Chuyên mục  


Đình Toàn (Hà Nội) sử dụng chiếc crossover có hệ thống phanh chủ động. Khi đang lưu thông trên phố, có xe máy chạy cắt ngang đầu ô tô của anh ở khoảng cách khoảng 2 m. Khi đó đi qua vòng xuyến nên tốc độ không cao, xe máy cũng thoát khỏi vùng di chuyển của ô tô nên Toàn không đạp phanh. Bất ngờ xe tự phanh gấp, đồ đạc anh để trên ghế phụ lao vào táp-lô và suýt bị xe phía sau đâm đuôi.

"Với hầu hết lái xe, tôi nghĩ đó là một tình huống hàng ngày ở đô thị đông đúc như Hà Nội, nhưng dường như xe cho rằng tình huống đó nguy hiểm, tôi đã bị vài lần", Toàn chia sẻ. Chủ xe cho biết đã đôi lần công nghệ này cứu phanh không đâm vào xe trước, nhưng với những lần phanh "không cần thiết" theo đánh giá của mình, Toàn thấy phiền toán vì phanh rất gắt và không tự lăn bánh trở lại sau khi hết tình huống.

"Tôi như bị cướp vô-lăng một cách khó hiểu", Toàn nói.

Hệ thống an toàn chủ động (ADAS) vốn chỉ có trên xe sang trước đây thì hiện nay đã phổ cập lên xe phổ thông. Về cơ bản, ADAS sử dụng tín hiệu từ camera, cảm biến khoảng cách, radar, Lidar... để phán đoán tình huống và đưa ra những cảnh báo, can thiệp hỗ trợ tài xế lái xe tập trung và chính xác hơn. Một số công nghệ điển hình của ADAS như phanh chủ động, ga hành trình thích ứng, hỗ trợ giữ làn, chuyển làn, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau. Tuy nhiên, đôi lúc những hệ thống này không hoạt động theo ý muốn của người lái, đặc biệt ở những nơi có điều kiện giao thông hỗn hợp như Việt Nam.

phanh-tu-dong-khong-hoat-dong-1702452634.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2LRHnktcV3pknRRc8B4EFw
Phanh tự động không hoạt động

Thử nghiệm những lần phanh chủ động không kích hoạt do Hiệp hội ôtô Mỹ (AAA) thực hiện. Video: AAA

Có hai kiểu bất cập từ những hệ thống ADAS đó là hoạt động quá mức cần thiết như trường hợp của Đình Toàn hoặc lúc cần lại không hoạt động. Lê Thành (TP HCM) trong những lần lái xe lên Đà Lạt ban đêm bằng chiếc sedan hạng sang của mình, không ít lần "hú hồn". Khi tới một khúc cua khuất núi, vào ngay đỉnh cua thì gặp xe ngược chiều, đèn pha không tự động trả về chế độ chiếu gần, mà lúc này xe mới nhận ra rồi khi hai xe qua nhau, đèn mới cụp xuống. Nhưng ngay khi đèn cụp xuống, là lúc anh cần vùng chiếu rộng để vào cua an toàn. Thành giật mình, đạp phanh giảm tốc rồi chuyển đèn pha bằng tay.

Nhưng cũng trên đoạn đường này, thỉnh thoảng không có xe nào ngược chiều, nhưng gặp biển báo phản quang hay ánh đèn nhà dân bên đường, xe cũng có thể hiểu thành đèn pha ngược chiều và tự cụp không cần thiết.

Ngoài phanh khẩn cấp và đèn pha chủ động, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi cũng là một công nghệ thường khiến tài xế luống cuống. Với điều kiệng giao thông Việt Nam, nhiều tài xế nhà ở trong ngõ không thể lùi xe ra khỏi nhà chỉ vì xe máy đi ngang liên tục, xe lại tự phanh. Chỉ còn cách hủy kích hoạt tính năng này mới chủ động lùi được.

Biểu tượng đèn pha với chữ A bên trong, báo hiệu hệ thống đèn pha tự động bật/tắt trong gói an toàn chủ động đang hoạt động. Ảnh: Lê Thành

ADAS thực tế được chứng minh hiệu quả và giúp đỡ tài xế rất nhiều. Một nghiên cứu họp tác giữa các nhà sản xuất ôtô và Cục quản lý an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) vào 2022 kết luận hệ thống phanh tự động khi gặp vật cản có thể giảm thiểu các vụ va chạm lên đến hơn 40%. Tuy nhiên, những công nghệ này được nghiên cứu trong điều kiện giao thông tiêu chuẩn, với số lượng tình huống dù lớn nhưng vẫn giới hạn, nên đôi khi hoạt động không hiệu quả.

Có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động tới khả năng hoạt động chính xác của các công nghệ ADAS như thời tiết mưa, tuyết, sương mù làm giảm tầm nhìn, khiến camera, radar quét vật thể giảm tác dụng, hoặc điều kiện giao thông "khác chuẩn" như góc nghiêng địa hình, góc khuất tầm nhìn, vật thể bên đường bị hệ thống hiểu nhầm...

Các chuyên gia lái xe an toàn khuyên, dù các công nghệ ADAS rất hữu ích, tài xế không nên chủ quan và phó mặc cho công nghệ. Khi lái xe trên đường, luôn tập trung nhìn phía trước và xunh quanh, tay đặt trên vô-lăng và không lơ là. Việc chưa xử lý được hết tất cả tình huống cũng là lý do khiến xảy ra nhiều vụ tai nạn, kiện cáo giữa người dùng và nhà sản xuất.

Ngoài ra, tài xế nên thường xuyên vệ sinh xe, đặc biệt kính lái, cụm camera, radar, các cảm biển khoảng cách để chúng luôn hoạt động ở trạng thái tối ưu.

Tân Phan

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020