Chuyên mục  


Gia đình tôi hay dùng muối vừng chấm rau củ luộc, ăn kèm với xôi, cháo buổi sáng hoặc đơn giản trộn với cơm trắng.

Bà tôi chọn những củ lạc có lớp vỏ ngoài sáng, vân dày, cầm chắc tay. Bà thích dùng lạc đỏ, tuy kích thước nhỏ hơn lạc trắng nhưng vị ngọt hơn. Sau khi tách vỏ, bà chọn những hạt còn nguyên vẹn lớp vỏ lụa màu đỏ, bỏ đi những hạt có đốm đen.

Những hạt lạc căng bóng vỏ được bà rang vàng trên chảo gang. Đôi đũa cả đảo liên tục, đều đều tới khi vỏ lạc sậm hẳn màu và nứt ra, mùi thơm bùi béo ngập tràn căn bếp nhỏ. 

Lạc chín, bà trút ra chiếc rổ tre, nhanh tay lắc nhẹ để hả bớt hơi nóng. Tôi hấp tấp nhón lấy vài hạt lạc nóng hổi, xoa chúng trong lòng bàn tay cho bong vỏ rồi thả vào miệng. Hạt lạc giòn tan, thơm bùi bùi, ngọt beo béo vỡ òa trong khoang miệng.

Vừng đen, vừng trắng, bà lựa hạt căng mẩy, áng chừng tỉ lệ một phần ba so với lạc. Bà cho vừng vào chảo gang đảo đều với lửa nhỏ. 

Khi vừng dậy mùi thơm và có tiếng nổ khe khẽ, hơi ngả sang màu vàng nâu, bà nhanh tay đổ ra chiếc mẹt nhỏ, dùng đũa dàn thật mỏng, tránh nhiệt dư làm hạt vừng nhỏ bé bị cháy.

Vẫn chiếc chảo gang, bà rang muối hạt với lửa vừa cho đến khi muối ngả vàng đều, khô và giòn. Lạc cũng vừa nguội, bà đặt khăn tay lên trên những hạt lạc rồi dùng lực xoa thật đều cho vỏ lụa đỏ bong ra. Đôi tay khéo léo sàng sảy cho đám vỏ lụa bay vào nơi bếp lửa vừa tàn.

Bước cuối cùng, bà cho lạc đã đãi sạch vỏ, vừng, muối rang vào chiếc cối đất nung, dùng chiếc chày gỗ nện xuống từng nhịp đều đều để các nguyên liệu hòa trộn vào nhau. Cuối cùng, khi mọi thứ đã vỡ ra, bà thêm một chút mì chính để dằn lại vị mặn của muối và tăng độ ngọt của lạc, vừng.

Bà tôi giã muối vừng khéo tay lắm. Muối vừng không bị nhuyễn quá, vẫn còn lại một phần hạt lạc vỡ ba, vỡ tư, vừng cũng sẽ có những hạt nguyên vẹn. 

Vị bùi béo của lạc, vừng hòa thêm chút mằn mặn của muối và vị ngọt rất nhẹ của mì chính cực kỳ đưa cơm.

Muối vừng giã xong vừa lúc cơm trong nồi chín tới. Bà thường bớt lại một chút muối vừng dưới đáy cối, xới thêm mấy ít cơm tám dẻo thơm và tiếp tục giã nhuyễn. Tôi ngồi cạnh bà, háo hức chờ đợi. 

Khi cơm và muối vừng được giã dẻo quánh, không còn dính cối, bà nắm chúng lại thành những miếng tròn như bánh dày và đưa cho tôi. Nhìn tôi ăn ngon lành, bà cười tủm tỉm, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.

Thời gian cuốn đi nhiều thứ, mang đi người bà kính yêu của tôi. Mỗi lần trời đổ cơn mưa, tôi lại thầm ước được quay trở về căn bếp nhỏ thơm mùi củi lửa, ngắm bà tỉ mỉ làm ra món ngon dân dã đó.

iex-cdncom-chatluongvacuocsongvn-files-content-2024-09-25-260892692304ebb5cb05do-1116-1727605094140-17276050942551162956952-0-0-425-680-crop-17276051135532076318667.jpgTìm thấy hợp chất chống ung thư có trong món ăn quen thuộc này của người Việt

GĐXH - Isoflavone là hợp chất phổ biến trong nhiều món ăn truyền thống của người Á Đông, đặc biệt là các món chế biến từ đậu nành.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020