Ôtô được cấu thành từ hơn 30.000 bộ phận khác nhau. Vật liệu sử dụng trên xe cũng tương tự, từ thép, nhôm, nhựa, cao su, tôn, sợi carbon... Riêng thân xe gồm hai phần chính: khung sườn và vỏ bên ngoài.
Khung (sườn) xe và vỏ tạo nên cấu trúc thân xe cơ bản, chưa bao gồm động cơ, hệ truyền động, giảm xóc, nội thất. Chất liệu sử dụng cho hai phần này có thể giống và khác nhau nhưng khung xe thường được làm bằng vật liệu cứng hơn. Trường hợp vỏ ôtô mỏng, ưu và nhược điểm của chúng là gì?
Trước hết, theo các chuyên gia, khái niệm mỏng hay dày mà người dùng thường kiểm chứng bằng cách dùng tay gõ và nghe tiếng kêu chỉ là cảm tính, không thể hiện cho chất lượng vật liệu. Dày hay mỏng cần được đo bằng thước chuyên dụng, cũng như so sánh với tiêu chuẩn thiết kế của hãng xe đó hoặc so với mặt bằng chung phân khúc. Tùy vào mục đích thiết kế của mỗi hãng mà hãng này có vỏ mỏng hơn hoặc dày hơn hãng khác.
Thân xe biến dạng sau một tai nạn. Ảnh: Chaneyscollision
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, cựu kỹ sư Volkswagen, vỏ ôtô mỏng giúp xe giảm trọng lượng, từ đó tiết kiệm nhiên liệu hơn. Nhà sản xuất nhờ cắt giảm vật liệu, tiến tới hạ giá thành và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, vỏ mỏng cũng có nhiều nhược điểm, ví dụ như xe dễ rung, ồn hơn so với xe có vỏ dày, cứng. "Về mặt cảm quan thông thường cũng có thể thấy rằng vỏ ôtô mỏng dễ làm xe biến dạng, móp méo khi xảy ra va chạm nhẹ. Những trường hợp tai nạn, xe lật, lăn trên đường, mức độ bảo vệ người ngồi bên trong giảm xuống nếu vỏ mỏng. Ngược lại vỏ dày giúp bảo vệ hành khách tốt hơn", ông Đồng nói.
Đồng quan điểm, ông Khương Quang Đồng, cựu kỹ sư ôtô từng làm việc tại tập đoàn Renault, cho biết, vỏ mỏng giúp xe nhẹ, ít ăn xăng. Tuy nhiên, vấn đề an toàn còn tuỳ thuộc vào cấu trúc thân xe có che chắn, bảo vệ được người ngồi bên trong hay không. "Xét mức độ bảo vệ người ngồi bên trong, cấu trúc thân xe (khung sườn chịu lực) là quan trọng nhất chứ không phải thân vỏ".
Cấu trúc khung sườn được thiết kế để giảm thiểu tổn thương cho người bên trong. Trong đó, phần trước (capô) và đuôi xe là những nơi thường sử dụng vật liệu dễ biến dạng để hấp thụ xung lực, trong khi đó những phần sát cabin có tác dụng chịu lực để chống biến dạng.
Cấu trúc thân xe của một chiếc Volvo XC90. Các phần tô đỏ như cột A, B, C, ngưỡng cửa, khung giá nóc sử dụng loại thép siêu cường. Những nơi như cản trước, đuôi xe, khung phụ phía trước (màu xanh dùng vật liệu có độ cứng thấp hơn. Ảnh: Volvo
Khung xe được ví như cái lồng bao bọc lấy người ngồi bên trong, được làm từ vật liệu nhôm, thép, sợi carbon... và được thiết kế để đạt độ cứng vững tối ưu. Cùng với dây đai an toàn và túi khí, một bộ khung cứng vững giúp hành khách được bảo vệ trước tác động của ngoại lực (khi xe va chạm, tai nạn).
Theo ông Minh Đồng, đầu hay đuôi xe là nơi được thiết kế để hấp thụ xung lực, vật liệu vì thế được sử dụng là loại dễ biến dạng. Nhưng xe không chỉ có tác động lực trực diện, cũng có trường hợp xe bị đâm ngang hoặc từ phía trên (tác động xuống trần xe). Những nơi như hông hay trần xe thường được dùng vật liệu cứng để cùng khung xe bảo vệ hành khách tốt hơn.
Như vậy, vỏ ôtô mỏng có ưu và nhược điểm riêng về thiết kế, giá thành. Còn vấn đề an toàn, hiệu quả bảo vệ hành khách, cần tính đến cấu trúc thân xe (khung sườn và vỏ) để có đánh giá khách quan hơn.
Phạm Trung