Chuyên mục  


"Mẹ ơi, con về nhà được không?", từ Toulouse, Tây Nam nước Pháp, con trai chị Nguyễn Thuý Nga, ở Thuỵ Khuê, Hà Nội - một du học sinh ngành quản trị kinh doanh nhắn tin cho mẹ tuần trước khi những thông tin về khả năng EU "vỡ trận" vì Covid-19 ngày càng dồn dập.

"Giữa lúc dịch căng thẳng nhất, Tổ quốc bảo mọi người đứng yên. Con ở lại, đợi dịch ổn rồi về được không?", chị Nga trả lời con. Phía bên kia bỗng dưng im lặng, còn bên này, lòng mẹ cũng cảm thấy xót xa. Sau cùng hai mẹ con đi đến thoả thuận: "Nếu Pháp ổn thì con sẽ không về, vì về cũng là nguy cơ cho đất nước".

Hôm chủ nhật (15/3), đọc bài viết của người bạn đại học là chuyên gia phân tích số liệu về Covid-19, nhận thấy nhiều khả năng Pháp sẽ lâm vào tình cảnh giống như Italy, mọi thứ còn lại trong chị Thuý Nga chỉ còn là "về nhà, có bố, có mẹ, có gia đình vẫn hơn". Chị đặt vé cho con về nước vào ngày 17/3.

Song hành trình này không suôn sẻ. Đêm 16/3, Tổng thống  Emmanuel Macron ra lệnh phong toả toàn quốc. Từ lúc này, người mẹ Việt chạy đua để "giải cứu" con mình. 

Nhớ lại những gì vừa trải qua cùng con trai, chị Nga kể: "Hôm nay, ngày của tôi dài 48 tiếng, à không, chắc phải là 72 tiếng. Đó là ngày thời gian trôi chậm nhất tôi từng trải qua. Đó là những cung bậc cảm xúc thay đổi theo từng giờ. Đó là những cảm giác lo sợ thay đổi theo sự chuyển động của thế giới. Chưa lúc nào, tôi phải nín thở hóng hành động của các nguyên thủ quốc gia".

9h sáng ngày 17/3, tức 3h sáng tại Toulouse, thấy con trai vẫn đang hoạt động trên mạng, chị Nga nhắn tin: "Sao con chưa ngủ? - "Con vừa ngủ được một chút tự dưng thức không ngủ lại được nữa. Dậy soạn đồ lát còn ra sân bay". Cậu con trai cho biết, Tổng thống vừa thông báo sẽ cấm tất cả các chuyến bay đến và đi khỏi nước Pháp.

"Cấm bay ư? Thông tin như một gáo nước lạnh. Và từ lúc 9h sáng giờ Hà Nội ấy, tôi như dừng thở", chị hồi tưởng.

Con trai chị Nga (đang được các bạn ôm ở giữa) trước giờ lên máy bay đi du học hè vừa qua. Chàng trai đã lên được chuyến máy bay cuối cùng từ Pháp về Việt Nam lúc 7h sáng 18/3 và đã vào khu cách ly ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"VN3114 huỷ chuyển sang AF7529 khởi hành 7h. Hoàn vé miễn phí", tin nhắn của hãng hàng không báo về điện thoại của chị. Như vậy là chuyến bay của con trai chị từ Toulouse đến Paris sẽ sớm hơn 2 tiếng. Lập tức chị gọi cho con: "Con phải dậy chuẩn bị ngay đi. Bắt taxi ra sân bay còn kịp chuyến nếu còn muốn về!"

"Nhưng giờ này bến tàu điện ngầm chưa chạy. Taxi không có. Nếu tàu điện chạy lúc 5h30 ra sân bay 6h thì kịp check-in không mẹ?", con trai chị hỏi.

- E là không kịp.

- Vậy con sẽ chạy bộ. 7km, không biết chạy kịp không - Con trai trả lời.

- Bỏ hết vali lại đi con. Đeo ba lô đi ra sân bay luôn đi. Ra đường vẫy xe, nhờ quá giang đến sân bay xem được không. 

- Con ra đường rồi, không chạy được đâu mẹ ạ. Đường không thạo, chạy nhầm là toi luôn. Con đang đợi bến tàu đây. Kịp thì đi, không thì ở lại vậy.

Toàn cơ thể người làm mẹ lúc này đông cứng lại. Chắc không kịp chuyến rồi. Không có taxi, chắc chắn lỡ chuyến. "Mẹ ơi, bắt được Uber rồi. 10 phút nữa đến đón" - tin nhắn trả lời của con trai khiến chị Nga nhẹ lòng hơn một chút. Từng phút của 10 phút này trôi qua như đoạn băng quay chậm.

"Con ra sân bay rồi đây, tìm thấy cửa check-in rồi. May quá, vẫn kịp chuyến! Mà mẹ ơi, nhỡ bay đến Paris mà theo lệnh Tổng thống không cho bay thì kẹt lại ở đấy cũng chết mất. Quãng đường từ Paris quay lại Toulouse là hơn 700 km. Quay lại bằng gì trong lúc hỗn loạn này nhỉ?"

"Yên tâm đi, phương án B của chúng mình là bắt tàu điện ngầm về Toulouse mà. Con cứ bay đi, mẹ sẽ đi hỏi thăm có lệnh cấm bay chưa và Vietnam Airlines có bay được không nhé. Cứ yên tâm". Đó là lời nói động viên con nhưng cũng chính là để chị tự động viên mình - người đang không thấy yên tâm nhất.

Lúc này, lòng người mẹ đã thấy bất an lên cấp độ 9. Cảm giác sự căng thẳng đã kéo chiếc kim trong cơ thể kịch đến báo động đỏ. Chợt nhớ mấy người bạn có thể thạo tin của các chuyến bay, chị Nga nhấc máy gọi. Lúc này, ai cũng cảm nhận rõ hơn nỗi lo của người mẹ. Các thao tác hỏi đi nhắn lại rất nhanh. "Vẫn bay nhé. Chưa có quyết định dừng bay về. Có thể đây là chuyến cuối cùng trước lệnh cấm của Tổng thống. Mà không biết chắc lắm, tình hình thay đổi theo từng giờ. Nhưng vẫn đi nhé. Phương án B vẫn khả thi mà".

"Nhưng mà lúc này mua vé tàu về Toulouse không dễ đâu mẹ". Con trai chị lại nhắn. "Phải làm thôi. Không có thời gian tính toán nữa. Mẹ không có phương án C".

10h sáng ngày 17/3, chuyến bay nội địa Toulouse hạ cánh transit ở sân bay Charles de Gaulle (Paris). Vẫn còn quá sớm để biết chuyến bay VN18 có bay được về Hà Nội hay không.

"Mẹ ơi, pin còn 32%. Con vội, quên sạc rồi". Bỗng dưng trong đầu chị Nga xuất hiện hình ảnh như trong phim hành động Mỹ - đứa trẻ đang bị vây khốn, điện thoại báo hết pin.

"Không thể ngờ có ngày tôi phải tham gia đoạn phim éo le đó. Lúc này đây, thở thôi cũng đã là một thứ xa xỉ vô cùng. Hết pin thì làm sao theo dõi từng phút được tâm trạng con ở sân bay như thế nào, làm sao biết họ bay hay không để còn thông báo đây", chị kể.

"Con còn máy tính. Mẹ cứ yên tâm". "Ừ, thế tốt hơn rồi. Con còn quên gì nữa không?". "Con quên tai nghe. Quên găng tay. Quên sạc pin". "Thôi, không sao. Đủ pin đến giờ lên máy bay là ok rồi!" "Bên đấy đang là mấy giờ?". "12g kém 5 phút mẹ ạ". Có đông người Việt không? "Có hơn 10 người ở đây. Lâu lắm mới thấy nhiều giọng nói của người nhà mình ở đây". Thế con ăn gì đi. "Con mua bánh mỳ mang theo đây rồi. Có mang theo chai nước nữa rồi. Vẫn còn gói bánh quy".

"Mẹ ơi, con thấy người của Vietnam Airlines đến mở quầy rồi". Câu nói nghe rất đơn giản, chỉ là một câu mô tả thông thường chẳng mấy ai quan tâm, vậy mà vào lúc này lại là câu nói mang lại niềm hạnh phúc không gì diễn tả được. Nước mắt chị Nga ứa ra. "Thế tức là sẽ bay đấy con ạ!". "Vâng, mọi người cũng bảo sẽ bay. Mẹ ơi, con vào máy bay rồi. Ngồi một mình cả dãy. Mệt quá mẹ ạ. Buồn ngủ quá".

"Ừ, ngủ đi con. Ngủ một giấc sẽ về đến nhà thôi. Một ngày quá dài đối với chúng mình con nhỉ. Về nhà đi con".

Con trai chị Nga lên máy bay lúc 13h10 giờ Pháp. Lúc này cũng đúng giờ tan sở tại Việt Nam và chị không về nhà mà chạy đến thẳng nhà mẹ đẻ. Sau bữa cơm mẹ nấu, chị ngủ một giấc tới 11 giờ đêm. Lúc tỉnh dậy thấy lòng nhẹ bẫng.

Phan Dương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020