Chuyên mục  


Nam mới làm nhân viên kinh doanh cho một đại lý Mitsubishi tại Hà Nội. Sau những va vấp đầu đời với vài công việc không liên quan nhiều tới chuyên ngành marketing của mình, cậu quyết định thử sức với nghề bán xe. 

Buổi phỏng vấn trước đó, Nam trả lời khá tự tin trước những câu hỏi về kiến thức ôtô cậu có được. Đâu là xe SUV, sedan, bán tải... đâu là hãng Nhật, hãng Đức, hãng Mỹ, các hãng đang cạnh tranh ra sao... Cậu luôn khẳng định mình rất đam mê ôtô từ khi còn ngồi ghế nhà trường, lại may mắn có được bằng lái từ khá lâu. Giám đốc đại lý Lê Hiếu tỏ ra hài lòng với hiểu biết mà cậu ứng viên thể hiện. Ngày hôm sau cậu được nhận vào thử việc. Nhưng đam mê của những buổi đầu được "dội gáo nước lạnh".

7h30, đường Phạm Văn Đồng vẫn ngổn ngang công trình xây dựng, nhóm nhân viên mới tới sớm nhận bàn giao ca. Nay là ngày đầu tiên Nam được phân nhiệm vụ lái chiếc bán tải màu bạc vào vị trí định sẵn phía phải showroom. Tưởng xong việc, cậu đi loanh quanh, cầm đọc những cuốn catalog còn thơm mùi mực in. 15 phút sau, Lê Hiếu từ cầu thang bước xuống, giọng nghiêm nghị: "Ai vừa đánh xe này vào thế?". Nam đáp: "Em ạ".

"Em lau dọn lại xe cho anh." Vị giám đốc buông thõng lời yêu cầu.

Nam chột dạ biết mình vừa mất điểm, cậu cầm miếng khăn ẩm lau chùi nước còn đọng lại từ khoang rửa xe sau vài ngày trên đường vận chuyển từ nhà máy về. Rời đi một lát, Lê Hiếu quay lại kiểm tra. Lấy ngón tay quệt sâu vào bên trong hốc bánh xe, lớp bụi đường còn dính lại, tấm lót chân chào mừng chưa thay, những miếng xốp chống va đập ở 4 cánh cửa chưa được gỡ ra.

Nam lau la-zăng xe tại đại lý. Ảnh: Giang Huy

Nhiều năm trong nghề, tiếp xúc đủ tầng lớp khách hàng, anh vẫn chia sẻ cùng những nhân viên mới bằng bài học vỡ lòng: lau xe. Đam mê xe cộ khác xa đam mê nghề bán xe. Rất nhiều nhân viên kinh doanh ôtô mới vào nghề thường không trụ được quá 3 tháng bởi họ không đủ lòng kiên trì và tình yêu dành cho thương hiệu – "thứ cần được tôi luyện từ những công việc nhỏ nhặt nhất", Hiếu khẳng định. 

Bài học đầu tiên tạm đi qua, Nam cảm thấy vỡ mộng, khác xa những gì cậu tưởng tượng trước đây về hình ảnh một salesman quần là áo lượt, điện thoại đắt tiền. Lê Hiếu thử thách sức chịu đựng của chàng trai trẻ bằng một vài câu chê trách khá "nặng" xem phản ứng cậu nhân viên thế nào. Chí ít, Nam chưa tỏ ra tự ái. Nhân viên bán xe luôn phải giữ thái độ tích cực, bởi nếu đôi co, cơ hội chinh phục khách hàng sẽ là con số 0. Lê Hiếu thẳng thắn: "Nếu hôm nay anh là khách hàng, anh sẽ không muốn mua xe của em". Nam khẽ gãi đầu, gương mặt chăm chăm chờ lời giải thích từ cấp trên. 

"Mai em đi cắt gọn tóc tai, nhuộm lại màu đen. Bỏ hết những đôi tất dưới mắt cá chân cho anh, chọn màu đen hoặc ghi xám sẫm. Kéo cái cà vạt sát lên khuy áo chứ không phải kiểu lửng lơ thế kia. Hãy nhớ mình không còn là sinh viên nữa."

Từ nhỏ tới lớn chắc chưa ai nhắc Nam chuyện ăn mặc, hơn nữa đó còn là quyền tự do cá nhân. Nhưng đây là con đường trở thành người bán xe chuyên nghiệp, cậu phải chấp nhận nguyên tắc thay vì sống theo cảm xúc. 

Những ngày kế tiếp, cậu thanh niên trông như già dặn đi mấy tuổi trong bộ vest đen với chiếc cà vạt khá to bản. Nam đi lại trong showroom, quan sát và ghi chép tỉ mỉ cách những nhân viên kinh doanh có kinh nghiệm gặp gỡ và trao đổi với khách hàng. Những quãng thời gian trống lướt web, facebook giờ đây thay bằng cuốn sổ với chi chít thông số kỹ thuật, các mẫu xe mà cậu phải nằm lòng. Phòng nhân sự thông báo sáng nay có buổi đào tạo. Lê Hiếu tập hợp nhóm nhân viên mới quanh chiếc crossover màu đỏ. Cao Phú – đồng nghiệp mới cùng phòng của Nam được yêu cầu mở cửa xe rồi đóng lại. Thao tác tương tự với phần nắp ca-pô. 

"Em đóng cửa như vậy thì quá mất lịch sự, dư thừa lực mà gây phản cảm cho khách hàng", Lê Hiếu vừa nhận xét vừa tiến gần chiếc xe, mở non nửa hành trình cánh cửa, lấy tay đẩy nhẹ trở lại, một tiếng "phập" vừa đủ nghe, cabin được đóng kín. "Hãy luôn đặt mình vào vị trí của khách", Hiếu giải thích.

Nam bắt đầu vỡ ra nhiều điều. Mọi người vẫn truyền tai nhau rằng bán hàng phải có duyên, sự may mắn, rồi đôi khi phải có những mánh lới thì mới tồn tại được trong nghề này, giờ đây cậu cho rằng chúng không còn đúng nữa. Cậu cũng bỏ hẳn ý định ban đầu làm thử cho biết, cậu muốn dấn thân thực sự vào nghề kinh doanh thú vị này, dù biết áp lực không hề nhỏ. Nếu không bán được xe, cậu chỉ có mức lương 4 triệu may ra đủ thuê nhà, đi lại. Tệ hơn nữa, nếu nhiều tháng vẫn chưa bán được, cậu phải rời đi. Nhưng chia sẻ từ những người kinh qua nghề này hàng chục năm như Lê Hiếu thắp lên cho chàng thanh niên động lực ban đầu, giúp cậu không đi chệch bằng tư duy mánh lới. 

Nam đã quên luôn ý định mua chiếc Iphone mới cùng một chiếc đồng hồ sành điệu để "make up" cho mình. Ba ngày nữa nhóm cậu có bài kiểm tra tổng thể để đánh giá điều kiện được trực showroom và tiếp những vị khách đầu tiên của mình. Khác những kì thi tẻ nhạt thời sinh viên, Nam và Phú mong ngày đó đến càng nhanh càng tốt.

Không gian showroom được trang trí bóng bay và nơ đỏ tươi cho buổi lái thử. Ban nhạc chơi bản Canon in D, cậu thanh niên cúi xuống lau lọt từng chiếc la-zăng rồi đi xung quanh kiểm tra từng tấm bảng tên xe. Chờ đến ngày thuyết phục được khách đầu tiên ký hợp đồng. 

Thái Hoàng

"Nghề bán xe" được kể bởi một series các câu chuyện từ khi vào nghề tới những tình huống thực tế. Ở phần tiếp theo, Nam sẽ đối mặt với cơ hội và thách thức - "chiếc xe đầu tiên". 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020