Thỉnh thoảng lại bắt gặp một con khe chạy vắt ngang, dẫn nước thoát từ các xóm làng, ruộng lúa bên trong đổ ra sông. Mùa cạn nên khe ít nước và khá nhiều rác. Một chiếc cầu bê-tông hẹp chỉ vừa chiếc xe máy chạy qua, hình cầu vồng bắc ngang con khe nhỏ. Phía dưới là mấy chiếc thuyền cũ có mới có nằm im lìm một cách lười biếng như không còn muốn ra khơi. Qua khỏi cầu là một con dốc nhỏ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Hân bảo đổ hết con dốc này là gặp biển. "Anh nghe tiếng sóng chứ?"
"Hóa ra là tiếng sóng chứ không phải tiếng... tim đập dội từ ngực em"! Tôi nhắc lại ý nghĩ của mình, Hân phát vào vai tôi nói "quỷ nà" và cười vang. Tiếng cười của Hân làm rực rỡ một khúc đường vắng. Ở đầu con dốc có chiếc trụ cao bằng đá sa thạch. Chiếc trụ đứng nép ven đường bên cạnh một gốc dương liễu già. Dòng chữ Nho viết theo chiều thẳng đứng của cây trụ hiện ra khá rõ nét. "Họ viết gì vậy em?"; Hân phủi phủi bàn tay trên mặt đá như thói quen mỗi lần đọc bia rồi bảo, đây là bia ghi dấu một lần ghé lại của một đoàn thuyền buôn nước ngoài từ ngày xưa, cũng ghi dấu một thương cảng xưa, anh ạ! À ra thế, thảo nào phía bên ngoài đường chính có nhắc đến dấu tích khảo cổ ở vùng này, chắc là đây!
Chúng tôi quẹo xe chạy theo con đường nhỏ mép chân sườn đồi chạy vô xóm. Con đường đẹp như tranh vẽ. Hai hàng dương liễu chạy trải dài vô tận xóm trong. Đám dứa dại chen chúc cùng với cỏ hôi và xuyến chi làm cho bức tranh tả thực bỗng đầy cảm xúc. Tôi cho xe chạy thật chậm, mắt hút theo con đường.
"Nghe nói cả vùng này lọt vào một dự án lớn rồi". Giọng Hân ngân lên phía sau như một tiếng thở dài.... Chuyện này thì tôi quá rành, lại đang phải trả lời một câu hỏi đầy gai góc, cũng là mục đích của chuyến đi.
Nhớ lần cùng đoàn nhà văn đi thực tế xứ này, lần ấy có Phù Dung. Chuyến đi dọc biển theo mé bờ đông của một con sông chảy dọc biển qua những xóm chài, những xóm nhỏ ven sông soi mình dưới nước thật đẹp. Phù Dung bảo con sông thật kỳ, cứ chảy một cách ngang ngạnh như thế, không đầu không cuối. Lần ấy, tôi chen vào, ngang ngạnh như em ấy à? Nàng ngưng cười, hắt ánh mắt là lạ lên mặt tôi như dò xét và rồi không nói gì. Tôi im lặng chạy xe bên Phù Dung suốt cả chục cây số đường vắng tanh vắng ngắt. Qua khúc cua đầy ắp gió, tiếng Phù Dung hắt vào gió: "Em ngang ngạnh thiệt à?". Tôi lắc đầu một cách vô thức, có lẽ để chiều Phù Dung và chừng như sợ cơn giận dữ nơi nàng sẽ bùng lên bất chợt làm chuyến đi mất vui. Nàng bảo, sau chuyến này em sẽ nghỉ việc. Tôi ngơ ngác. Sao lại nghỉ việc? À, em làm một chuyến đi xa xem thử có thay đổi gì không? Đi kiểu xách ba-lô lên mà đi của bọn nhóc? Nàng gật đầu, tóc đổ lòa xòa xuống trán như cố tình lấp đi vầng trán cao và bướng bỉnh. Đi cùng ai vậy? Không, em đi một mình chứ, có ai điên như em đâu! Rồi nàng cười, giọng nàng vang, lạ, tôi chưa hề nghe bao giờ. Thế còn chuyện của mình? Tôi buột miệng. Không khí chùng xuống, lặng đi. Rất lâu sau nàng mới buông tiếng khẽ khàng, em xin lỗi! Xin lỗi anh và mọi người. Bao giờ em đi? Xong loạt bài này cho báo em sẽ đi luôn! Định hỏi một câu bao giờ thì em về nhưng thật khó khăn. Khi đặt tên Phù Dung, ba mẹ nàng nghĩ gì nhỉ? Chắc cũng có căn cớ gì đó… Bất giác nhớ đến truyện ngắn của một người đẹp viết văn còn rất trẻ: Người Canh Giữ Phù Dung. Ai canh giữ nổi Phù Dung?… Bây giờ thì Phù Dung đang cuốn theo một cơn bão cát nào đó hay đang vắt vẻo trên mình một chú lạc đà ở một nơi rất xa?
"Mình đi bộ đi anh!". Dựng xe bên vệ đường, hai đứa lững thững cuốc bộ vào xóm. Ngoài kia là biển. Rồi đến một đồi cát trồng toàn dương liễu. Đến xóm và cánh đồng trải từ chân đồi cát ra con khe nhỏ. Dương liễu trồng dọc theo hai bên đường và cả hai bờ con khe uốn éo nương theo các thửa ruộng. Còn có tên gọi là phi lao nhưng tôi thích gọi dương liễu hơn. Có gì đó thật mềm mại. Ở đây, dương liễu là vũ khí vô song chống sóng gió, chống sạt lở cho đồi cát ven biển. Dân ở đây nửa làm nông nửa đi biển. Vài nhà làm nước mắm. Nước mắm Cửa Khe nổi tiếng cả mấy trăm năm rồi. Sau một thời gian dài mất dạng, gần đây thương hiệu nước mắm này đang dần dần được phục hồi tạo nên một điểm nhấn cho kinh tế vùng ven biển. Thế mà…
"Em vừa bảo vùng này "dính" dự án gì đó à?". "Dạ!". "Sao vậy nhỉ?" - tôi hỏi ngớ ngẩn. "Em làm sao biết được. Mà… Thâm Quyến trước kia cũng chỉ là một làng chài nhỏ"... Tôi lắc đầu, thời bây giờ thì khác rồi, không thể đánh đổi bằng mọi giá. Có thể nhanh chóng xây dựng mới cả một thành phố sầm uất nhưng không dễ dàng có một vùng quê yên ả như thế này. Rồi sẽ phải trả giá. Hân nhìn sâu và mắt tôi, không nói gì. Như thời trang. Như một cái vòng luẩn quẩn, người ta cứ mê mải đi tìm những cái mình thiếu, rồi sẽ phải quay trở về chính chỗ cũ, khi ấy mọi thứ bị đánh mất hết cả rồi. Khách nước ngoài người ta lặn lội qua đây chính vì cái miền quê yên ả này chứ không phải mớ bê-tông và đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy kia! Như Ph… Tôi buột miệng định nhắc tới tên cô gái đang "mất hút" đâu đó tận châu Phi nhưng kịp dừng lại. Lúc này, nếu có Phù Dung ở đây thì sao nhỉ? Hay sẽ thêm một cơn khùng điên nữa?
"Quan điểm của em về chuyện này thế nào?". "Em thì làm được gì? Tổng biên tập bảo sao nghe vậy. Báo cũng bị lắm áp lực, anh à!". Tôi hiểu Hân. Nhiều nhà báo đã dần trở nên nhỏ bé, quên mất thiên chức của mình. Không thể trách Hân được. Nhưng nếu chẳng có ai can thiệp thì chắc chắn mọi chuyện sẽ trôi theo chiều hướng xấu không thể cưỡng lại. Nhưng mà em tiếc, rất tiếc nếu sau này quay lại đây mà chẳng còn nhìn thấy gì. Cơ quan cử tôi đi khảo sát toàn bộ vùng này, làm một báo cáo phản biện thật thuyết phục để trả lời câu hỏi của địa phương, rằng sẽ giữ lại hay nhường hết vùng đất này cho dự án? Càng đi tìm càng thấy… mịt mù thêm. Dường như thiên hạ đang bị cuốn vào một cơn lốc xa lạ đầy những viễn cảnh rực rỡ nhiều mê hoặc. Đó là cái giá đánh đổi cho sự phát triển, có lần Phù Dung bảo thế. Hay là… anh ra nước ngoài một chuyến. Ý nàng bảo nhiều nước đã phải trải qua giai đoạn giống nước mình, gọi là tăng trưởng nóng. Những được - mất đều ít nhiều có câu trả lời. Tôi cũng hiểu điều đó nhưng để thuyết phục cho những cái đầu lạnh lùng đang mải mê cuốn theo những cơn lốc thì không hề dễ, lại thêm phía sau họ lại là những lợi ích khổng lồ. "Khi về, em sẽ dành tặng cho anh một số câu trả lời" - Phù Dung vừa nói vừa cười khi vẫy tay chào tôi lúc bước vào khu kiểm tra an ninh sân bay…
Chúng tôi ghé thăm một số nhà dân. Người ta đang bàn tán nhiều về các dự án. Những lời hứa của các nhà đầu tư nổi lên như những lời phán xuống từ… thiên đường. Nhất là những người trẻ tuổi. Họ vẽ ra những viễn cảnh vô cùng tốt đẹp. Không thể trách họ được. Đời ông, đời cha của họ đã mấy trăm năm cứ vất vả với ruộng đồng, với biển giả. Họ lại nhắc, biển giả biển là giả mà anh! Từ người chủ động chúng tôi trở thành kẻ bị động, nhiều câu hỏi chúng tôi không trả lời được. Hân, với thế mạnh của một cô gái đẹp còn có chút lôi cuốn, thuyết phục mấy chàng trai trẻ còn tôi thì thua. Những câu chuyện cứ trôi tuột theo chiều hướng khác khiến chúng tôi cũng đâm nản lòng.
Buổi chiều, chúng tôi đi gặp mấy người cao tuổi trong làng. Có cả những ngư dân già mà Hân bảo là mấy "Sói biển còn sót lại". Ở họ, thời gian như chạm khắc lên từng gương mặt, trên từng đường gân, từng thớ thịt gai góc. Nhìn họ, là thấy sóng, là biển khơi. Khi đi vào sâu câu chuyện, họ lặng thinh một lúc lâu. Rồi bảo, có nhiều thứ bọn tui không hiểu (?). Các dự án ấy để làm gì? Làm giàu à, làm giàu cho ai? Còn ai giàu hơn chúng tôi? Cứ xây tới miết rồi ít bữa đường đâu cho chúng tôi ra biển? Tôi ngó Hân vừa kịp lúc bắt gặp đôi mắt ngơ ngác của Hân đang chiếu về phía tôi. Rồi nàng lắc đầu. Khẽ thôi nhưng chất chứa bao nhiêu điều.
Chắc chắn là phải thay đổi rồi, nhưng sẽ là bao nhiêu? Chắc là phải có sự hòa quyện giữa tất thảy mọi thứ nhưng sẽ như thế nào? Câu chuyện vẫn tiếp tục mơ hồ... Tôi lắc đầu ngán ngẩm. Mọi thứ không hề đơn giản. Không hề đơn giản như chỉ cần chạy xe thêm chút xíu nữa là sẽ gặp biển. Chút xíu nữa là tới biển nhưng mà sao cứ xa lăng xa lắc?
Câu hỏi cuối cùng của một cụ già cứ lặp đi lặp lại u u trong đầu tôi: "Đưa hết đất cho dự án thì bọn già tụi tau biết đi về đâu?".
Nghe lời Phù Dung, sau chuyến đi này chắc chắn là tôi sớm phải ra nước ngoài một chuyến, để hiểu thêm thế giới người ta đang làm gì. Đi, vì một sự nghiêm túc thực sự chứ không phải chỉ vì… một cơn điên bất chợt như nàng!
Lê Trâm viết truyện ngắn này như một người đang… đi trên dây. Có một sự mạo hiểm không hề nhẹ, bởi nếu không giữ được thăng bằng thì sẽ té ngã ngay lập tức.
Tại sao lại đi trên dây? Vì tác giả chọn một đề tài vừa quá cũ mà vẫn còn rất mới. Đó là câu chuyện quy hoạch biển làm những dự án du lịch (hay là bất động sản). Chuyện ấy đã diễn ra khốc liệt từ mười mấy năm nay rồi. Những vùng biển đẹp nhất, hoang sơ nhất, đã bị thao túng hết cả rồi. Nhưng những vùng biển xa xôi nhất, bình yên nhất, tưởng ngàn đời không ai tới, vẫn không được buông tha bởi lòng tham vô đáy của con người.
Nhưng tác giả lại có tham vọng viết về những điều chân thật nhất: "Như thời trang. Như một cái vòng luẩn quẩn, người ta cứ mê mải đi tìm những cái mình thiếu, rồi sẽ phải quay trở về chính chỗ cũ, khi ấy mọi thứ bị đánh mất hết cả rồi".
Với một vấn đề còn nóng thời sự như thế, Lê Trâm vừa mạo hiểm vừa khéo léo đi giữa ký sự và văn chương. Hay nói đúng hơn, những chất liệu của ký sự được làm mờ hóa đi song khiến người đọc vẫn chạm chân vào sự thật một cách chắc chắn. Gia tăng chất văn chương một cách chủ ý nhưng không bay quá xa hiện thực: "Mọi thứ không hề đơn giản. Không hề đơn giản như chỉ cần chạy xe thêm chút xíu nữa là sẽ gặp biển. Chút xíu nữa là tới biển nhưng mà sao cứ xa lăng xa lắc?".
Chút xíu nữa là tới biển. Cũng như chút xíu nữa là chạm vào chân lý. Mà không dễ dàng gì. Trần Nhã Thụy
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH