Tiền là một thứ hay ho. Nó có thể xua tan sự lo lắng của con người và tạo dựng niềm tin.
Thời trẻ nhiệt huyết, chúng ta nghĩ rằng suốt ngày chỉ biết nói về tiền là thói quen "thô thiển và thực dụng". Đến độ tuổi trung niên, bạn phát hiện tiền không phải là vạn năng nhưng không có tiền thì chuyện gì cũng không thành.
Mua nhà mua xe, quan hệ giữa người với người, nuôi con dưỡng cái, chăm lo cha mẹ, chi phí sinh hoạt hằng ngày,... cái nào cũng cần đến tiền.
Vì vậy, bất kể thu nhập cao hay thấp, bạn phải hình thành được thói quen tiết kiệm tiền. Khoản tích lũy trong tay sẽ khiến cuộc sống của bạn thay đổi nhiều đến không tưởng.
Nhà phê bình văn học người Hồng Kông - ông Lương Văn Đạo từng nói: "Người trẻ tuổi hay ở chỗ luôn tin tưởng bản thân có thể bay xa. Đến độ tuổi trung niên, con người muốn dang đôi cánh bay lên nhưng lực bất tòng tâm vì bản thân đang bị ghì nặng bởi những quả tạ không thể dứt bỏ".
Một số người không hề có tư tưởng tiết kiệm, thậm chí còn tự tin cho rằng: Đời người ngắn ngủi. Tiết kiệm suy cho cũng cũng chỉ là con số mà thôi. Đã là tiền thì phải tiêu xài mới có ý nghĩa.
Thế nhưng đến khi gặp phải chuyện đột ngột như bệnh tật, tai nạn,... họ mới cảm nhận được tiết kiệm và tích lũy quan trọng đến mức nào.
Công ty kinh doanh lời 30 tỷ nhưng vẫn phá sản, người đàn ông ngộ ra có một thứ còn quan trọng hơn cả lợi nhuận
Con người chẳng bao giờ biết được cuộc sống sẽ mang điều gì đến với họ. Người không có số vốn phòng hờ cho mai sau luôn sống trong tình trạng "được ngày nào hay ngày đó", không có dự định cho tương lai. Điều này càng đáng lo ngại hơn đối với người thuộc nhóm trung niên chuẩn bị mất đi sức lao động và công việc.
Bản thân hoặc bố mẹ bệnh nặng, bạn lấy tiền gì để chạy chữa? Đột ngột thất nghiệp, bạn làm sao có tiền để sinh sống? Con cái đi học, làm sao bạn có thể cho chúng môi trường giáo dục tốt nhất?
Ưu thế lớn nhất của việc tiết kiệm tiền là giúp cho cuộc sống có triển vọng hơn, cho dù có phát sinh chuyện ngoài ý muốn cũng có thể đủ nguồn lực và khả năng để phản ứng kịp thời.
Khoản tích lũy giống như chiếc mai cứng cáp giúp bạn chống chọi với những thử thách và biến chuyển của cuộc đời. Nó sẽ đảm bảo cho bạn một "tấm vé" an hưởng tuổi già, để bạn có thể cho con cái cắp sách đến trường và duy trì sự ấm no cho gia đình.
Chính vì vậy, chúng ta phải biết hình thành thói quen tiết kiệm ngay thời trẻ. Sau đây là 3 phương pháp tiết kiệm cực đơn giản để "góp gió thành bão", chỉ cần duy trì đến cùng thì cuộc sống giàu có sẽ trong tầm tay.
1. Nguyên tắc 9-1
Bạn để trong ví 100.000 thì bạn chỉ có thể chi tiêu nhiều nhất 90.000. Đây chính là nguyên tắc 9-1: Bảo đảm dành ra 10% tiền lương mỗi tháng để tiết kiệm.
Dựa theo nguyên tắc này, bạn sử dụng 90% thu nhập để chi tiêu trong một tháng cũng coi là khá thoải mái. Đổi lại, bạn phải mất khoảng thời gian khá dài để có thể đạt được trạng thái tự do giàu sang.
Những người mới bắt đầu tập tành tiết kiệm có thể áp dụng nguyên tắc 9-1 để làm quen dần với áp lực, bắt đầu học cách tính toán và phân bổ chi tiêu.
2. Nguyên tắc 365
Nguyên tắc 365 lấy 365 ngày trong một năm làm quy chuẩn. Theo đó, mỗi ngày, bạn phải chọn một con số bất kỳ từ 1 đến 365 để quy đổi số tiền tiết kiệm. Đồng thời, con số không được trùng lặp với nhau.
Ví dụ: Ngày thứ nhất, bạn chọn số 1 thì tiết kiệm 1.000. Ngày thứ hai, bạn chọn số 167 thì tiết kiệm 167.000,...
Sau một năm, tổng số tiền bạn tích lũy được là 66.795.000 theo công thức (1+365) * 365 rồi lấy tất cả chia cho 2.
Bạn có thể in ra một bảng thủ công rồi mỗi ngày tự chọn một con số ứng với số tiền tương ứng để "bỏ ống heo". Ngày nào có nhiều tiền thì tiết kiệm nhiều, ngày nào eo hẹp kinh tế một chút thì tiết kiệm ít, chỉ cần đảm bảo không bỏ lỡ là được.
3. Nguyên tắc tích lũy theo tuần
Một năm có 52 tuần, mỗi tuần dành ra 10.000, 20.000,... cho đến tuần thứ 52 tương đương với 520.000. Theo đó, mỗi năm bạn có thể tiết kiệm được 13.780.000.
Nếu cảm thấy số tiền trên quá ít thì bạn có thể tự thêm một đơn vị ở mỗi con số vào, nhưng đổi lại bạn phải chịu đựng áp lực thắt chặt chi tiêu lớn hơn.
Đương nhiên, mỗi người phải tự căn cứ vào tổng thu nhập của bản thân để điều chỉnh tỷ lệ cho phù hợp.
(Nguồn: Zhihu)
https://afamily.vn/tiet-kiem-la-cach-chua-duong-lui-cho-minh-duy-tri-3-thoi-quen-nay-se-gop-gio-thanh-bao-tan-huong-cuoc-song-du-da-vuot-qua-hiem-nguy-20220107182543931.chn