Trên website của Volvo toàn cầu, hãng dành riêng một góc nội dung (My Volvo Stories) để khách hàng chia sẻ câu chuyện của bản thân về những lần được cứu bởi chiếc xe khi xảy ra tai nạn. Những chiếc xe dập nát phần đầu hoặc toàn thân nhưng người bên trong vẫn vô sự.
Những mẩu chuyện của người dùng Volvo chỉ là số nhỏ trong hàng tỷ người trên thế giới đang lái xe mỗi ngày và đối mặt thường trực với những rủi ro về mất an toàn dẫn đến tai nạn giao thông. Tin vui là số lượng người sử dụng xe tăng lên nhanh chóng, hệ thống giao thông ngày càng mở rộng và phức tạp, nhưng tỷ lệ tử vong trong các vụ tai nạn giảm xuống.
Công nghệ an toàn chính là chìa khóa, thứ mà các hãng đang nỗ lực hướng tới, đỉnh cao nằm ở thế giới xe sang. Hệ thống giải trí đa phương tiện, những chiếc ghế làm từ da thật êm ái hay động cơ mạnh hàng trăm mã lực thể hiện cái tôi của người dùng, nhưng công nghệ an toàn mới thể hiện được trách nhiệm của tài xế, và của hãng xe.
Xe hơi ngày càng an toàn
Theo dữ liệu của Cục thống kê giao thông vận tải, thuộc Bộ Giao thông vận tải Mỹ, tỷ lệ tử vong sau mỗi 160 triệu km (100 triệu dặm) năm 1960 là 5,1 người. Con số này giảm xuống còn 1,34 người vào 2020. Điều này có được, một phần đến từ việc ôtô hiện đại ngày càng trở nên an toàn hơn. Các công nghệ hỗ trợ người lái bị động lẫn chủ động giúp xe giảm thiểu các nguy cơ va chạm lẫn hạ thấp mức độ chấn thương cho hành khách.
Những phát minh, ứng dụng về công nghệ an toàn trên xe hơi qua các năm và tỷ lệ tử vong sau mỗi 100 triệu dặm đường giảm xuống. Đồ hoạ: Visual Capitalist
Sự tiến hóa của các công nghệ an toàn ứng dụng trên ôtô kéo dài hơn 60 năm qua và vẫn đang tiếp tục. Các nghiên cứu chuyên sâu cùng công nghệ phát triển cho phép các kỹ sư ôtô đưa ra các giải pháp bảo vệ không chỉ người ngồi bên trong mà cả người đi đường bên ngoài.
Dây đai an toàn ba điểm có thể xem là một trong những phát minh sớm và quan trọng bậc nhất trong việc bảo vệ người ngồi trên ôtô khi xảy ra các vụ tai nạn. Kỹ sư Volvo, Nils Bohlin là người phát minh ra thiết bị này vào 1959. Để đảm bảo mọi chiếc xe đều có thể được trang bị dây an toàn ba điểm, Volvo đã từ bỏ quyền sở hữu bằng sáng chế, từ đó tới nay dây an toàn ba điểm trở thành trang bị tiêu chuẩn trên mọi dòng xe của các hãng.
Dây đai an toàn ba điểm trên xe hơi. Ảnh: Volvo
Sau dây đai an toàn, hàng loạt sáng kiến khác được đưa vào ứng dụng trên xe hơi. Số này phải kể đến tựa đầu ghế cho người ngồi để tránh nguy cơ chấn thương vùng cổ khi xe va chạm mạnh ở tốc độ cao, xuất hiện trên ôtô vào 1969. Những năm sau đó, túi khí kép cho người ngồi ở cabin xe, hệ thống cảnh báo áp suất lốp, phanh ABS, cân bằng điện tử, camera phía sau, cảnh báo điểm mù... lần lượt xuất hiện.
Những công nghệ kể trên vốn đã phổ cập trong ngành công nghiệp ôtô. Với một số hãng, tính năng an toàn bảo vệ người lái có thể là option, tùy chọn thêm, nhưng với Volvo và nhiều hãng khác, đó là những trang bị tiêu chuẩn.
Việc chạy đua giữa các hãng xe lẫn công ty công nghệ trong ngành ôtô tiếp tục tạo ra những tính năng an toàn mới. An toàn trên ôtô như thể không có khái niệm "nhất", thay vào đó là an toàn và an toàn hơn. Ví dụ, dây đai an toàn 3 điểm từ đơn giản đến có thêm bộ căng đai khẩn cấp (Ford phát triển đầu tiên). Túi khí từ chỗ chỉ có ở hành khách phía trước, nay có thêm túi khí bên hông, túi khí ở nắp ca-pô. Phanh hỗ trợ từ mức độ trợ lực đến tự động can thiệp trong những tình huống cấp bách khi người lái mất tập trung và tất cả diễn ra nhanh hơn một cái chớp mắt.
Các tính năng an toàn của ôtô ngày càng trở nên phong phú. Trên những mẫu xe sang, cao cấp như Volvo, Mercedes, BMW, Volvo, Land Rover, Audi... khách hàng đôi khi không thể nắm rõ hết tất cả những công nghệ an toàn đang hoạt động trên một chiếc xe.
Những công nghệ hiện đại trên ôtô
Volvo là một trong những hãng xe đầu tư mạnh nhất vào nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ an toàn mới cho ôtô. Hãng thậm chí đặt ra mục tiêu từ 2020, không có bất kỳ ai tử vong khi lái xe Volvo.
Hãng xe Thụy Điển sở hữu nhiều công nghệ an toàn đặc biệt. Volvo là hãng tiên phong trong sử dụng thép boron siêu cứng, tạo thành một khung xe bảo vệ hành khách chắc chắn. Cùng với cấu tạo thân xe trước, sau với mục đích hấp thụ xung lực, những chiếc xe Volvo có thể biến dạng, móp méo nặng khi xảy ra tai nạn, nhưng điều quan trọng nhất là người trong xe vẫn an toàn.
Năm 1991, Volvo đưa vào sử dụng hệ thống bảo vệ chống va đập bên hông (SIPS). Hệ thống bao gồm ghế được gia cố chắc chắn, thanh cố định ở sàn xe và vật liệu hấp thụ năng lượng trong cấu trúc khung xe. Cho đến năm 1994, túi khí ở bên hông được bổ sung nhằm cải thiện độ an toàn. Bốn năm sau, Volvo tiếp tục đưa ra một trang bị an toàn mới, loại rèm bơm hơi giống túi khí, được tích hợp vào khung nóc xe và có thể hấp thụ đáng kể năng lượng khi tác động vào phần đầu và ngang xe.
Mô phỏng cách hoạt động của túi khí trên nắp ca-pô. Ảnh: Volvo
Volvo còn là hãng đầu tiên ứng dụng trang bị túi khí ở nắp ca-pô với mục tiêu không chỉ người bên trong an toàn mà cả người đi đường. Năm 2011, mẫu Volvo V40 ra mắt và có trang bị này. Khi va chạm xảy ra, một luồng khí đẩy kích hoạt túi khí ở vị trí nắp ca-pô gần kính chắn gió, giúp người bị xe húc phải tăng cơ hội sống sót.
Bên cạnh Volvo, nhiều hãng xe sang khác cũng nghiên cứu các tính năng an toàn mới giúp việc lái xe an toàn hơn. Năm 2017, khi ra mắt chiếc saloon A8 cao cấp nhất của hãng, Audi giới thiệu công nghệ "nâng gầm" để bảo vệ người lái.
Hệ thống treo của A8 trang bị một môtơ điện 48 V, kết hợp ống xoay và thanh xoắn titan, có khả năng nâng, hạ độc lập từng bánh xe. Khi các cảm biến và camera phát hiện va chạm sắp xảy ra, chức năng này được kích hoạt có thể phản xạ tức thì, nâng gầm cao hơn để hạn chế người ngồi bên trong tiếp xúc trực tiếp với xung lực. Thay vào đó là các bộ phận cứng và độ bền cao như khung gầm, ngưỡng cửa. Nhờ đó, nguy cơ tổn thương cho người ngồi bên trong giảm bớt.
Mercedes là một ông lớn trên thị trường xe sang. Hãng tiên phong ứng dụng các công nghệ an toàn lên ôtô như phanh ABS, cân bằng điện tử ESP, hệ thống cảnh báo tiền va chạm kết hợp phanh khẩn cấp.
Năm 2020, hãng xe Đức lắp túi khí trước cho hành khách ngồi sau. Đây là lần đầu tiên một mẫu xe thương mại có tính năng này. Túi khí được giấu ở mặt sau của ghế tài xế và ghế phụ. Khi xảy ra va chạm, túi khí có hình chữ U được kích hoạt, bơm phồng để bảo vệ phần đầu người.
Camera quan sát thay cho gương chiếu hậu trên xe Lexus là một ví dụ khác cho thấy sự tiến hóa về công nghệ an toàn của ôtô. Năm 2018, hãng xe sang Nhật Bản giới thiệu công nghệ này trên chiếc ES bán nội địa.
Hệ thống hiển thị hình ảnh ban đêm khi sử dụng camera trên xe ES nội địa. Ảnh: Lexus
Hệ thống hiển thị hình ảnh bên ngoài xe thay gương chiếu hậu của Lexus hoạt động nhờ một camera giám sát gắn mỗi bên và truyền hình ảnh đến hai màn hình 5 inch ở chân cột A để người lái quan sát. Khi tài xế gạt xi-nhan chuyển hướng, camera sẽ phóng xa toàn cảnh giúp tầm nhìn rộng hơn. Nếu phát hiện có xe đi vào vùng điểm mù, camera chiếu hậu sẽ tự động điều chỉnh vào góc đó.
Khi lùi, hệ thống sẽ điều chỉnh camera cho góc nhìn rộng nhất. Hoặc khi lái xe ban đêm, camera cũng tự động điều chỉnh sáng hình ảnh, hoặc giảm sáng chống chói khi có đèn pha chiếu vào. Camera chiếu hậu đặt sâu vào trong hốc nhỏ, giúp chống nước mưa hoặc tuyết và có thể gập lại như gương chiếu hậu, tích hợp xi-nhan LED, tích hợp sưởi.
Trên một chiếc ôtô, khách hàng có thể tìm thấy hệ thống âm thanh vòm như rạp hát, màn hình hiển thị đa vùng cho từng người riêng biệt, ngăn lạnh chứa chai champagne hảo hạng hay một giảm xóc bóng hơi êm như lướt trên thảm bay. Nhưng tất cả những thứ đó sẽ trở thành vô nghĩa, nếu giá trị cốt lõi của xe không được đảm bảo.
Từ những ngày đầu tiên, và đến cuối cùng, ôtô vẫn là phương tiện di chuyển, chuyên chở con người, vì vậy giá trí cốt lõi của nó là giúp mỗi người đi tới nơi, về tới chốn, tận hưởng và an toàn. Nếu không an toàn, bạn chẳng có cơ hội mà thụ hưởng tiện nghi. Và Volvo, hay các hãng xe sang khác, đầu tư núi tiền vào công nghệ an toàn, để thể hiện rõ giá trị của một chiếc xe sang hiện đại.
Thành Nhạn