Nhà máy ở Tân Cương, thuộc liên doanh của Volkswagen và SAIC, được bán cho công ty TNHH Chứng nhận kiểm định phương tiện cơ giới Thượng Hải (SMVIC), một đơn vị thuộc Tập đoàn phát triển Lingang Thượng Hải. SMVIC sẽ tiếp nhận toàn bộ nhân viên của nhà máy và tiếp quản các đường chạy thử nghiệm của SAIC/Volkswagen tại Tân Cương và Thượng Hải.
Quyết định được công bố cùng lúc với việc mở rộng hợp tác thêm 10 năm với đối tác Trung Quốc SAIC, đến hết 2040.
Các cổ đông, bao gồm bang Lower Saxony, cổ đông lớn thứ hai của Volkswagen, hoan nghênh động thái này. Deka Investment, một trong những cổ đông hàng đầu đã gây áp lực để Volkswagen rút khỏi Tân Cương, cho biết quyết định này sẽ chấm dứt những tranh cãi mà không ảnh hưởng đáng kể đến tài chính.
Công nhân lắp ráp xe tại nhà máy SAIC Volkswagen ở Tân Cương, tháng 9/2018. Ảnh: Reuters
Nhà máy ở Tân Cương mở cửa vào năm 2013 và từng lắp ráp dòng Santana của Volkswagen. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà máy giảm vai trò khi hãng Đức cắt giảm nhân sự, chỉ còn khoảng 200 nhân viên thực hiện quy trình kiểm tra chất lượng cuối cùng và bàn giao xe cho đại lý trong khu vực.
Nhà máy của Volkswagen có khả năng sản xuất 50.000 xe mỗi năm nhưng đã ngừng hoạt động từ năm 2019. Volkswagen phủ nhận thông tin rằng việc giữ nhà máy mở cửa là điều kiện từ Bắc Kinh để tiếp tục sản xuất trên toàn Trung Quốc. Họ cho biết quyết định bán nhà máy được đưa ra vì kinh tế.
Thỏa thuận với SAIC diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh với Brussels và Washington. Cuối tháng 10, Brussels áp dụng mức thuế nhập khẩu phạt nặng đối với ôtô điện sản xuất tại Trung Quốc và Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế bổ sung 10%.
Thỏa thuận này có lợi cho cả hai đối tác liên doanh, loại bỏ mối quan ngại lớn về danh tiếng cho Volkswagen và duy trì quyền truy cập vào thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Nó cũng giải tỏa điểm căng thẳng trong mối quan hệ của các đối tác khi các nhà sản xuất ôtô đang gặp khó khăn trong việc tăng doanh số trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.
Volkswagen thông báo liên doanh dự kiến tung ra 18 mẫu xe mới đến hết 2030, bao gồm hai mẫu xe hybrid hành trình mở rộng cho người tiêu dùng Trung Quốc vào năm 2026.
Các nhà sản xuất ôtô nước ngoài trước đây phải thành lập liên doanh với một hãng sản xuất ôtô Trung Quốc khi hoạt động tại quốc gia này. Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các quy tắc này từ năm 2018, cho phép công ty nước ngoài sở hữu hoàn toàn các hãng ôtô con kể từ năm 2022.
Tuy nhiên, việc mở rộng hợp tác với SAIC cho thấy Volkswagen có ý định tiếp tục hoạt động theo cấu trúc liên doanh tại Trung Quốc, nơi mà họ cũng có các liên doanh với FAW, JAC và gần đây nhất là startup chỉ tập trung vào xe điện là Xpeng.
Cùng Xpeng, Volkswagen đang phát triển các mẫu xe mới nhắm tới người tiêu dùng Trung Quốc nhiều hơn, đặt mục tiêu có hơn 30 mẫu xe điện hoặc hybrid mới đến hết 2030.
Mỹ Anh (theo Reuters)