Nhóm The Episteme (trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý, Quận 7, TPHCM) là một trong những nhóm nghiên cứu khoa học của học sinh trung học có hoạt động rất sôi nổi; đã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng quy mô lớn, giúp kích thích sự đam mê học hỏi, nghiên cứu khoa học công nghệ của nhiều bạn trẻ.
The Episteme được thành lập đầu năm 2022, qua ý tưởng của một học sinh lớp 11, trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý. Thế hệ đầu của nhóm nghiên cứu gồm 9 học sinh và một giáo viên cố vấn.
Với tôn chỉ "khoa học không hề nhàm chán" và mong muốn lan tỏa giá trị này rộng rãi đến mọi học sinh THCS, THPT ở cả những nơi xa xôi nhất, nhóm đã lần lượt tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa về khoa học công nghệ cho học sinh cấp 2, cấp 3.
Lần ra quân đầu tiên của The Episteme là vào tháng 4/2022 với điểm đến là trường THCS Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhóm dự định tổ chức triển lãm và có buổi chia sẻ về lợi ích của hoạt động khoa học công nghệ tới các em học sinh tại đây.
Sau hơn 1 tháng chuẩn bị với những bản kế hoạch chỉnh sửa nhiều lần, các thí nghiệm demo kĩ càng, 6 gian hàng khoa học gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ảo thuật và Câu hỏi đố vui đã được hoàn chỉnh về sản phẩm. Do các thành viên đều bận rộn cả ngày với việc học trên trường, những buổi họp online để lên kế hoạch đều diễn ra sau 23h tối.
Một nữ sinh lớp 8, trường THCS Bưng Riềng đã bày tỏ sự ngạc nhiên, phấn khích khi được tham dự triển lãm: "Em không nghĩ một chiếc lá có thể tính được diện tích bằng cách chia thành những hình đơn giản!".
"Làm sao các anh chị có thể biến hoa khô thành hoa nở, rồi biến màu trắng thành màu hồng?", một học sinh cấp 2 khác bày tỏ sự thích thú.
Em Lê Vinh Điển, trưởng nhóm The Episteme chia sẻ, hoạt động này khiến em cảm thấy bản thân và các bạn đã làm được những điều thật ý nghĩa. "Dù sự chuẩn bị thực sự có nhiều khó khăn, nhưng những gì chúng ta nhận được còn to lớn hơn thế", Điển nói.
Mục tiêu tiếp theo của nhóm là phải đến được những trường THCS ở vùng sâu, vùng xa. Cuối tháng 7/2022, The Episteme quyết định chọn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện vùng sâu, vùng xa duy nhất của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) để tiếp tục lên đường. Thời điểm này, đa số thành viên đã lên lớp 12 với rất nhiều áp lực, nhưng vẫn lựa chọn gắn bó với nhóm. The Episteme được tiếp tục bổ sung các thành viên mới là học sinh khóa dưới tại trường THCS, THPT Đinh Thiện Lý.
Hoạt động tại huyện Châu Đức có sự tham dự của 18 trường THCS trên địa bàn huyện với gần 300 bạn học sinh tham gia, trong khi số lượng nhân sự của The Episteme lúc này chỉ khoảng 15 người.
Cả nhóm loay hoay với rất nhiều câu hỏi: Làm sao để tổ chức cho gần 300 bạn thật nhịp nhàng, đảm bảo từng bạn được tham gia một cách trọn vẹn? Huy động kinh phí và nguyên vật liệu ở đâu để đủ cho từng ấy học sinh tham gia? Nên huy động thêm nhân lực từ đâu?…
Cuối cùng, sau khoảng 10 lần họp xuyên đêm, cả nhóm đã tìm ra giải pháp. Theo đó, gần 300 học sinh THCS tham gia sẽ được chia thành 5 nhóm phù hợp với 5 gian hàng. Mỗi nhóm lớn lại chia thành 8 nhóm nhỏ, mỗi gian hàng cần có 8 bộ dụng cụ cho một lần tổ chức.
Nhân sự không nhiều nên mỗi gian hàng được phân công 3 nhân sự, mỗi nhân sự sẽ hỗ trợ 2 - 3 nhóm nhỏ học sinh. Nguyên vật liệu được mượn từ nhà trường, những vật dụng thiếu sẽ lên mạng xã hội để kêu gọi tài trợ, nếu không có tài trợ có thể đề nghị cho mượn. Kinh phí di chuyển, chỗ ở được nhóm huy động từ sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh.
Nhóm thiết kế các hoạt động phù hợp với chương trình học bậc THCS như: Toán (tính chiều cao cột cờ bằng tam giác đồng dạng…); Lý (có máy bắn bi minh họa cho việc chuyển hóa thế năng đàn hồi thành động năng); tách ADN từ chuối tại gian hàng Sinh học để các em học sinh THCS thấy rằng ADN không chỉ là hình vẽ trên sách;…
Thầy Lê Gia Nhạc, Hiệu trưởng trường THCS Châu Đức, huyện Châu Đức chia sẻ, buổi giao lưu rất hứng thú và bổ ích; tạo ra một sân chơi khoa học công nghệ tốt, gắn kết các trường tại địa phương, tạo cơ hội cho các em trao đổi những vấn đề khoa học, công nghệ một cách nghiêm túc nhưng vui nhộn.
"Đây là nền tảng quan trọng giúp chúng tôi xây dựng phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ trong học sinh trên địa bàn huyện", thầy Nhạc nói.
Thầy Lê Thanh Kính, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Châu Đức thì cho hay, nhóm The Episteme và thầy cô trường Đinh Thiện Lý bằng những mô hình/sản phẩm khoa học công nghệ cụ thể, dễ hiểu và sáng tạo đã thuyết phục hoàn toàn học sinh tham dự. "Tính thực tiễn, gắn với chương trình học, có ý nghĩa minh họa rất tốt nội dung học trong chương trình THCS, THPT của các hoạt động và sản phẩm triển lãm, đã làm cho học sinh THCS thích thú, có sự đam mê rất rõ ràng", thầy Kính nhận định.
Để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ ở học sinh, nhóm Episteme bày tỏ mong đợi Bộ GD&ĐT có thể sớm có chủ trương đưa chuyên đề/môn học: "Phát hiện và phương pháp nghiên cứu, sáng tạo" vào chương trình THCS. Điều này giúp hoạt động khoa học, công nghệ sẽ không còn là phong trào "lúc nổi lúc chìm" mà là hoạt động bắt buộc trong trường học (có thể giờ giấc linh hoạt).
Theo nhóm, với chủ trương này, trường học sẽ có kinh phí để trả cho thầy cô hướng dẫn; học sinh được sử dụng phòng thí nghiệm ngoài giờ học để thực hiện các phép thử và thao tác nghiên cứu cho đề tài của mình.
Từ đó, học sinh có thể nhận ra: cách thức nghiên cứu chứng minh, phát hiện, tạo ra sản phẩm cụ thể không phải là những gì quá khó; mà hoàn toàn có thể làm được ở bậc học THCS trở lên. Thực tế, học sinh ở các quốc gia phát triển: Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Phần Lan, Úc, Nhật… vẫn thực hiện nghiên cứu trong hoạt động học tập hằng ngày của họ.
Nguyễn Hoài Phương