Chuyên mục  


Người phụ nữ 78 tuổi, quê Nam Định trước đây cùng chồng mưu sinh nhờ một quán nước vỉa hè. Ngày bà đi bán hàng, tối về sẽ được ông nấu cơm cho ăn. Hai ông bà già hủ hỉ đủ chuyện mới ngủ. "Giờ về phòng chỉ muốn khóc", bà nói.

Từ ngày chồng mất, bà Hằng chỉ ăn tạm bánh mì qua bữa rồi tắm rửa, bật điện thoại lướt mỏi mắt cố dỗ giấc ngủ.

Năm 1975, chồng bà Hằng từ chiến trường trở về quê khi con trai được 5 tuổi. Vợ chồng định sinh thêm vài đứa con nhưng thấy ba đồng đội của ông Tùng sinh con đều có vấn đề do di chứng da cam. Nghĩ con mình cũng không tránh khỏi nên có bầu hai tháng bà Hằng lại bỏ.

Xác định chỉ có một con nên vợ chồng bà Hằng chuẩn bị kỹ tài chính cho tương lai. Cả thời tuổi trẻ cho đến lúc về già, ông bà đều chăm chỉ làm ăn. Họ lên Hà Nội mưu sinh, mỗi người một quán nước vỉa hè. Tiền làm ra, ông bà tích lũy lo thân, thỉnh thoảng phụ giúp con nuôi bốn đứa cháu tuổi ăn học.

Cuộc sống bình lặng trôi qua. Bà Hằng nghĩ một con không là vấn đề khi đã chuẩn bị tài chính lẫn tâm thế. Nhưng năm trước, ông Tùng phát hiện bị bệnh nan y.

Con trai bà Hằng là xe ôm, con dâu buôn bán nhỏ ở quê. Những ngày ông Tùng điều trị ở bệnh viện K Tân Triều, con chỉ đến thăm, phụ chăm bố được vài ngày rồi về. "Nó còn phải đi làm nuôi con", bà giải thích.

Ở viện, bà Hằng một mình chăm sóc chồng, xin cơm từ thiện hay mua cơm quán để hai vợ chồng ăn qua bữa. Áp lực nhất với bà là những lúc nâng nhấc chồng đứng lên ngồi xuống.

"Ông ấy ốm yếu, nhưng mình cũng chẳng trẻ khỏe gì", bà nói. Nhìn người bệnh xung quanh thi thoảng lại có con cháu tới thăm, hai người già hay khóc vì tủi thân, ước có thêm vài đứa con.

Bà Hằng bán nước tại một vỉa hè ở Cầu Giấy, Hà Nội, cuối tháng 4/2024. Ảnh: Phạm Nga

Vợ chồng ông giáo Trần Quang Đức, 70 tuổi, ở Hà Nội chưa phải chịu cảnh ốm đau hay túng thiếu khi về già, nhưng lòng luôn muộn phiền.

Ông bà trước dạy chung một trường cấp ba. Ngày đó, ở trường có quy định mỗi giáo viên chỉ sinh hai con, cách nhau ít nhất 5 năm. Họ sinh được một con gái rồi kế hoạch như quy định. Khi con gái được 5 tuổi, vợ chồng muốn sinh thêm nhưng không được. "Ngày đó chữa hiếm muộn không dễ như bây giờ", ông Đức nói.

Tuổi già của ông bà có lương hưu, có bạn cùng tổ dân phố để giao lưu. Hai người cũng lên sẵn kế hoạch vào viện dưỡng lão khi quá yếu. Có điều, trong sâu thẳm, hai người già vẫn thấy trống trải khi bạn bè có con cháu đầy nhà, còn con gái ông lấy chồng hơn chục năm không thể sinh con, dẫu chạy chữa cả trong lẫn ngoài nước.

Ông bà khuyên nên xin con nuôi, nhưng cô con gái từ chối vì "sợ mình không đủ tình yêu và lòng kiên nhẫn" với một đứa trẻ không phải mình sinh ra".

Giờ thích trẻ con, ông bà chỉ có thể bế cháu hàng xóm, ôm ấp cháu của họ hàng. Dẫu thế nào bọn trẻ cũng không thể quý ông bà bằng nội ngoại của chúng. "Ngày cuối tuần, lễ Tết, chúng nó về với ông bà nội ngoại, có ghé mình chơi cũng chỉ thoáng qua", ông Đức thở dài.

Sinh chỉ một con như ông Đức và bà Hằng là bất đắc dĩ. Tuy nhiên, sinh ít con lại đang là xu hướng của xã hội Việt Nam hiện đại. Tỷ suất sinh của Việt Nam năm 2022 là 2.01 con, thấp nhất kể từ 2018.

Bên cạnh nhu cầu sinh con giảm, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn cũng đang gia tăng, đặc biệt là vô sinh thứ phát. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam tỷ lệ vô sinh thứ phát chiếm hơn 50% trường hợp vợ chồng vô sinh và tăng 15-20% mỗi năm, gây tình cảnh bất đắc dĩ chỉ có một con.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, người có 20 năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cho rằng nỗi cô đơn là điều gần như sẽ xảy ra với hầu hết người cao tuổi, dù có một hay nhiều con. Nhưng những người sinh ít con nguy cơ tuổi già cô đơn sẽ lớn hơn rất nhiều.

Tình cảnh sẽ càng bi đát hơn khi người con có kinh tế khó khăn và cha mẹ già lại không có tiết kiệm. "Mà người già không có tiết kiệm phổ biến ở Việt Nam", bà Tâm nói.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, trưởng khoa Xã hội học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng việc chỉ có một con là một thách thức lớn với người cao tuổi, bởi khi cha mẹ già cũng là lúc con bước vào tuổi trưởng thành. Lúc này, người con không chỉ lo phát triển sự nghiệp mà còn phải chăm sóc gia đình riêng, không có nhiều thời gian ở cạnh chia sẻ, chăm sóc cha mẹ già. Có một đứa con, khả năng cha mẹ được quan tâm lại càng ít hơn.

"Lúc đó, người con sẽ gặp xung đột trong vai trò làm con, đồng thời làm cha mẹ của gia đình nhỏ và bảo đảm sự nghiệp", bà Nguyệt Anh nói.

Các chuyên gia xã hội học cảnh báo giảm sinh sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ. Dự báo sau năm 2035, cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải gánh 3 người ngoài tuổi lao động.

Ảnh minh họa: Phạm Nga

Bà Nguyệt Anh khuyên người già nên có kế hoạch về sức khỏe, tài chính để giảm bớt áp lực cho chính mình và con cái. Cần xây dựng tâm thế không dựa hoàn toàn vào con, giảm áp lực cho con bằng cách tham gia vào các mạng lưới có thể hỗ trợ mình như bạn bè, đoàn thể, hàng xóm, cộng đồng địa phương.

Theo bà Tâm, mỗi người cao tuổi nên có một đam mê, một thú vui để tập trung vào. Nên duy trì tình bạn chất lượng để có người uống trà, trò chuyện, chia sẻ niềm vui. "Nếu không may không còn bạn đời, có thể tìm một người khác giới để bầu bạn. Không cần làm đám cưới, không cần ở chung, nhưng có thể ở bên mình khi cần'', bà Tâm nói.

Sau khi chồng mất, con trai khuyên bà Hằng về sống cùng, nhưng chỉ được vài tháng bà lên lại thành phố. Người mẹ nghĩ mình còn sức khỏe nên sẽ cố làm việc, tích lũy.

''Sau này yếu quá thì về, lúc đó đã có một khoản để không thành gánh nặng cho con'', người mẹ nói.

*Tên nhân vật trong bài đã đổi.

Phạm Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020