Oraiden Manuel Sabonete (bên phải) đóng vai lính Pháp trong cảnh phim "Đào, phở và piano" - Ảnh: NVCC
Oraiden cho biết sau khi đến Việt Nam du học đã được bạn bè, thầy cô đặt tên Việt Nam để dễ gọi, "tên Đức rất đẹp và ý nghĩa, mọi người gọi thân hơn là Đức Đen", Oraiden nói.
"Đức Đen, Đức Đen nổi tiếng rồi…"
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ Online chiều 20-2, Oraiden cho biết rất bất ngờ khi khoảnh khắc anh tham gia bộ phim Đào, phở và piano đang được chia sẻ rầm rộ và nhận nhiều sự yêu mến của khán giả Việt Nam trên mạng xã hội.
"Sau một đêm thức dậy có rất nhiều người đã kết bạn, nhắn tin, gọi điện thoại chúc mừng tôi, có người nói 'chị không đặt được vé, cháy vé, làm sao để đặt được vé đây?'… Khi lên lớp thì các bạn ồ lên: 'Đức Đen, Đức Đen nổi tiếng rồi!'.
Nhận được sự quan tâm và dành tình cảm tốt đẹp của nhiều người Việt Nam, tôi rất vui và tự hào. Tự hào vì tôi là một người châu Phi, người Mozambique da đen được xuất hiện trong bộ phim lịch sử của Việt Nam, qua đó lan tỏa hình ảnh người Mozambique đến bạn bè thế giới", Oraiden vui vẻ kể lại.
Oraiden bất ngờ được nhiều người biết đến sau khi đóng vai lính Pháp trong phim Đào, phở và piano. Trong ảnh: hai giảng viên check-in cùng Oraiden - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Oraiden cho biết đã tham gia bộ phim Đào, phở và piano vào khoảng năm 2022 - 2023. Trong phim Oraiden vào vai người lính Pháp.
Oraiden kể đã mất khoảng 5 ngày đồng hành cùng đoàn phim, nhiều giờ làm việc liên tục mỗi ngày, phải diễn đi diễn lại nhiều lần để có cảnh quay tốt.
"Để có bộ phim ra rạp thành công như hiện tại là rất nhiều công sức, tâm huyết, sự kết hợp từ đạo diễn, diễn viên, biên đạo múa, trợ lý, nhà sản xuất, và nhiều người khác", Oraiden nói.
Oraiden (giữa) trong một cảnh phim - Ảnh: NVCC
Bộ phim Đào, phở và piano là một trong hai phim nhà nước nằm trong kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Đào, phở và piano (đạo diễn và biên kịch Phi Tiến Sơn) lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội.
Trong những trận đánh cuối cùng trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội năm 1947 lên chiến khu, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, một số người vẫn chọn ở lại chiến lũy.
Họ, có tên hoặc không có tên, cùng nhau kể một câu chuyện bi tráng mà không kém phần lãng mạn về "tâm hồn Hà Nội" trong khói lửa.
Đến Việt Nam du học vì yêu lịch sử Việt Nam
Oraiden kể lý do biết đến Việt Nam là thông qua bài học môn lịch sử năm lớp 8, phần lịch sử thế giới. Kể từ đó, anh ấn tượng với đất nước và con người Việt Nam, "một đất nước kiên cường, bất khuất khi chiến tranh, lúc hòa bình thì bình yên, người dân tốt bụng, là nơi đáng sống", Oraiden chia sẻ.
Khi biết thông tin có học bổng chính phủ du học Việt Nam, Oraiden đã quyết định dừng học ngành máy tính tại Trường đại học Lurio University - một trong những trường tốp đầu về khoa học kỹ thuật và khoa học tự nhiên ở Mozambique.
Khi đó, chàng trai 19 tuổi Oraiden quyết định nộp hồ sơ đăng ký và là một trong 10 sinh viên được lựa chọn đi học trao đổi tại Việt Nam.
"Khi quyết định sang Việt Nam du học thì người thân, bạn bè của tôi tưởng Việt Nam vẫn đang có chiến tranh nên can ngăn tôi không nên đi vì lo ngại nguy hiểm. Lúc đó chưa biết nhiều về Việt Nam nhưng tôi đã giải thích đó chỉ là quá khứ, hiện tại Việt Nam là đất nước rất an toàn", Oraiden nói.
Sang Việt Nam, Oraiden được học tiếng Việt 1 năm tại Trường đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. Oraiden kể dù còn bị nhầm hai dấu huyền, sắc nhưng vẫn rất hào hứng "khăn gói" đến Đại học Bách khoa Hà Nội học tập.
Oraiden cho biết sau khi hoàn thành chương trình học bổng sẽ trở về Mozambique phát triển quê hương - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Vượt qua kỳ thi ngôn ngữ với 10 điểm nói, Oraiden đã chọn ngành kỹ thuật điện, vì Oraiden cho rằng những kiến thức học được tại đây sẽ rất cần thiết để xây dựng nền công nghiệp năng lượng ở Mozambique.
Tại đây, do hạn chế về ngôn ngữ vốn chỉ đủ để giao tiếp khiến Oraiden không hiểu hết những gì thầy/cô giảng. Dù ở Mozambique, Oraiden đã học môn giải tích nhưng khi sang Việt Nam học lại vẫn thấy như mới.
Với các môn chuyên ngành nhiều từ khó, Oraiden thường phải nhờ thầy/cô hoặc bạn học giải thích giúp. Cậu chàng cũng thường tự học 3-4 tiếng/ngày để có thể theo kịp các bạn.
"Học ở Bách khoa khá khó nhằn. Mỗi khi cảm thấy nản, tôi sẽ gọi điện thoại cho bố để tâm sự chuyện học hành. Mỗi lần cảm thấy mình sắp "buông", tôi lại lên Facebook, thấy những người bạn ở quê hương tỏ ý khâm phục mình, muốn noi gương mình để vươn lên, tôi lại quyết tâm theo học Đại học Bách khoa Hà Nội.
Học để có tương lai. Tôi không muốn bản thân mình, người thân và mọi người thất vọng", Đức quả quyết nói.
Điểm 10 kinh tế chính trị Mác - Lênin và những thành tích bất ngờ
Vượt qua rào cản về ngôn ngữ, Oraiden còn có một số môn đạt điểm tuyệt đối, như môn kinh tế chính trị Mác - Lênin, bộ môn mà nhiều sinh viên Việt Nam còn phải thi lại không ít lần.
Năm học thứ hai, Oraiden cùng nhóm bạn tham gia nghiên cứu khoa học với đề tài "Quan hệ kinh tế Việt Nam - Mozambique từ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam", giành giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp đại học.
Đề tài có hai bài báo được công bố trên tạp chí khoa học và được Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng Đại sứ quán Mozambique tại Việt Nam xác nhận về tính ứng dụng.
Năm 2023, Oraiden cùng cô Nguyễn Thị Phương Dung, giảng viên khoa lý luận chính trị Đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện hai tác phẩm hưởng ứng cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đạt giải nhất thể loại tạp chí và giải nhì thể loại video của Thành ủy Hà Nội.
Bài tạp chí sau đó đạt giải triển vọng tại vòng chung khảo toàn quốc.
Tháng 10-2023, Oraiden cùng hai bạn người Lào và Campuchia tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam, đạt giải khuyến khích.