Chuyên mục  


Trong 532 người tham gia khảo sát "Nuôi con bằng sữa mẹ" do VnExpress cùng Vinamilk thực hiện từ ngày 27/11 đến 4/12, 242 mẹ (chiếm tỷ lệ 45,5%) cho biết không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.

Lứa tuổi tham gia trả lời khảo sát đa dạng, từ các bà mẹ trẻ sinh năm 2000 đến cả thế hệ 7x, 6x - những người đã lên chức bà nội, bà ngoại. Phần đông trong độ tuổi 24 đến 37, chiếm 67,6%. Kết quả khảo sát không quá chênh lệch với báo cáo UNICEF năm 2020-2021. Ngoài ra, theo báo cáo UNICEF, 67% trẻ Việt Nam được tiếp tục bú mẹ đến 15 tháng tuổi và 23% trẻ được bú mẹ đến 2 tuổi.

Có nhiều lý do khiến mẹ không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Theo nghiên cứu của nhóm giảng viên khoa Hộ sinh, trường Đại học Y Dược TP HCM, đăng tải trên tạp chí Belitung Raya Foundation năm 2021, các trở ngại khi nuôi con bằng sữa mẹ gồm ba yếu tố: bản thân mẹ (tâm lý, cơ địa...), trẻ sơ sinh và môi trường xã hội. Sự bối rối, thiếu kiến thức về kỹ thuật - hỗ trợ từ gia đình, mẹ không đủ sữa, trẻ bị bệnh và tâm trạng khó chịu là những rào cản hàng đầu, theo bài báo. Các tác giả cũng cho biết, trong các nhóm tuổi, các mẹ trên 35 gặp nhiều rào cản hơn so với dưới 35 tuổi.

Còn trong khảo sát trên VnEpxress, khi trả lời lý do không thể nuôi con 100% bằng sữa mẹ, 48,3% mẹ cho biết bận công việc - hoàn cảnh, 45,7% cho biết gặp vấn đề cơ địa mẹ; 23,1% do tâm lý mẹ; 13,9% nói chất lượng sữa mẹ kém; 10,1% trường hợp bé không thể bú, dị ứng với thành phần trong sữa mẹ, 14,6% nêu những lý do khác... Một số mẹ còn chia sẻ chi tiết do sinh mổ kèm nhiều yếu tố sức khỏe nên ít sữa. Như chị Thu Hằng (Hà Nội) từng mắc sốt xuất huyết và phải cai sữa cho con khi bé mới 5 tháng.

Kết quả trả lời câu hỏi "Những trở ngại nào khiến bạn không thể nuôi con 100% bằng sữa mẹ" thuộc khảo sát "Nuôi con bằng sữa mẹ" do VnExpress và Vinamilk phối hợp thực hiện. Đồ họa: Phương Nhung

Khi bé đã qua mốc 6 tháng tuổi, các mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ thường vì công việc. Một nhân viên ngân hàng 28 tuổi tại TP HCM cho biết chị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời nhưng khi đi làm gặp nhiều áp lực từ công việc, không đảm bảo đủ sữa nuôi con.

Cảm xúc của các bà mẹ khi không thể nuôi con bằng sữa mẹ khá đa chiều. Nhiều người tham gia khảo sát cho biết có cảm giác buồn, áy náy bứt rứt hoặc bất lực, cảm thấy có lỗi với con. Cảm giác mình không phải là một người mẹ tốt", độc giả 31 tuổi tại Hà Nội chia sẻ.

Một chuyên viên tại TP HCM viết lời tâm sự dài, nói rằng buồn khi không thể cho bé thứ hai bú mẹ trong khi con đầu duy trì sữa mẹ đến 15 tháng tuổi. "Khi cho con bú, cảm giác yêu thương dâng tràn rất xúc động. Khi không cho con bú mẹ, tôi sợ con có thể thiệt thòi về mặt cảm xúc nữa", độc giả viết.

Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Ảnh: ukhealthcare

Bên cạnh đó, nhiều mẹ cũng vượt qua được nỗi buồn, cảm thấy bình thường vì đã cố hết sức nhưng sức khỏe và hoàn cảnh không cho phép nuôi con bằng sữa mẹ dài hơn. Một nhân viên văn phòng 32 tuổi tại Đồng Nai chia sẻ, chị đã dùng đủ cách để kích sữa nhưng không hiệu quả do cơ địa. Ban đầu chị có chút áy náy khi con còn bé đã phải uống thêm sữa công thức. Tuy nhiên khi em bé bắt đầu lớn hơn, chị không còn suy nghĩ nhiều. "Miễn con no, khỏe là được", người mẹ quan niệm.

Khi buộc phải dùng giải pháp thay thế, 66,1% người tham gia khảo sát do VnExpress phối hợp Vinamilk triển khai cho biết quan tâm loại sữa chứa dưỡng chất gần sữa mẹ nhất. Đồng thời, 65,7% chọn giải pháp giúp con tăng miễn dịch, 56,4% muốn con dễ hấp thu. Có 38% người ưu tiên một hướng thay thế mà đảm bảo cả ba yếu tố này.

Phần đông độc giả mong muốn một giải pháp gần giống sữa mẹ phù hợp với khuyến cáo WHO: nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp nuôi dưỡng hiệu quả nhất cho trẻ, nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh.

Thực trạng trên cũng chính là động lực cho các tiến bộ khoa học trong ngành dinh dưỡng nói chung và ngành sữa bột trẻ em nói riêng, với sự cải tiến không ngừng trong việc mô phỏng các dưỡng chất quý có trong sữa mẹ vào sản phẩm dinh dưỡng.

Kim Anh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020