Động thái này được Toyota Việt Nam (TMV) đưa ra sau khi Toyota Nhật Bản công bố danh sách 64 mẫu xe bị ảnh hưởng bởi cuộc bê bối gian lận thử nghiệm an toàn, khí thải của hãng con Daihatsu. Trong 64 mẫu xe này, có 20 mẫu bán dưới thương hiệu Toyota, trong đó tại Việt Nam có một dòng xe bị ảnh hưởng là Avanza. Cùng ngày 20/12, Daihatsu cũng dừng mọi hoạt động vận chuyển với tất cả các xe từ các nhà máy trên toàn cầu.
TMV cho biết, vấn đề của Avanza không phải là gian lận thử nghiệm an toàn, mà là gian lận về thử nghiệm khí thải và tiêu thụ nhiên liệu. Tức là, Daihatsu đã có những can thiệp, điều chỉnh lên chiếc Avanza thử nghiệm để cho ra một kết quả tốt hơn so với những xe được bán ra thị trường.
Hãng chưa giải thích vì sao chỉ ngừng giao xe từ nhà máy về đại lý với phiên bản MT, trong khi phiên bản AT sẽ vẫn được giao bình thường. Hiện Avanza được lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam từ tháng 12/2022.
Một mẫu Avanza lăn bánh tại Việt Nam. Ảnh:
Hoạt động ngừng giao xe tới đại lý không liên quan tới việc bán hàng cho khách. Tức là, với những xe Avanza MT và những xe khác của Toyota dùng nền tảng của Daihatsu đã về đại lý sẽ vẫn bán cho khách như thông thường. Thực tế, Avanza MT có doanh số khá thấp, nên gần như bê bối lần này của Daihatsu không ảnh hưởng tới hoạt động bán xe cho người tiêu dùng Việt Nam.
Liên doanh Nhật cho biết thêm, các mẫu Avanza tuân thủ các quy định khi thử nghiệm và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn Việt Nam trước khi bán ra thị trường. Hãng đã báo cáo sự việc này lên các cơ quan quản lý. Việc phân phối trở lại mẫu Avanza có thể được khôi phục sau khi hãng nhận được thông tin từ cơ quan quản lý trong nước và bên điều tra độc lập ở nước ngoài.
Cuộc điều tra về gian lận an toàn của Daihatsu còn phát hiện thêm những gian lận khác. Ví dụ, các thiết bị túi khí được Daihatsu sử dụng trong các thử nghiệm túi khí của một số mẫu có khác biệt so với túi khí trên những xe bán ra thị trường. Bên cạnh đó là các gian dối khác như tốc độ thử nghiệm va chạm không đúng chuẩn, gian lận khí thải, báo cáo giả mạo về tác động tới tựa đầu ghế.
Trong danh sách 20 mẫu xe bán dưới nhãn Toyota, còn một số dòng xe quen tên, nhưng được xác định là không ảnh hưởng với xe bán tại Việt Nam, gồm Veloz, Wigo, Yaris Cross và Raize. Trong số này, ngoài Veloz lắp ráp trong nước, ba mẫu còn lại đều nhập khẩu từ Indonesia. Tuy vậy, những xe bị ảnh hưởng dành cho thị trường khác. Hãng không giải thích vì sao cùng ra đời ở một nhà máy, nhưng Wigo, Raize dành cho thị trường khác dính gian lận, còn Việt Nam và một số nơi khác thì không.
Toyota muốn phát triển thị trường xe cỡ nhỏ bằng cách tận dụng hãng con Daihatsu. Năm 2016, Toyota hoàn tất việc sở hữu toàn bộ cổ phần Daihatsu và ba năm sau, hãng ra mắt nền tảng DNGA (Daihatsu New Global Architecture). Nền tảng này sẽ được sử dụng cho các mẫu xe giá rẻ (entry-level), thuộc các phân khúc cỡ nhỏ như keicar, A, B, MPV (cỡ B), phục vụ cho thị trường Nhật Bản và những thị trường mới nổi, đặc biệt khu vực Đông Nam Á.
Những mẫu Toyota bán tại Việt Nam dùng nền tảng khung gầm của Daihatsu gồm Avanza, Veloz ở phân khúc MPV, Wigo phân khúc hatchback cỡ A, Raize phân khúc CUV cỡ A+, Yaris Cross phân khúc CUV cỡ B. Mẫu Vios thế hệ mới nhất cũng dùng nền tảng DNGA nhưng chưa được bán tại Việt Nam.
Ở các phân khúc từ cỡ C trở lên, đòi hỏi công nghệ và chất lượng sản xuất tương ứng, các sản phẩm sẽ dùng nền tảng toàn cầu TNGA (Toyota New Global Architecture). Xe phát triển trên nền tảng TNGA bán tại Việt Nam như Altis, Camry thế hệ mới hay chiếc Corolla Cross đang thống trị thị phần phân khúc CUV cỡ nhỏ.
Thành Nhạn