Cùng với Tesla, sự nở rộ về lượng các hãng ôtô điện Trung Quốc đã làm thay đổi đáng kể ngành công nghiệp ôtô toàn cầu trong khoảng 10 năm qua. Những nhà sản xuất ôtô truyền thống đang chịu áp lực ngày càng lớn, và buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng với trật tự mới.
Sáp nhập không còn là điều mới mẻ trong những năm gần đây của ngành ôtô thế giới. PSA, Fiat, Chysler hợp thành tập đoàn Stellantis ở phương Tây là ví dụ tiêu biểu. Mới nhất là Honda, Nissan ở phương Đông, hai hãng xe Nhật vừa công bố ký kết một thỏa thuận để tiến tới sáp nhập vào 2026.
"Đến 2030, chúng tôi phải củng cố khả năng chiến đấu của mình, nếu không, chúng tôi có thể bị đánh bại", CEO Honda, Toshihiro Mibe, nói về chiến lược hợp nhất với Nissan.
Sáp nhập vì xe điện?
Làm sao giành lại lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ lớn trong lĩnh vực xe điện như BYD (Trung Quốc) hay Tesla (Mỹ) là câu hỏi hóc búa của nhiều nhà sản xuất xe hơi với bề dày truyền thống hàng trăm năm sản xuất động cơ đốt trong. Làm thế nào đáp ứng những đòi hỏi rất lớn về vốn đầu tư kinh tế lẫn chất xám cho nhu cầu chuyển mình sang xe điện và trí tuệ nhân tạo trong thập niên tới? Phương án của Honda, Nissan và có thể cả Mitsubishi là tận dụng sức mạnh của thực thể với tổng doanh thu 207 tỷ USD, lợi nhuận ròng 20 tỷ USD sau khi sáp nhập.
Hai CEO của Nissan và Honda trong buổi họp báo hôm 23/12. Ảnh: Nissan
Về mặt kỹ thuật, hai hãng Honda, Nissan có thể bổ khuyết cho nhau. Honda đạt nhiều thành tựu ở mảng công nghệ hybrid, trong khi Nissan mạnh về xe thuần điện. Nissan Leaf là chiếc xe điện đầu tiên được thương mại hóa rộng rãi trên thế giới. Đối với Honda, triển vọng chia sẻ với Nissan để phát triển xe điện là điều khả dĩ trong tương lai.
Bên cạnh Nissan và Honda, một thương hiệu Nhật khác có thể tham gia vào liên minh này là Mitsubishi. Hiện Nissan đang nắm giữ khoảng 24% cổ phần của Mitsubishi.
Đối mặt với sự tấn công của các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc trên thị trường xe điện, ba tập đoàn Nhật Bản có thể tính đến phương án liên minh để duy trì khả năng cạnh tranh của mình ở cấp độ toàn cầu.
Viễn cảnh sau sáp nhập
Cuộc hôn phối của Nissan và Honda sẽ tạo ra nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba thế giới với lượng xe khoảng hơn 8 triệu xe năm. Dẫn đầu toàn ngành hiện nay là Toyota 11,2 triệu xe và Volkswagen 9,2 triệu xe. Kế đến là Hyundai-Kia 7,3 triệu xe.
Với sức mạnh của tập đoàn bán hơn 8 triệu xe trên khắp thị trường thế giới, Honda-Nissan có cơ hội phát triển lớn khi họ chuẩn hóa các nền tảng xe dùng chung cho cả hai ở nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau. Đây là cơ sở để hai hãng tạo ra các sản phẩm hấp dẫn hơn với chi phí thấp hơn.
Về mặt công nghiệp, thách thức là giảm chi phí cố định thông qua việc tối ưu hóa các cơ sở sản xuất, như việc sử dụng chung các dây chuyền lắp ráp và tối ưu hóa chuỗi cung cấp với các đối tác thương mại.
Cứu lấy Nissan
Cuộc sáp nhập của Honda và Nissan đi kèm những mỹ từ cho tương lai của cả hai. Nhưng sâu xa, đây còn là cách để Nhật Bản cứu lấy Nissan, hãng đang trải qua một trong những giai đoạn kinh doanh khó khăn nhất trong lịch sử thương hiệu. Với tình trạng thua lỗ suốt nhiều tháng qua, Nissan đã công bố kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm và giảm 20% công suất sản xuất toàn cầu sau khi doanh số bán hàng giảm mạnh ở những thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ.
Trước thế khó của Nissan, công ty công nghệ Đài Loan, Foxconn đã tiếp cận và đề nghị muốn hợp tác nhưng hãng Nhật từ chối. Một lý do quan trọng cho điều này là vì chính phủ Nhật không muốn để quyền kiểm soát Nissan rơi vào tay nước ngoài và nghiêng về một giải pháp nội bộ.
Với Chính phủ Nhật, điều quan trọng là cần phải nhanh chóng cứu Nissan. Đây là lý do mà ông Toshihiro Mibe, CEO Honda nói rằng việc phục hồi Nissan là một "điều kiện tiên quyết" để dự án sáp nhập mang lại triển vọng tích cực đường dài.
Một sự sáp nhập với 5 diễn viên?
Dù không được mời, nhưng Renault có thể giữ một vai trò trong cuộc đàm phán của bộ ba thương hiệu Nhật. Vì nhà sản xuất ôtô Pháp là cổ đông chính của Nissan với 35,71% cổ phần và cũng là thành viên của liên minh Renault-Nissan- Mitsubishi.
Renault nói rằng họ sẽ thảo luận với Nissan và xem xét mọi lựa chọn có thể với tinh thần cởi mở đối với liên minh Honda và Nissan. Qua tuyên bố của ông Makoto Uchida, CEO Nissan, chúng ta hiểu rằng hai tập đoàn sẽ vẫn tiếp tục hợp tác dựa trên các dự án, miễn là có sức mạnh tổng hợp.
Hiện tại, Renault và Nissan vẫn tiếp tục hợp tác ở dự án xe Twingo điện giá rẻ 20.000 Euro tại châu Âu. Dù sáp nhập với Honda nhưng mối liên kết của Nissan với Renault sẽ không mất đi. Honda-Nissan vẫn cần "bạn đồng hành" là Renault để duy trì, mở rộng sự có mặt ở thị trường châu Âu. Dưới góc độ tài chính, công ty Pháp có thể hưởng lợi lớn nếu muốn thu hồi vốn đầu tư vào Nissan vì cổ phần Nissan tăng 24% sau thông tin sáp nhập với Honda.
Mục đích của một cuộc sáp nhập là cải thiện sức cạnh tranh, tăng khả năng phản ứng với những thay đổi của thị trường thế giới. Đồng thời, việc tận dụng sức mạnh của nhau là phương án tối ưu nhằm bảo đảm giá trị của các doanh nghiệp trong dài hạn. Khi hợp nhất, các hãng chia sẻ công nghệ với nhau, thúc đẩy tốc độ nghiên cứu, tạo ra sản phẩm hấp dẫn hơn, từ đó tăng quy mô thị trường và gia tăng lợi nhuận.
Lộ trình sáp nhập của Honda-Nissan mang đến những tín hiệu tích cực trên bình diện lý thuyết. Nhưng để thành công, các thành viên phải hoàn toàn đồng bộ hóa từ nhân sự, mức độ tài chính đến văn hóa doanh nghiệp. Nếu không, dự án sẽ thất bại như những cuộc sáp nhập trước đây như Mercedes với Chrysler, General Motors với Fiat, Ford-Mazda, Renault-Volvo...
TS Khương Quang ĐồngChuyên gia ôtô 35 năm kinh nghiệm, từng làm việc tại Renault