boi-canh-10-ty-dong-cua-phim-cong-tu-bac-lieu-1734442265.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=crgF9q-97tqglEB7krV02g
Bối cảnh 10 tỷ đồng của phim 'Công tử Bạc Liêu'

Hậu trường các cảnh quay chính trong "Công tử Bạc Liêu". Video: Đoàn phim cung cấp

Đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết một trong những ngoại cảnh được đầu tư nhất phim là đường phố Sài Gòn - Gia Định những năm 1930. Để dựng lại không khí xưa cũ, êkíp thiết kế nhiều cảnh giả lập, như một khu phố dài 100m trên mảnh đất rộng một hecta, có chi phí ba tỷ đồng. Bộ phận mỹ thuật vẽ lại nhiều bảng hiệu nhà hàng, quán cà phê, phòng xuất nhập cảng.

Nhà hát Nam Kin - nơi thiếu gia Ba Hơn (Song Luân) gặp gỡ người đẹp Bảy Loan (Đoàn Thiên Ân) - mang kiến trúc, nội thất cổ điển, với 200 m2 sàn gỗ tự nhiên, hơn 50 bộ bàn ghế được đóng riêng. "Để hoàn thiện cảnh quay, hơn 40 nhân công làm việc suốt 20 ngày với kinh phí hai tỷ đồng", đạo diễn nói.

Công trình ngân hàng An Nam Thạnh Vượng - sản nghiệp lớn nhất của gia đình Ba Hơn - được đầu tư khoảng một tỷ đồng, lót sàn gạch bông 200 m2. Trong phim, đây là nơi nhân vật chính đạt được thành quả đầu tiên khi khởi nghiệp. Võ đài cũng được dựng lại để khắc họa tình tiết Ba Hơn tổ chức đấu boxing, cứu tình hình kinh doanh của ngân hàng.

Nhà của "công Tử Bạc Liêu" được ghi hình tại biệt thự hơn 100 tuổi của nguyên mẫu - ông Trần Trinh Huy. Dinh thự cổ của Tổng Lãnh sự quán Pháp (TP HCM) lần đầu lên màn ảnh rộng, trở thành khuôn viên biệt phủ của Hội đồng Lịnh (nghệ sĩ Thành Lộc). Nhà cổ ông Cả Bá (Cần Thơ) được chọn làm không gian sống của nhân vật Bá hộ Kim (nghệ sĩ Hữu Châu) - đối thủ gia đình Ba Hơn.

Cảnh nhân vật Ba Hơn thăm thú đường phố Sài Gòn. Ảnh: Huy Trần

Lý Minh Thắng cho biết khâu hình ảnh, bối cảnh chiếm khoảng 50% khoản đầu tư cho dự án. Sau hơn 10 ngày ra rạp, phim thu 33 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam), hiệu ứng thấp hơn mức kỳ vọng của êkíp. Đạo diễn cho biết anh và nhà sản xuất động viên nhau rằng toàn bộ êkíp đã làm hết sức, còn số phận tác phẩm ra sao tùy vào sự quan tâm của khán giả. Họ dự kiến phát hành phim đầu năm sau tại Australia, New Zealand, sau đó là Mỹ và thị trường Đông Nam Á, Đài Loan.

Phim mượn cảm hứng từ một số giai thoại về ông Trần Trinh Huy (1900-1974), từng nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 bởi lối ăn chơi phóng khoáng. Phim mở màn với tình tiết Ba Hơn - con trai Hội đồng Lịnh - trở về nhà sau thời gian du học ở Pháp. Anh tiếp thu nhiều kiến thức, được cấp loạt chứng nhận như kỹ năng lái máy bay, đấm bốc.

Tuy nhiên, tư tưởng "Tây học" của anh xung đột với quan điểm truyền thống của cha. Ông kỳ vọng Ba Hơn tiếp quản ngân hàng của cha, song anh chỉ xem nơi đây là công cụ kiếm tiền mua chiếc máy bay anh ao ước. Cao trào mâu thuẫn là khi Ba Hơn gặp một sự cố, đẩy sản nghiệp của gia tộc đến bờ vực đóng cửa.

trailer-cong-tu-bac-lieu-1731671599.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HW2a4KWab9vl6rzifc-0JA
Trailer 'Công tử Bạc Liêu'

Trailer "Công tử Bạc Liêu". Video: Đoàn phim cung cấp

Tác phẩm phát huy điểm mạnh ở phần hình ảnh, tuy nhiên kịch bản kém cao trào. Chuyện tình giữa Ba Hơn và mỹ nhân Bảy Loan còn hời hợt, chỉ được thể hiện qua vài phân cảnh đối đáp. Cách đạo diễn giải quyết khúc mắc của các nhân vật còn qua loa, chủ yếu để truyền tải thông điệp về tình cha con.

Mai Nhật

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020