Chuyên mục  


Trước mối đe dọa từ ngành ôtô điện của Trung Quốc, các hãng sản xuất ôtô Nhật Bản đang tìm cách bảo vệ mình. Honda và Nissan, hai trong ba hãng xe lớn nhất Nhật Bản, đang tiến hành đàm phán để thắt chặt quan hệ, bao gồm khả năng thành lập công ty mẹ.

Honda và Nissan đã mất thị phần tại Trung Quốc, thị trường ôtô lớn nhất thế giới, khi các thương hiệu nội địa như BYD ngày càng chiếm ưu thế với các sản phẩm xe điện và hybrid có phần mềm tiên tiến.

Trong số các hãng xe Trung Quốc, BYD có mức tăng trưởng ấn tượng. Trong giai đoạn tháng 1-11 năm nay, doanh số cộng dồn của BYD đạt 3,758 triệu xe, tăng 40% so với cùng kỳ 2023. Doanh số hàng năm của hãng đang trên đà đạt mốc 4 triệu xe.

Honda ghi nhận lợi nhuận quý giảm 15% vào tháng trước, ảnh hưởng bởi sự sụt giảm ở Trung Quốc và hãng đang cắt giảm lực lượng lao động tại đây. Nissan - vốn gặp khó khăn lâu nay - có kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm toàn cầu và giảm 20% sản lượng do doanh số giảm ở Trung Quốc và Mỹ.

Sanshiro Fukao, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Itochu ở Tokyo, cảnh báo rằng tốc độ đổi mới của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc khiến Honda và Nissan "không còn thời gian" để tiếp tục kinh doanh như thông thường.

Xe điện Trung Quốc BYD Dolphin tại Nhật Bản. Ảnh: BYD

Một số ý kiến cho rằng bất kỳ sự suy giảm nào trong ngành ôtô của Nhật Bản sẽ rất đau đớn. Đây là lĩnh vực mạnh nhất trong nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, trong khi vị thế của Nhật Bản ở các ngành công nghiệp khác như điện tử tiêu dùng và chip đã suy yếu qua nhiều năm.

"Với Nhật Bản, tất cả xoay quanh ôtô. Nếu ngành ôtô không cải thiện, thì toàn bộ sản xuất của Nhật sẽ không tiến triển", Takumi Tsunoda, nhà kinh tế cao cấp tại Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung ương Shinkin, cho biết.

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Teikoku Databank, chuỗi cung ứng ôtô Nhật Bản bao gồm khoảng 60.000 công ty tính đến tháng 5 năm nay. Tổng giá trị giao dịch kinh doanh ước tính đạt 42 nghìn tỷ yen (270 tỷ USD), chiếm 7% GDP danh nghĩa trong năm tài chính 2023.

Ngành công nghiệp này sử dụng hơn 5 triệu lao động, chiếm 8% tổng lực lượng lao động toàn quốc, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản (JAMA).

Mặc dù việc hợp nhất thông qua các vụ sáp nhập có thể giúp cắt giảm chi phí và chia sẻ nguồn lực, vẫn cần xem liệu ngành ôtô Nhật Bản - giống như Mỹ hay Đức - có thể đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện hay không.

Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã được nuôi dưỡng trong truyền thống "monozukuri" - hệ thống sản xuất và phương thức quản lý hiệu quả hướng tới chất lượng cao nhất - và chịu ảnh hưởng từ hãng lãnh đạo thị trường Toyota.

Những phương pháp này đã giúp phát triển một văn hóa cải thiện từng bước và hiệu quả dây chuyền sản xuất, đưa ngành ôtô Nhật Bản vươn lên từ cuối những năm 1970.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi sang dòng xe thông minh chạy pin đã khiến phần lớn sự quan tâm của người tiêu dùng tập trung vào các tính năng tự lái phụ thuộc vào phần mềm và trải nghiệm kỹ thuật số - những lĩnh vực mà Trung Quốc xuất sắc hơn.

Trong số các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản, Toyota là hãng lớn tiếng nhất về tác động tiêu cực từ sự chuyển đổi mạnh mẽ sang xe điện. Chủ tịch Akio Toyoda đã cảnh báo vào tháng 10 rằng một tương lai chỉ có xe điện sẽ dẫn đến mất việc làm trong ngành, đặc biệt tại các nhà cung cấp và những người làm việc liên quan đến động cơ.

Toyota từ lâu đã ủng hộ chiến lược "đa lộ trình", bao gồm sản xuất xe hybrid, xe chạy bằng hydro cũng như xe điện.

Nhưng các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc không chỉ làm ra những chiếc xe với giá rẻ hơn và không chỉ hài lòng với sự thống trị trong nước mà còn hướng đến các thị trường quốc tế, bao gồm cả những thị trường quan trọng của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản như châu Âu, nơi mà họ đang chiếm lĩnh thị phần.

Nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã thành công khi vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới.

Một trong số các quốc gia mà các hãng xe Trung Quốc nhắm đến, có Nhật Bản - quê nhà của Honda và Nissan. Và một trong số các hãng Trung Quốc đặt chân đến Nhật, là BYD.

Kế hoạch của BYD rất tham vọng khi Nhật Bản vốn như một pháo đài trước các hãng xe nước ngoài. Các nhà sản xuất nội địa chiếm thị phần hơn 90%, và thị trường chủ yếu bị thống trị bởi các mẫu xe động cơ đốt trong, với xe hybrid sạc điện giữ một tỷ lệ không đáng kể.

BYD đã gia nhập thị trường Nhật Bản từ tháng 7/2022 và mang đến 3 mẫu xe: Seal, Dolphin, và Atto 3 (hay có tên Yuan Plus ở Trung Quốc). Sau khoảng một năm, hãng xe có trụ sở chính ở Thâm Quyến có khoảng 50 điểm bán hàng ở nhiều khu vực khác nhau tại Nhật, gồm cả cửa hàng tạm thời.

BYD chính là hãng đã giúp Toyota sản xuất xe điện. Mẫu sedan điện đầu tiên của Toyota - bZ3 - được đồng phát triển bởi hai hãng và sử dụng nhiều công nghệ của BYD, gồm pin Blade LFP và môtơ điện của BYD.

"Cục diện cạnh tranh của thị trường ôtô toàn cầu đang thay đổi, với sự phát triển nhanh chóng của xe điện. Các công ty ôtô Nhật Bản cần thích ứng với mô hình phát triển mới này và thực hiện các điều chỉnh kịp thời", Xiang Haoyu từ Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS) cho biết.

Mỹ Anh (theo Reuters, NPR)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020