Chuyên mục  


Chờ ngày "lợn no" để khởi nghiệp

Nguyễn Thanh Hoàng sinh năm 2000, tại Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Như đa số bạn bè đồng trang lứa, Hoàng cũng ước mơ được khoác trên mình màu xanh áo lính. Đây cũng là mong mỏi của nhiều bậc phụ huynh, trong đó có bố mẹ Hoàng.

Nguyễn Thanh Hoàng.

"Mình và bạn bè đều hy vọng đỗ vào các trường quân đội để có tương lai ổn định, không mất tiền học phí, đỡ gánh nặng cho gia đình", Hoàng lý giải.

Bố của Hoàng khi đó gợi ý cho cậu hai hướng đi, một là đặt nguyện vọng vào Học viện Phòng không - Không quân, nếu không đỗ sẽ trở về làm buôn bán như bố mẹ.

Nhưng điểm số của Hoàng trong kỳ thi năm đó không đủ để đỗ nguyện vọng 1. Hoàng quyết định rời quê lên Hà Nội theo học tại trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, nếu có cơ hội sẽ chuyển sang làm kinh doanh như lời bố dặn.

Hoàng đang quản lý chuỗi homestay gồm 7 căn hộ cho thuê khi vẫn học năm 4 đại học.

Hoàng năng động, không chịu ngồi yên một chỗ. Mới lên đại học, Hoàng đã tìm kiếm nhiều công việc làm bán thời gian sau giờ học. Quá trình làm nhân viên bán hàng cho Hoàng những trải nghiệm kinh doanh, lại nhớ lời bố dặn, Hoàng dần ấp ủ dự định làm kinh doanh.

Hoàng tiết kiệm từng đồng cho dự định của mình. Mỗi tháng, đến ngày lấy lương, bạn bè rủ đi ăn nhậu nhưng Hoàng thường hạn chế, cậu nhét tiền lương vào một con lợn nhựa. Số tiền bố mẹ gửi từ quê lên mỗi tháng, Hoàng cũng chỉ giữ đủ chi tiêu, còn lại để "nuôi lợn". Một thời gian sau, số tiền tích góp được nhiều hơn, Hoàng mang gửi tiết kiệm ngắn hạn.

Vừa học, vừa chăm chỉ làm thêm nhưng điểm số của Hoàng trên cổng thông tin luôn đạt mức Khá. Lên năm 3 đại học, một người bạn rủ Hoàng kinh doanh homestay tại một khu đô thị lớn ở Hà Nội. Mô hình thuê căn hộ rồi cho người khác thuê lại với mức giá cao hơn. Vừa lúc số tiền tiết kiệm đã đủ lớn, Hoàng rút về được 60 triệu đồng, đó là số vốn đầu tiên Hoàng bỏ ra làm kinh doanh.

"Khi biết mình kinh doanh khi còn đang đi học, ban đầu mẹ mình không ủng hộ lắm. Mẹ bảo học xong đã rồi làm gì thì làm. Nhưng mình cố gắng thuyết phục mẹ. Mình nghĩ không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bắt tay vào làm một việc gì đấy.

Vừa học vừa làm nhưng học lực của Hoàng luôn duy trì ở mức Khá.

Trước khi đồng ý góp vốn làm ăn, mình cũng đã tham khảo rất nhiều về nhu cầu của khách hàng, tính cạnh tranh trong loại hình cho thuê căn hộ như thế này. Mình thấy đây là một hình thức nghỉ dưỡng và du lịch khá mới mẻ ở Việt Nam, thị trường chưa đạt đến mức bão hòa nên mình quyết định làm ngay. Trước đây mình cũng từng là nhân viên sale cho một công ty nên có chút kiến thức, trải nghiệm bán hàng", Hoàng nói.

Hoàng cho biết, kinh doanh homestay không cần quá nhiều vốn như mọi người thường nghĩ. Tùy loại hình và quy mô mình làm lớn hay nhỏ. Số tiền Hoàng tích góp nhờ việc làm thêm và gia đình trợ cấp trong những năm đầu đại học đủ để đầu tư mà không phải vay mượn thêm.

Khó khăn đầu tiên Hoàng gặp phải là tiếp cận khách hàng. Sau khi đi vào hoạt động một thời gian, homestay có rất ít khách tìm đến, tiền vốn gần cạn kiệt. Đôi lúc, Hoàng đã thoáng nghĩ đến việc có nên dừng lại hay tiếp tục. Lên mạng tham khảo, Hoàng học cách tiếp thị homestay trên các nền tảng mạng xã hội. Hoàng tập trung vào các hội nhóm có khách hàng tiềm năng, là những người trẻ có thu nhập khá trở lên.

Kinh doanh đến tháng thứ 2, Hoàng bắt đầu có lãi. Vốn có thói quen tiết kiệm, số tiền lãi đó, Hoàng dành dụm để tái đầu tư, thuê thêm các căn hộ khác làm homestay.

Phương pháp kinh doanh của Hoàng là nhìn ra được khách hàng có nhu cầu gì và giải quyết nhu cầu đó. Hoàng cố gắng cải thiện trải nghiệm của khách, đây là bài học cậu học được khi đi làm thêm.

Việc kinh doanh chỉ cần vận hành từ xa, nên Hoàng vẫn dành nhiều thời gian cho việc học tập, đảm bảo điểm số luôn ở mức Khá, một phần giúp bố mẹ yên tâm.

"Theo mình, những người trẻ muốn khởi nghiệp khi còn là sinh viên, chưa có kiến thức, vốn liếng thì nên đi làm thêm. Mình làm nhân viên trước để va vấp nhiều, tích lũy những bài học. Mình nghĩ chúng ta cũng nên coi trọng việc học tập hơn, vì thương trường cũng như chiến trường, thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường bớt đổ máu", Hoàng nói.

"Số tiền mình kiếm được không nhiều nhưng đủ để trang trải cuộc sống và học tập ở Hà Nội. Mình có thể gửi về quê giúp bố mẹ tiền điện nước, mua sắm vật dụng cho gia đình", Hoàng nói.

Góp sức vào hoạt động cộng đồng

Hoàng có ngoại hình cân đối, chiều cao ấn tượng cùng gương mặt điển trai. Nhờ vậy, khi lên đại học, Hoàng càng được nhiều người quan tâm hơn đến ngoại hình.

Với chiều cao 1m78, gương mặt nam tính và thân hình chuẩn, chàng trai Nghệ An đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành được giải Nam vương - ngôi vị cao nhất của cuộc thi "Nam vương xuất sắc 2020". Lượt theo dõi trang cá nhân Facebook của cậu tăng lên vài chục đến hàng trăm nghìn.

"Khi biết mình có lợi thế ngoại hình, mình đã chăm chút hơn cho bản thân. Tận dụng lợi thế này, mình kiếm thêm những công việc bán thời gian như làm gương mặt đại diện cho các sự kiện, làm mẫu ảnh…", Hoàng cho biết.

Hoàng tận dụng lợi thế ngoại hình để làm những việc có ích cho cộng đồng. Năm ngoái, Hoàng nhận lời tham gia và chiến thắng tại một cuộc thi Nam vương bán chuyên nhằm tuyên truyền, vận động kiến thức về HIV và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

"Ngoại hình là một lợi thế nhưng cũng vì vậy mà mình thường gặp phải một số phiền phức. Ví dụ như những lời gạ tình khiếm nhã từ những người lớn tuổi, người đồng giới. Nhưng mình luôn bình tĩnh, xử lý khéo léo để bản thân thấy thoải mái mà người ta không cảm thấy xấu hổ", Hoàng cho biết.

Để chuẩn bị cho cuộc thi này, có những ngày sau khi hoàn thành công việc, học tập, Hoàng lại thức đêm đọc các bài báo viết về người nhiễm HIV, tìm hiểu kiến thức về HIV trên mạng. Hoàng học cách áp dụng những kiến thức đó vào các phần thuyết trình, nói chuyện của mình để truyền đạt một cách dễ hiểu, hấp dẫn nhất đến với cộng đồng.

Quang Trường

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020