Chuyên mục  


Ở thị trường xe Việt, tùy mỗi hãng, thế mạnh sản phẩm là khác nhau. Nhưng tựu trung đều là những mẫu xe cỡ nhỏ thuộc phân khúc cỡ B trở xuống, nơi có giá dễ tiếp cận nhất. Khác biệt có Mazda và Ford, hai thương hiệu được khách hàng ưa chuộng lần lượt xe cỡ C và xe bán tải.

Dưới đây là những mẫu xe bán chạy nhất của từng thương hiệu. Doanh số tính đến tháng 11.

Mitsubishi: Xpander17.509 xe (47% doanh số của hãng)

Xpander phiên bản đặc biệt kỷ niệm 30 năm tại VMS, tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Trung

Trong một năm Xforce trở thành tâm điểm của Mitsubishi nhờ hiệu ứng mới và doanh số liên tiếp lập đỉnh, Xpander vẫn là mẫu xe đóng vai trò quan trọng nhất cho thị phần hãng Nhật. Sau 11 tháng, Mitsubishi Xpander là sản phẩm bán chạy nhất phân khúc và đứng trước cơ hội năm thứ 6 liên tiếp thống trị nhóm MPV cỡ nhỏ.

Trong cơ cấu doanh số của Mitsubishi, Xpander chiếm đến gần phân nửa. Sức mạnh áp đảo của Xpander khiến những đối thủ xếp sau như Toyota Veloz, Hyundai Stargazer, Honda BR-V đều chưa tìm ra lời giải cho bài toán lật đổ sự thống trị của mẫu xe này.

Suzuki Việt Nam: XL72.821 ( 61% doanh số mảng xe con của hãng)

XL7 2024 tại một khu đồi ở Đạ Huoai, Lâm Đồng, tháng 12/2024. Ảnh: Thành Nhạn

XL7 vốn là dòng xe con chủ lực của Suzuki từ nhiều năm qua bởi được xem như phiên bản hoàn thiện, thiết kế trau chuốt và hiện đại hơn Ertiga. Khi hãng khai tử Ertiga trong 2024, vai trò của Suzuki XL7 còn lớn hơn.

Đại diện Suzuki Việt Nam cho biết, định vị sản phẩm có phần giẫm chân nhau là nguyên nhân hãng ngưng bán Ertiga để dồn lực cho XL7. Bản nâng cấp mới của Suzuki XL7 ra mắt vào tháng 8 chỉ có lựa chọn số tự động và động cơ mild-hybrid. Trong phân khúc, XL7 cạnh tranh ở nhóm cuối cùng BR-V, Avanza.

Tuy là mẫu xe mang lại kết quả bán hàng tốt nhất cho Suzuki, nếu đặt trong cả thị trường lớn, XL7 cũng như Suzuki lại chưa thể tạo ra sức cạnh tranh tốt so với các đối thủ.

Toyota Việt Nam: Vios12.706 xe (22% doanh số của hãng)

Bản G của Toyota Vios tại Việt Nam. Ảnh: TMV

Dù có vài tháng để đối thủ Hyundai Accent vượt mặt, nhưng ở cuộc đua đường dài, Toyota Vios vẫn là cái tên dẫn đầu. Mẫu xe của Toyota thống trị doanh số nhóm sedan cỡ B và đóng góp lớn nhất vào vị thế số hai của hãng Nhật ở thị trường xe trong nước, sau VinFast.

Kể từ khi chuyển sang phom dáng trẻ trung, thể thao hơn hồi tháng 5/2023, doanh số Vios có phần chững lại đôi chút vì khách hàng truyền thống của mẫu xe Nhật cần thời gian làm quen. Khi thiết kế dần trở nên quen mắt, sức mạnh thương hiệu, đặc tính bền, ít hỏng vặt một lần nữa giúp mẫu sedan nhà Toyota lọt top ăn khách ở thị trường.

Hyundai Thành Công: Accent11.677 xe (20% doanh số của hãng)

Accent thế hệ mới trên phố Hà Nội. Ảnh: HTC

Một năm sau khi Vios ra bản nâng cấp, Hyundai Accent lặp lại hướng đi của đối thủ khi trình làng thế hệ mới với một tạo hình làm phai nhạt chất trung tính trước đó. Sức hút của Accent có phần suy giảm, và Toyota Vios nắm lấy cơ hội để bứt lên trong những tháng cuối 2024.

Accent đóng góp khoảng 20% thị phần trong lượng bán tổng của Hyundai. Đây là mẫu xe duy nhất thuộc một hãng Hàn bán trên 10.000 chiếc, tính đến tháng 11.

Ford Việt Nam: Ranger15.904 xe (41% doanh số của hãng)

Mẫu Ranger off-road tại một địa điểm ở Đà Lạt, tháng 12/2024. Ảnh: Ford VN

Nếu không có Ford Ranger, doanh số hãng Mỹ khó thuộc top đầu thị trường như hiện tại. Mẫu xe bán tải không chỉ dẫn đầu thị phần phân khúc, mà còn là một trong hai mẫu xe bán chạy nhất thị trường, bên cạnh Mitsubishi Xpander.

Tầm quan trọng của Ranger ở thị trường Việt thể hiện ở sự chăm chút và đầu tư của Ford cho cấu hình sản phẩm. Ngoài kiểu dáng mạnh mẽ, hiện đại chuẩn xe bán tải, Ford Ranger là cái tên có nhiều phiên bản lựa chọn nhất, giá từ thấp đến cao nhất. Tính riêng ở phân khúc xe bán tải, thị phần của Ranger chiếm đến 76,5% tổng lượng bán ra.

Kia Việt Nam: Sonet6.864 xe (21% doanh số của hãng)

Mẫu Sonet bản nâng cấp giữa chu kỳ tại đại lý Kia ở TP HCM. Ảnh: Thành Nhạn

Từng là mẫu xe thống trị phân khúc CUV cỡ nhỏ nói chung nhưng sự xuất hiện của Mitsubishi Xforce khiến cục diện đảo lộn. Sonet vẫn bán nhiều nhất nhóm CUV cỡ A+/B- và đóng góp nhiều nhất vào lượng bán của Kia tại Việt Nam.

Phiên bản nâng cấp của Kia Sonet ra mắt vào tháng 6 với ngôn ngữ thiết kế mới, tăng trang bị. Điều này giúp Sonet trở nên cạnh tranh hơn và thu hút một lượng lớn khách mua xe lần đầu chuyển hẳn lên xe gầm cao thay vì sedan cỡ B truyền thống hay hatchback cỡ A.

Mazda Việt Nam: CX-5 13.656 xe (46% doanh số của hãng)

Mẫu CX-5 tại đại lý Mazda ở Bình Dương. Ảnh: Phạm Trung

Dù là xe cỡ C nhưng giá bán khởi điểm của Mazda CX-5 ngang ngửa với nhiều mẫu CUV cỡ B hay B+. Sức hút lớn từ giá bán, trang bị và thiết kế, CX-5 khiến nhiều đối thủ đồng hạng hoặc thuộc phân khúc lân cận bị ảnh hưởng thị phần từ khi ra mắt bản nâng cấp hồi giữa 2023.

Giống như Xpander ở nhóm MPV, Ranger nhóm xe bán tải, mẫu xe của Mazda không có đối thủ ngang tầm ở đường đua doanh số ở phân khúc CUV cỡ C. Mức bán hơn 13.000 xe của CX-5 thuộc nhóm 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường.

Honda Việt Nam: City10.068 xe (39% doanh số của hãng)

Honda City phiên bản RS tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng

Chủ lực của Honda ở mảng ôtô vẫn là City, mẫu sedan lắp ráp trong nước. Tuy chưa thể cạnh tranh cho hai vị trí dẫn đầu với Vios hay Accent ở phân khúc, nhưng lượng bán hơn 10.000 xe của Honda City là con số mà nhiều hãng mong đạt được.

Khi CR-V thế hệ mới có giá bán cao hàng đầu phân khúc, doanh số suy giảm, vai trò đầu tàu của City càng rõ nét hơn. Hồi tháng 9, Honda hạ giá bán lẻ 40-60 triệu đồng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Thành Nhạn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020