Cuộc gặp năm 2009 ở Thượng Hải, Trung Quốc, giữa Li Shufu, người được mệnh danh là Henry Ford của Trung Quốc, và đại diện của hãng xe Thụy Điển bắt đầu trên một chiếc minibus và kết thúc tại một trong những khách sạn sang trọng nhất. Nơi đó, những người đàn ông thống nhất tạo ra một liên minh chưa từng thấy nhằm cứu vãn Volvo.
Trụ sở và nhà máy Volvo ở Gothenburg, Thụy Điển, hồi tháng 5. Ảnh: The New York Times
Chủ tịch của Zhejiang Geely Holding, Li Shufu, hứa rằng dưới sự sở hữu của ông, Volvo vẫn được toàn quyền hành động, giữ nguyên thương hiệu và sự độc lập. Từ lúc đó, ông đã đầu tư 10 tỷ USD vào Volvo và giá trị của thương hiệu Thụy Điển đã tăng gấp nhiều lần trong thập kỷ qua. Thậm chí trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, doanh số của Volvo vẫn tăng so với kết quả sụt giảm của các đối thủ.
Magnus Sundemo, chủ tịch công đoàn khi đó, trả lời trong một phỏng vấn gần đây tại nhà riêng ở khu ngoại ô Gothenburg, cũng là quê nhà của Volvo: "Chúng tôi gần như tự do hoàn toàn và bắt đầu tin rằng mình có thể đấu lại Audi, BMW và Mercedes. Chúng tôi đã lấy lại được sự tự tin".
Nhưng những hạn chế của sự tự do đó dường như tăng dần, khi Thụy Điển bất ngờ trở thành yếu tố dẫn đầu trong căng thẳng giữa EU và Trung Quốc. Các chính trị gia và các doanh nhân hàng đầu Thụy Điển đang đặt câu hỏi về việc quốc gia này có đang lao quá nhanh vào mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, và thỏa thuận của Volvo như một sự khơi dậy của những tranh cãi, bất đồng.
Năm nay, Li Shufu thông báo kế hoạch hợp nhất Volvo Cars với chi nhánh con của Zhejiang Geely Holding là Geely Auto để tạo ra một công ty toàn cầu mới với tham vọng mới. Ở Thụy Điển, động thái này khơi ngòi cuộc tranh cãi trên toàn quốc.
Vẫn chưa rõ những thay đổi sẽ xảy ra nếu Volvo không còn được hoạt động độc lập trong lòng một công ty lớn hơn. Nhưng đã có những lo ngại hiện hữu ở Thụy Điển, rằng sự hợp nhất có thể dẫn tới việc di dời trụ sở Volvo sang Trung Quốc, với khả năng niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, hoặc những bộ phận của thực thể mới có thể sản xuất cho cả hai thương hiệu, đồng nghĩa sự thua thiệt về việc làm đối với các chi nhánh con từ Thụy Điển. Còn có thông tin rằng Li có thể đặt lại tên thành Volvo-Geely, với thương hiệu Volvo có giá trị bổ sung uy tín cho một thương hiệu kém vị thế hơn.
Anna Margitin Blomberg, người đứng đầu hiệp hội kỹ sư tại Volvo, và đang chuẩn bị nói chuyện với những người chủ Trung Quốc, cho biết: "Chúng tôi muốn sức mạnh sáng tạo được duy trì. Và tư duy phản biện cũng thế, vì đó là đặc thù của công nghệ".
Lo lắng lớn nhất của Blomberg là "những người ở vị trí cao nhất sẽ đưa ra quyết định, và chúng tôi không thể là một phần của những quyết định này".
Một số quan chức Thụy Điển, những người đang đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc, cũng có mối quan ngại về an ninh quốc gia. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua cũng như đầu tư vào nhiều công ty Thụy Điển khác nhau, và một số trong đó tạo ra những công nghệ có thể buộc phải chia sẻ với quân đội Trung Quốc.
Trong nhà máy Volvo ở Gothenburg năm 2017. Ảnh: The New York Times
Geely không phải là chủ sở hữu nước ngoài đầu tiên của Volvo. Trước đó, hãng xe Thụy Điển từng thuộc về Ford.
Volvo là trái tim kinh tế của vùng phía tây Thụy Điển, với 19.000 lao động. Khó có thể phủ nhận vị thế của Volvo khi đề cập tới quốc gia Bắc Âu, đặc biệt sau khi hãng xe Thụy Điển khác là Saab phá sản vào năm 2011.
Có thể không thanh thoát và bóng bẩy, nhưng luôn bền bỉ và hơn hết là an toàn, xe Volvo đã có hàng thập kỷ phản ánh sự tự nhận thức về tính thực tiễn đầy nghiêm túc và dứt khoát.
Suốt nhiều năm, Thụy Điển vẫn thúc đẩy giao lưu với các thành phố Trung Quốc trong nỗ lực quảng bá du lịch và kết nối thương mại cũng như các lĩnh vực khác.
Hồi tháng 3, lực lượng an ninh Thụy Điển Sapo chỉ ra mức tăng vọt khi các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại công nghệ cũng như các công ty Thụy Điển. Việc thu mua gồm công ty bán dẫn Silex, và công ty định vị vệ tinh Satlab Geosolutions.
Cuối 2017, Geely trở thành cổ đông lớn thứ hai ở công ty công nghiệp lớn nhất Thụy Điển, AB Volvo, hay tập đoàn Volvo. Điều đáng chú ý là Arquus, chi nhánh con của AB Volvo, chuyên chế tạo xe quân sự. Trong khi đó, tháng 5 vừa qua, trước những lo ngại về mối đe dọa an ninh quốc gia, chính phủ Thụy Điển đề ra những quy định mới về việc sáp nhập và thu mua. Những điều luật này có thể cho phép các quan chức chặn đứng việc thôn tính từ nước ngoài đối với các công ty nội địa. Nhưng mối đe dọa không chỉ thuộc lĩnh vực kinh tế.
Tỷ phú Li Shufu, người đã đảm bảo sự độc lập của Volvo trong thập kỷ qua. Ảnh: Reuters
Li Shufu tạo dựng Geely, hãng ôtô Trung Quốc đầu tiên không thuộc sở hữu quốc gia, vào năm 1997. Rồi khi Li và Sundemo, kỹ sư kiêm chủ tịch công đoàn người Thụy Điển, gặp nhau năm 2009 tại Thượng Hải, đã có rất nhiều nụ cười, Sundemo nhớ lại. "Ông ấy cười rất nhiều, nhưng là một người Thụy Điển, bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu được ông ấy nghĩ gì phía sau nụ cười đó", Sundemo nói.
Các nhà lãnh đạo của Volvo và những người đứng đầu tổ chức công đoàn đã tiếp đón đối tác từ Trung Quốc với vòng tay mở rộng, vui vẻ kết thúc mối lương duyên với Ford. Hãng xe Mỹ còn bị cho là làm mờ đục hình ảnh của Volvo nên khi thương hiệu Thụy Điển được đưa ra rao bán, chỉ rất ít khách hàng quan tâm.
Sau vụ mua bán năm 2010, Geely muốn mua một mảnh đất để xây trung tâm nghiên cứu tại Gothenburg, thành phố lớn thứ hai Thụy Điển, và được bán với giá siêu ưu đãi. Thậm chí chính quyền địa phương hủy việc xây dựng một trường học tại cùng miếng đất và tạo điều kiện giúp Geely bỏ qua những thủ tục hành chính nhiêu khê.
Có lý do cho sự đón tiếp nồng nhiệt. "Gothenburg là Volvo và Volvo là Gothenburg", Daniel Bernmar, một thành viên của đảng đối lập Cánh tả nói.
Ở Gothenburg, các mẫu xe Volvo mới được trưng bày tại nhà ga đến sân bay. Trong thị trấn, dường như mỗi chiếc xe chạy ngoài đường đều là Volvo. Mất Volvo, cũng như Saab trước đây, có thể là một chấn thương nặng nề.
Nhưng dù thắt chặt mối liên kết thương mại với Trung Quốc, vẫn có những nỗ lực nhằm cắt đứt quan hệ bạn bè giữa Gothenburg và Thượng Hải, cũng như một số thành phố khác của Thụy Điển với Trung Quốc.
Khi được hỏi, một đại diện của Geely không trả lời trực tiếp về sự độc lập của Volvo, nói rằng "Geely Auto và Volvo Cars đang tiếp tục thảo luận về các khu vực hợp tác và giá trị cốt lõi chung, những thứ có thể dẫn tới một sự kết hợp đầy đủ giữa các công ty".
Volvo cũng từ chối bình luận về đề xuất hợp nhất, nói rằng chi tiết vẫn đang được cân nhắc. Nhưng nhiều người Thụy Điển sợ rằng một sự thôn tính hoàn toàn bởi người Trung Quốc có thể làm giảm giá trị những tiến bộ vượt bậc mà Volvo đã làm được trong việc tái thiết thương hiệu. Duy trì trạng thái như hiện nay là điều được đa số ủng hộ.
Với Sundemo, người đã nghỉ hưu, việc sáp nhập đang treo lơ lửng là một thảm họa và một ví dụ của việc Thụy Điển đang bán tháo các ngành công nghiệp. Ông nói, người Trung Quốc giống như đang tiến lên, còn người Thụy Điển đang chậm lại.
Nhưng Sundemo vẫn hạnh phúc với cách mà Volvo đã lớn mạnh từ khi Geely mua lại, nhưng cảm giác rằng động thái mới nhất có thể chứa đựng động cơ khác. "Có thể tất cả chúng tôi đã hơi ngờ nghệch".
Mỹ Anh (theo The New York Times)