"Em tên là Thương, 17 tuổi, trẻ măng, má còn đầy lông tơ". "Nó là con gái nhà lành, vì đời sống ở quê khó khăn nên phải ra quán gội đầu học nghề". "Chú cũng biết à?". "Tôi biết đã một tuần nay rồi. Cậu nên để cho cô ấy yên, đừng rắc thính, cài bẫy làm khổ nó". "Rau sạch ngon thế. Cháu không ăn sẽ có thằng khác ăn. Mà cháu thì chú biết rồi đấy, tử tế gấp vạn lần những thằng khác". "Vâng, tôi biết rồi, cậu tử tế lắm, ít nhất cũng bằng Sở Khanh".
Từ ngày có Thương ở quán gội đầu, mỗi tuần Tùng đi gội đầu hai lần. Xem ra cậu ta đang muốn tăng cường độ tấn công. "Khó lắm chú ạ! Rất khó tiếp xúc, càng khó làm thân, gái miền Trung sao mà khó thế. Hỏi câu gì nói câu ấy, không chủ động bắt chuyện. "Em quê ở đâu?". "Hà Tĩnh". "Trong nhà mình em là thứ mấy?". "Là út". Thế đấy, toàn nói nhát gừng, quê một cục. Cháu phát hiện cô ta chưa có điện thoại đâu nhé. Thế mới ngon. Những cô thợ gội đầu dắt Iphone sau đít là thành tinh rồi. Cháu sẽ mua tặng nàng một điện thoại thông minh".
Hôm sau Tùng đi gội đầu về, tôi hỏi: "Thế nào, đã tặng được điện thoại chưa?". "Chưa, chú ạ. Cháu mới gợi ý là đã bị từ chối rồi. "Anh muốn tặng em một chiếc điện thoại để liên lạc. Nhiều khi anh muốn gọi cho em mà không sao gọi được". "Chưa cần. Khi nào cần em sẽ mua chứ anh không phải tặng. Em là thợ làm đầu. Anh là khách hàng. Khi nào anh muốn gội đầu thì ra đây em gội cho, thế thôi, có gì đâu mà phải tặng quà". Người đẹp nói thế thì cháu biết làm thế nào. Khó quá. Nhưng khó mấy cháu cũng phải cố, muốn ăn thì lăn vào bếp". "Con gái nhà lành không dễ dàng nhận quà người khác đâu, nhất là các cô Nghệ Tĩnh. Tình xứ Nghệ quen lâu, mà tình sâu nghĩa nặng. Người Nghệ Tĩnh có câu hát như thế. Rất khó thân quen, nhưng quen rồi thì dính rất chặt".
Công Tùng vẫn không nản chí. Cậu vẫn đi gội đầu 1 tuần hai lần. Tiền gội đầu 30.000 đồng, Tùng đưa 100.000 đồng. Thương trả lại tiền. Tùng xua tay: "Thôi, không cần trả lại". Thương nghiêm giọng: "Cầm lấy. Nếu không thì đừng đến đây nữa". Thế là Tùng chịu thua. Cô chủ quán nói với Thương: "Tay Tùng ấy được đấy. Đẹp trai, xe sang, rất phong độ. Xem ra nó thích em. Hãy tận dụng lấy cơ hội này". "Không được đâu, chị ơi! Khi em ra đây, mẹ em dặn kĩ lắm". "Dặn phải biết giữ mình. Không đi đêm về hôm và tránh xa những thằng nhiều tiền, có đúng thế không?". "Đúng như thế". "Cứ theo các bà thì lấy đâu ra tiền. Em thấy cửa hàng của chị có sang không. Nhà cửa sáng choang, không thiếu thứ gì. Tất cả nhờ những thằng nhiều tiền mà có đấy. Khi chị từ Tuyên Quang về đây chỉ có hai bàn tay trắng".
(Còn nữa)
Tiểu phẩm của Khánh Hoàng