Trên thị trường hiện nay, ngoài những món phụ kiện hữu ích như camera hành trình, cảm biến áp suất lốp, dám film cách nhiệt thì còn rất nhiều món phụ kiện không hữu ích hoặc không nên lắp cho xe hơi. Dưới đây là một số phụ kiện như vậy, có loại hoàn toàn không hợp lý, có loại chỉ phát huy tác dụng nếu dùng đúng cách.
Chốt dây đai an toàn
Một mẫu chốt dây đai an toàn. Ảnh: phukienoto
Nhiều tài xế không muốn thắt dây an toàn khi lái xe, nhưng khi ấy xe sẽ phát ra cảnh báo bằng âm thanh, kèm đèn trên bảng đồng hồ. Để giải quyết vấn đề này, nhiều tài xế vẫn chốt dây nhưng vòng ra sau lưng, không thắt qua người. Hoặc một cách khác tốn kém hơn, là mua chốt phụ để đánh lừa xe rằng tài xế đã thắt dây.
Đây là hành động không chỉ sai luật, mà còn mang tới những rủi ro chết người nếu xảy ra tai nạn giao thông. Tuy vậy, vẫn còn nhiều chủ xe coi nhẹ vấn đề này, coi chốt giả là đồ trang trí, là vật cần có khi mua xe, các loại chốt này cũng được bán rất nhiều tại các cửa hàng đồ chơi ôtô.
Các loại ốp trang trí trong, ngoài xe
Một bộ ốp tay nắm cửa trên xe Fadil. Ảnh: Đoàn Dũng
Ốp ở hốc, tay nắm cửa, ốp trang trí nội thất, ốp mặt cốp xe, ốp bậc bước chân... cũng là phụ kiện được nhiều tài xế lựa chọn, các đại lý tặng kèm khi bán xe mới. Các phụ kiện này có tính trang trí, làm đẹp cho xe theo sở thích của chủ nhân.
Tuy nhiên, tác hại của việc gắn thêm các phụ kiện này khi xảy ra va chạm dễ bị bong hoặc rơi có thể gây nguy hiểm cho người trong xe và người đi đường, bởi lẽ các đồ gắn thêm thường dán bằng keo hoặc băng dính chuyên dụng. Những đồ ốp trong nội thất thậm chí có thể bắn vào người ngồi khi tai nạn, gây nguy hiểm.
Ở một số vị trí như ốp ở hõm tay nắm cửa, còn gây nguy hiểm do các phần inox gia công không tốt có thể gây xước hoặc tổn thương cho người dùng. Ngoài ra, sau khi sử dụng tháo ra rất dễ để lại bụi bẩn bám chặt vào. Nhiều phần ốp sử dụng băng dính, lúc tháo để lại những vết nham nhở, thậm chí làm thay đổi bề mặt được dán trên xe hoặc bạc và tróc sơn.
Ốp má phanh
Một bộ ốp má phanh trên xe ôtô. Ảnh: 4eyaris
Đây là chi tiết được nhiều chủ xe sử dụng mang tính chất trang trí, tăng độ thẩm mĩ cho xe. Trong thực tế các loại ốp này có thể làm giảm độ tản nhiệt cho má phanh và cũng không giúp phanh hiệu quả hơn.
Miếng dán chống đọng nước
Được quảng cáo với tác dụng làm giảm hiện tượng mù trên gương chiếu hậu hoặc kính lái khi trời mưa. Tuy nhiên, khác với quảng cáo, các loại miếng dán này không quá hiệu quá, dùng lâu còn gây ra ố mặt kính hoặc làm thay đổi góc nhìn do chất lượng miếng dán không đảm bảo.
Gioăng cao su
Gioăng cao su được lắp thêm trên cánh cửa xe. Ảnh: deltawingracing
Các nhà xuất thường đã tính toán đủ các vị trí cần lắp hoặc trang bị các miếng và ống cao su cho xe. Tuy nhiên nhiều chủ xe muốn lắp thêm với mong muốn làm giảm độ ồn và bụi vào xe hoặc đóng cửa được êm hơn.
Trên thực tế, việc lắp thêm đặc biệt vị trí cánh cửa có thể làm ảnh hưởng tới đường thoát nước của xe, để lại vết ố vàng trên vị trí dán và yếu tố kỹ thuật của xe.
Gương cầu lồi
Được nhiều chủ xe lắp thêm vào gương chiếu hậu với công năng để tăng góc quan sát ở thân và bánh sau của xe. Tuy nhiên, khi lắp thêm thường sẽ làm giảm góc nhìn của gương và gây ra sự không chính xác trong quá trình quan sát, do gương cầu lồi là gương góc rộng.
Thảm táp-lô
Một mẫu thảm tablo cho xe. Ảnh: noithatotosg
Công dụng chính của thảm là làm giảm bóng chiếu từ táp-lô lên kính lái, nhiều chủ xe còn cho rằng chi tiết này giúp giảm độ nóng hoặc bảo vệ nội thất xe.
Tuy nhiên thảm có thể ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của túi khí, đặc biệt túi khí bên phụ do thảm thường trùm kín hết táp-lô.
Vè che mưa
Một chiếc i10 lắp vè che mưa. Ảnh: Đoàn Dũng
Đây là phụ kiện được không ít người lắp thêm, các showroom tặng kèm cho khách với mục đích giúp tránh nước văng vào bên trong khi hạ một chút kính trong điều kiện trời mưa, hoặc khi đỗ xe mùa hè mà muốn để hé kính giảm nóng.
Tuy nhiên vè che mưa khiến độ ồn của xe tăng lên, nhất là khi chạy trên cao tốc, làm giảm tính khí động học của xe. Ngoài ra theo thời gian sử dụng, lớp keo dán không còn dính chắc, nhựa bị lão hóa khiến vè che mưa trở nên ọp ẹp, trở thành nguyên nhân gây ra các tiếng "lạch cạch" khó chịu.
Bọc vô-lăng
Một mẫu bọc vô-lăng cho xe. Ảnh: Đoàn Dũng
Phụ kiện này có tác dụng bảo vệ vô-lăng hoặc cầm vừa tay hơn, hoặc giúp tăng khả năng cầm nắm với cái loại vô-lăng nhựa. Tuy vậy, vành bọc không khít, không bám vào vô-lăng thì không đạt hiệu quả, thậm chí gây tác dụng ngược như làm trượt khi đánh lái. Nếu vô-lăng đã vừa tay và được bọc bằng chất liệu da, gỗ bám tay thì tốt nhất không cần bọc vô-lăng.
Thảm trải sàn
Trong khi lót sàn bọc trực tiếp lên khung xe thì thảm là bộ phận trải lên lót. Tương tự lót, thảm cũng thường làm từ nỉ, nhiều nhược điểm trong điều kiện nóng ẩm. Vì thế nhiều khách hàng chọn trải sàn da, cao su non hoặc nhựa PVC. Cao su non vẫn là chất liệu được nhiều khách hàng lựa chọn do giá thành hợp lý khoảng 400.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, dễ tạo hình theo dáng xe và dễ vệ sinh.
Gần đây, trải thảm da hay carbon cũng được quan tâm, tuy nhiên giá cao, tháo lắp khó khăn cũng là trở ngại mặc dù thiết kế bắt mắt. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình lắp đặt hoặc may, nếu không đúng kích thước có thể gây hại như thảm sàn bị vướng vào chân phanh, chân ga hoặc ảnh hưởng đến các cơ cấu đóng gập ghế.
Nước hoa, khử mùi
Đây là giải pháp tình thế để át đi mùi da hoặc nhựa trong ca-bin của xe mới. Nhưng người dùng cần thận trọng trong việc sử dụng để tránh gây kích ứng da, độc hại. Tong môi trường kín, hoá chất có thể gây ra độc tố nếu sử dụng những loại nước hoa, khử mùi không đảm bảo.
Đa số các loại khử mùi trong xe đều xuất phát từ các nhà cung cấp trôi nổi trên thị trường, chưa qua kiểm chứng và có thể gây kích ứng cho người dùng.
Một số giải pháp tự nhiên được nhiều chủ xe sử dụng để khử mùi, như mua quế, xả, lá dứa, cà phê, lá nếp...
Đệm hơi cho hàng ghế sau
Chỉ mất vài phút bơm, đệm hơi được làm căng lên, tạo thành một mặt phẳng cho hàng ghế sau. Nhờ phụ kiện này mà không gian sau xe có thể trở thành nơi nghỉ ngơi cho một tới hai trẻ em. Trong những chuyến đi dã ngoại hay các hành trình xa, đêm hơi có thể là phụ kiện người dùng cân nhắc sử dụng.
Tuy nhiên, đệm chỉ phát huy tác dụng khi xe dừng. Nếu di chuyển trên đường, đệm hơi nên được cất đi, nhất là lúc xe chạy tốc độ cao, đi trong điều kiện đường xá không thuận lợi. Lý do là người nằm trên đệm không thể thắt dây an toàn, trở nên lắc lư trước mọi thay đổi của xe. Trong tình huống bất ngờ xảy ra, người nằm trên đệm hơi có nguy cơ bị chấn thương cao hơn, thậm chí ảnh hưởng tới cả người ngồi phía trước.
Đoàn Dũng