậc phụ huynh lớn tuổi nếu chưa có điểm nhìn thực gần gũi với con cái, thì trước hết hãy từ bỏ thói quen bao bọc. Con cái không thể trưởng thành nếu không thể tự đi trên đôi chân của mình. Tất cả những câu chuyện đều là trải nghiệm của người khác, đứa trẻ muốn tránh xa nước sôi thì phải được chạm vào thấy bỏng và sợ chứ không phải nghe người khác đưa ra câu lệnh ngăn cản mà thành.
Mong con được trưởng thành ư, nhất định phải đặt nó xuống đất trước đã.
Con cái không thể trưởng thành nếu không thể tự đi trên đôi chân của mình. Mong con được trưởng thành ư, nhất định phải đặt nó xuống đất trước đã.
Lina Vũ Mai
Quỳnh Kool đóng những đoạn tình tiết này rất đỗi thành công, nét diễn đã hơn hẳn các bộ phim trước. Từ đôi mắt đến khóe môi run run sắp khóc, cái cảm giác van xin bố mẹ để mình được trưởng thành thực sự đau như ngàn vết dao cứa. Chưa thực sự xuất sắc nhưng rất ấn tượng! Theo tôi là như vậy.
Một bộ phim Việt không hề có hậu
Điều làm nên thành công của bộ phim bên cạnh diễn xuất đỉnh cao của dàn diễn viên gạo cội thì chính là những câu thoại chạm đến cảm xúc người xem:
"Nơi nào vui vẻ ấm áp, nơi đó là nhà"
"Muốn giữ hạnh phúc gia đình khó lắm, muốn phá thì dễ thôi"
"Tiền không thể mua được những giây phút bình yên trong gia đình"
Không chỉ vậy, cái chết của Minh (Quang Anh) đã giáng một đòn tâm lý đau đớn lên những gia đình còn nặng mâu thuẫn và áp đặt. Chính chi tiết này đã khiến Hãy Nói Lời Yêu khác với phim Việt truyền thống và tạo nên sức hút với cả giới trẻ, không chỉ riêng cho bà nội trợ.
Cái chết của Minh (Quang Anh) đã giáng một đòn tâm lý đau đớn lên những gia đình còn nặng mâu thuẫn và áp đặt. Chính chi tiết này đã khiến Hãy Nói Lời Yêu khác với phim Việt truyền thống và tạo nên sức hút với cả giới trẻ, không chỉ riêng cho bà nội trợ.
Lina Vũ Mai
Cái chết của Minh là mảng tối đối lập với tất cả những ngày tưởng chừng tươi sáng trước đó khiến người xem thêm đau lòng. Từ một cậu bé hay cười, ngây thơ trong sáng, biết cách làm đẹp lòng cha và nghe lời mẹ, cậu bị ép đến con đường cùng của sự tuyệt vọng.
Cả tuổi thơ lầm lũi làm theo tất cả những gì bà Hoài muốn, chỉ chăm chăm học hành hết từng chồng sách lớn nhỏ và không thể có bạn vì lời mẹ nói: "Chúng nó không xứng chơi cùng con, mây tầng nào gặp mây tầng ấy". Ấy vậy mà khi nổi cơn điên, mẹ lại mạt sát cậu là đồ vô dụng, không biết làm gì cũng chẳng có lấy một đứa bạn. Giống như tâm trạng của bà mẹ, khoảnh khắc đó tôi đoán chắc rằng trong lòng cậu tất cả nỗ lực suốt gần 20 năm non dại đã sụp đổ tan tành không thương tiếc.
Sự đau xót còn nhiều hơn khi tấm bè cứu cánh cuối cùng của Minh là ông Tín thì người bố lại chẳng may đâm đầu vào làm ăn thua lỗ, nợ nần kiệt quệ,... nên đã trễ lịch với con trong buổi hẹn cuối cùng. Ông đã dành phần lớn thời gian của mình để kiếm tiền mong cho con có cuộc sống tốt đẹp hơn, mà quên đi đứa con khát khao tình cảm của cha để làm trụ cột trong cuộc sống. Ông giấu con chuyện làm ăn thất bại để con bớt lo lắng mà sống an yên, còn đứa con lại ngóng bố về để được tỉ tê tâm sự và chia sẻ.
Thiếu thốn tình cảm gia đình, gánh áp lực quá lớn từ mẹ, cảm thấy bị cha bỏ rơi, xa rời cả nguồn động lực tích cực của chị... từng chút từng chút góp gió thành bão tạo thành tổn thương tinh thần không thể cứu vãn. Minh chết đi không phải để trả thù mẹ, trong tâm hồn cậu ắt hẳn đã nhìn thấy rằng: "Mình sống chẳng để làm gì nữa", và nếu đã chẳng để làm gì, thì tức sống không bằng chết.
Cảnh quay đám tang Minh là cảnh quay ngập trong nước mắt của khán giả, lần đầu tiên sau suốt hơn 20 tập phim tôi lại bất giác thở dài với mảnh tư duy tồi tệ: thôi, vậy là từ nay cậu bé được hạnh phúc rồi nhé, không phải gồng mình nữa nhé.
Quả bóng Minh ôm trước khi chết được nhiều khán giả cho rằng nó tượng trưng cho lòng nhớ thương bố và hạnh phúc gia đình xưa cũ, nhưng theo tôi thì không phải. Đó là mong muốn của một đứa trẻ khao khát được vui chơi, được làm điều mình thích, được hít thở không khí trong lành dưới bầu trời rộng lớn. Một đứa trẻ được vui chơi thỏa thích chưa chắc sẽ thành một đứa trẻ ngỗ nghịch lêu lổng, nhưng ngược lại một đứa trẻ chôn vùi tuổi xuân trong phòng học chính là một đứa trẻ bất hạnh và chắc chắn sẽ cầm một tấm bằng trắng vào khoảnh khắc tự bước ra cuộc đời.
Dành một lời khen cho biên kịch bởi đã hạ quyết tâm tạo ra một cái chết, tuy đau, nhưng đủ mạnh để dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh mối quan hệ trong mỗi gia đình. Hãy để mỗi đứa trẻ hạnh phúc vì được làm điều chúng thích, đừng vì mặt mũi cá nhân mà ép con gánh hộ sĩ diện cho chính mình.
Lina Vũ Mai
Sau khoảnh khắc đấy, tất cả những nỗ lực thay đổi của bà Hoài trong mắt tôi tự dưng hóa thừa thãi, vì cái giá phải trả đắt quá, đau quá, không thể cứu vãn được nữa rồi. Dành một lời khen cho biên kịch bởi đã hạ quyết tâm tạo ra 1 cái chết, tuy đau, nhưng đủ mạnh để dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh mối quan hệ trong mỗi gia đình. Hãy để mỗi đứa trẻ hạnh phúc vì được làm điều chúng thích, đừng vì mặt mũi cá nhân mà ép con gánh hộ sĩ diện cho chính mình.
Nhiều gia đình lựa chọn xem TV vào lúc 21h30 thứ 5, thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3 không còn đơn thuần là muốn thưởng thức một bộ phim để giết thì giờ, mà còn là khát khao muốn soi chiếu bản thân trong đó. Bởi một người không soi gương thì không thể biết mặt mình có nhọ...
Nguồn ảnh: Tổng hợp