Tại thủ đô của Pháp, để giảm bớt việc sử dụng ôtô, đặc biệt là dòng xe gầm cao, là mức phí gấp đến 3 lần khi đỗ xe. Hành động này nhằm giải quyết tình trạng gia tăng chóng mặt của xe SUV trong vài năm gần đây.
Cụ thể, số lượng xe SUV tại Paris đã tăng 60% trong 4 năm qua. Hiện xe SUV chiếm 15% của 1,15 triệu xe cá nhân đỗ trên các con phố ở thành phố này mỗi đêm.
Anne Hidalgo, thị trưởng thành phố, coi việc kiềm chế xe SUV và các mẫu xe hạng nặng khác trong thành phố là "một dạng công lý xã hội", cũng như giúp đạt các mục tiêu chính về an toàn giao thông và khí thải.
Người đi xe đạp trên làn đường dành riêng dọc một tuyến phố ở quận 19, thủ đô Paris. Ảnh: Actu
Theo nữ thị trưởng, các tài xế giàu có của những chiếc xe nặng nề nhất, đắt đỏ nhất, và gây ô nhiễm trên phố là những người cần thức tỉnh và nhận ra lựa chọn của họ tác động ra sao đến phần còn lại của thành phố. Ngoài ra, giới chức Paris cũng nói rằng khoảng 10% xe đỗ ở Paris với mức phí tăng lên sẽ giúp mang lại gần 38 triệu USD, theo Le Monde.
Hidalgo còn có một quyết định khác là mở rộng các làn đường dành cho xe đạp bằng cách giảm không gian đỗ ôtô. Trong ít năm đại dịch, việc sử dụng xe đạp đã tăng 71% ở Paris.
Hidalgo cũng hy vọng các hãng xe nhận được thông điệp, rằng không có chỗ cho những chiếc SUV cồng kềnh, nặng nề, và gây ô nhiễm ở một thành phố như Paris.
Tuy nhiên, Paris không phải thành phố đầu tiên của Pháp phân biệt đối xử với xe SUV. Lyon - thành phố lớn thứ 3 của Pháp - đã tính phí đỗ xe cao hơn đối với dòng SUV, nhiều hơn 16 USD so với một ôtô thông thường.
Nhiều khu vực ở London, Anh, như Greenwich, Lambeth và cả khu trung tâm London, đều tính phí đỗ xe dựa trên khung thuế của xe, đảm bảo xe lớn hơn và nhiều khí thải hơn sẽ phải trả tiền nhiều hơn. Một số khu vực ở Montreal, Canada, áp dụng biện pháp tương tự.
Trong khi đó, tại Berlin, thủ đô nước Đức, thì xe đạp lại đang thua, khi chính quyền thành phố không hề ngược đãi các mẫu xe cỡ lớn. "Chúng tôi không có ý định tăng phí đỗ xe với xe SUV. Nói chung, chúng tôi không có kế hoạch áp đặt luật mới lên chủ nhân của những chiếc xe này", theo Kai Wegner, thị trưởng Berlin.
Một người đi xe đạp đứng trước cổng thành Brandenburg, biểu tượng của thành phố Berlin. Ảnh: Pexels
Động thái này không gây ngạc nhiên. Trong quá trình tranh cử, một trong các slogan của Wegner là "Berlin cho mọi người, gồm cả các tài xế ôtô", hay một poster khác trong chiến dịch tranh cử của ông từng viết "Berlin, đừng để ôtô bị cấm". Và ngay khi chiến thắng, Wegner nhanh chóng bỏ đi mọi dự án phương tiện xanh từng do người tiền nhiệm lập ra.
Tuy nhiên, ngay tại nước Đức, những thành phố khác như Hanover và Tubinger lại đang lên kế hoạch xây dựng thêm nữa hạ tầng cho xe đạp. Hanover có thể coi là một trong những thành phố thân thiện với xe đạp nhất thế giới, với hệ thống đường chạy xe rộng khắp cũng như những ngày không cho phép ôtô lưu thông.
Mỹ Anh (theo Electrek)