Người dấy lên nỗi băn khoăn ấy chính là Alfonso Cuarón sau thành công vang dội với 10 đề cử Oscar trong mùa giải vừa qua cho phim "Roma". Một bộ phim nhận được nhiều đề cử thì chẳng có gì đáng nói nếu như nó chưa từng được ra rạp mà chỉ được chiếu trên trang phim trực tuyến Netflix.
Đạo diễn kỳ cựu Steven Spielberg phản đối việc một bộ phim được phát hành trực tuyến trên Netfix có đủ tư cách tham gia Oscar. Theo ông, nó chỉ xứng đáng tham dự các giải phim truyền hình.
Dĩ nhiên, người đầu tiên phản đối lập luận này là đạo diễn Cuarón với sự ủng hộ nhiệt thành của Netflix. Mới đây, ngày 4-3, trên trang twitter của mình, Netflix đã chia sẻ dòng trạng thái: "Chúng tôi yêu điện ảnh. Dưới đây là một số điều chúng tôi cũng yêu thích: Tạo điều kiện cho những người không thể luôn có đủ khả năng tài chính hoặc sống trong các thị trấn không có rạp chiếu phim. Để mọi người, mọi nơi thưởng thức các bộ phim cùng một lúc. Những nhà làm phim có nhiều cách hơn để chia sẻ nghệ thuật. Những điều này không mâu thuẫn lẫn nhau".
Cảnh trong phim Hai Phượng (ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Tôi sinh ra ở một thị xã không có rạp chiếu phim, muốn đến rạp gần nhất phải mất chừng 4 giờ xe buýt đi về. Trước khi lên thành phố học đại học, những bộ phim đang được bàn luận trên báo đối với những đứa trẻ quê như tôi là thuộc về một thế giới xa lạ nào đó ở "ngoài kia"; còn "ở đây", chúng tôi không biết gì về chúng cả. Phải đợi 3 tháng hoặc có khi cả năm, chúng tôi mới xem được trên mạng. Ngay cả khi sống ở thành phố, không hẳn ai lúc nào trong túi cũng rủng rỉnh tiền đúng vào lúc bộ phim mình muốn xem ra rạp. Vì thế, lý do đầu tiên Netflix nêu như trên là có lý hơn cả.
Không phải đến bây giờ, khi báo chí cảnh báo về khoảng cách giàu nghèo, mà ngay từ hồi còn ở quê, tôi đã nhìn ra sự cách biệt này thông qua những rạp phim; giữa một thế giới không có rạp phim (hoặc nhà sách, khu vui chơi…) và cả người có khả năng với người không có khả năng tài chính để thưởng thức nghệ thuật. Nhiều khi, sự nghèo nàn về vật chất không đáng sợ bằng sự nghèo nàn về tâm hồn.
Mới đây, bộ phim "Hai Phượng" gây được dư luận tốt trên mạng xã hội và xuất hiện trên nhiều mặt báo. Thế nhưng, tôi tin rằng những người ở quê mình, hay bất kỳ nơi đâu không có rạp chiếu phim, vẫn chưa biết mặt mũi "Hai Phượng" ra sao. Họ phải trông chờ đến lúc nào đó nó được tải lên mạng hoặc xuất hiện dưới dạng băng đĩa lậu.
Một mâu thuẫn, khi mà chính những thứ bị các nhà làm phim chiếu rạp lên án ấy, lại là nguồn nuôi sống tâm hồn của biết bao người, nhất là ở nơi không có rạp. Từ đây, ta lại sa đà vào chuyện lấy mục đích biện minh cho phương tiện.
Cuộc chiến ở Hollywood chắc chắn còn kéo dài. Nó không đơn thuần là cuộc chiến của một kênh phát hành phim trực tuyến với các hãng phim truyền thống mà là cuộc chiến giữa cái mới và cái cũ. Sau Netflix, sẽ có nhiều kênh phát hành trực tuyến mạnh dạn sản xuất những bộ phim có chất lượng không thua kém bất kỳ phim chiếu rạp nào. "Roma" sẽ không là trường hợp ngoại lệ. Nó sẽ không thuần túy một câu hỏi nghệ thuật: Thế nào là một bộ phim điện ảnh? Đó còn là câu hỏi mang tính chất xã hội: Làm thế nào tạo cho mọi người một môi trường để phát triển như nhau?