Chuyên mục  


Cuộc đời, sự nghiệp, giấc mơ và những chiếc xe của Mate Rimac - người làm ra siêu xe điện 2.000 mã lực và sẽ góp phần tạo ra những chiếc Bugatti trong tương lai - đang gây chú ý trong toàn ngành. Và để không nhầm lẫn với hãng xe Rimac, người ta thường gọi nhà sáng lập theo tên, Mate, thay vì họ như thông thường. Giờ đây, một số người thậm chí so sánh Mate với Elon Musk - giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla - và Nikola Tesla - nhà sáng chế thiên tài người Mỹ gốc Serbia.

Mate Rimac tại nhà máy Rimac ở Zagreb, Croatia, năm 2019. Ảnh: The Times

Nhìn xa trông rộng, nhà phát minh, nhà thiết kế, nhà cải cách, thương gia, fan xe hơi, và người tiên phong lỗi lạc của dòng xe điện hiệu suất cao - tất cả chỉ là một số trong nhiều từ ngữ được dùng để miêu tả Mate Rimac - một người Croatia gốc Bosnia năm nay mới 33 tuổi.

Ở tuổi 19, Mate bắt đầu chuyển đổi một chiếc BMW series 3 đời 1984 thành một chiếc xe điện ngay trong garage nhà mình. Năm 2009, Mate sáng lập ra Rimac Automobili khi mới 21 tuổi. Chỉ hai năm sau, chàng thanh niên 23 tuổi cùng hãng Rimac làm ra siêu xe thuần điện từ con số 0: mẫu Concept One. Ở tuổi 33, Mate trở thành người đứng đầu của liên doanh mới Bugatti-Rimac - sự kết hợp giữa hãng siêu xe Croatia do anh sáng lập và thương hiệu siêu xe Pháp lừng danh.

Câu chuyện và cuộc đời của Mate giống như bước thẳng ra từ một cuốn tiểu thuyết. Sinh năm 1988 tại Livno (Bosnia & Herzegovina), Mate cùng gia đình chuyển tới Đức khi cậu mới 3 tuổi, rồi quay về định cư ở Croatia. Tại quốc gia Nam Âu, Mate hoàn thành việc học và trở thành sinh viên tại Đại học Vern ở Zagreb. Trước khi bước sang tuổi 18, Mate đã giành nhiều giải thưởng quốc tế về sáng chế và phát triển kỹ thuật ở Đức, Hàn Quốc và Croatia. Một trong những bằng sáng chế của anh là "iGlove" - găng tay kỹ thuật số có thể thay thế chuột và bàn phím.

Niềm đam mê với xe hơi và xe đua của Mate dẫn anh tới một chiếc BMW 323i đời 1984 vào năm 2004. Mate tham gia một số giải đua địa phương nhưng động cơ xe nhanh chóng bị hỏng khiến anh nảy ra ý tưởng sử dụng một động cơ điện 600 mã lực để tạo ra mẫu xe điện mới - Rimac e-M3 - cũng là nền tảng phát triển cho siêu xe đầu tiên của Mate.

Mate Rimac và chiếc BMW điện vào năm 2012. Ảnh: Vau-Max

Lúc đầu, kết quả không được như mong đợi, nhưng vào 2010 Mate giành chiến thắng đầu tiên trước những chiếc xe chạy xăng, và mẫu BMW điện giành một số kỷ lục tăng tốc được Liên đoàn ôtô quốc tế (FIA) và Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận vào 2011.

Rimac Automobili cho đến năm 2010 mới chỉ gồm hai người là Mate và nhà thiết kế Adriano Mudri. Cùng năm, hãng bắt đầu dự án làm ra siêu xe điện đầu tiên. Với khoản tài trợ ban đầu từ các thành viên của hoàng gia UAE, Rimac Concept One ra mắt ở triển lãm ôtô Frankfurt, Đức, năm 2011 với thông số 1.088 mã lực và có thể tăng lên thành 1.224 mã lực ở phiên bản cuối cùng.

Chỉ 8 chiếc Concept One được sản xuất, nhưng lúc này, Mate và đội ngũ của mình đang chuẩn bị sản xuất mẫu siêu xe thứ hai - Nevera với công suất 1940 mã lực với khả năng đạt tốc độ tối đa 412 km/h. Chỉ 150 chiếc Nevera bán ra trên toàn thế giới.

Mate Rimac và siêu xe Nevera. Ảnh: Rimac

Nhưng sản xuất siêu xe điện không phải điều quan trọng nhất trong số những mục tiêu của Mate. Dự án tham vọng nhất của nhà sáng lập Rimac là trở thành nhà cung ứng chính về hệ thống điện cho mọi hãng xe lớn, đặc biệt những hãng muốn phát triển các mẫu xe điện mới hiệu suất cao.

Đến lúc này, Rimac Automobilo đã và đang hợp tác với một loạt tên tuổi lớn trong ngành. Trong số này có Ferrari, Porsche, Aston Martin, Jaguar, Koenigsegg, Porsche, Mercedes, Hyundai.

Hiện Rimac có khoảng 1.000 nhân viên và giá trị ước tính 937 triệu USD. Trụ sở chính tại Sveta Nedelja, gần Zagreb, Croatia. Cổ phần ở Rimac hiện được chia như sau: Mate Rimac 37%, Porsche 24%, Hyundai 12% và các nhà đầu tư khác là 27%.

Mỹ Anh (theo Motor1)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020