Được biết, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 4861 và Công văn số 8750 yêu cầu các Bộ, Ban, Ngành khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, cùng với việc tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá. Ngay sau đó, ngày 11.11, tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới nhằm bàn thảo các vấn đề liên quan đã được tổ chức tại Hà Nội.
Ông Lê Thành Hưng phát biểu tại tọa đàm |
Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang bị bày bán tràn lan ở nhiều kênh khác nhau, từ các cửa hàng đến các website thương mại điện tử, các mạng xã hội thông qua con đường nhập lậu và kinh doanh bất hợp pháp với tần suất và số lượng thu giữ từ các cơ quan quản lý thị trường ngày càng tăng. Mặc dù vậy, đến nay, nước ta vẫn chưa chính thức có bộ tiêu chuẩn quốc gia giúp hỗ trợ cho việc quản lý của các cơ quan ban ngành. Thậm chí, “nhiều người còn nhầm lẫn, chưa phân biệt thế nào là sản phẩm thuốc lá làm nóng, thế nào là thuốc lá điện tử”, theo ông Lê Thành Hưng - Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.
Tuy nhiên, đã có rất nhiều nghiên cứu từ các tổ chức y tế công cộng thế giới, bao gồm Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration, viết tắt là FDA), về 2 loại sản phẩm này cũng như đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp dựa trên nguyện vọng người hút thuốc lá trưởng thành và sức khỏe cộng đồng nói chung. Quá trình nghiên cứu khách quan từ các tổ chức y tế công cộng chắc chắn là sở cứ khoa học cho các nước, trong đó có Việt Nam tham khảo.
Theo đó vào tháng 7.2017, FDA đã công bố một kế hoạch mang tính đột phá về việc kiểm soát thuốc lá và nicotin. Với kế hoạch này, FDA đã đưa ra hướng tiếp cận “giảm thiểu tác hại” trong công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá. Tính đến nay, FDA đã cho phép kinh doanh tại thị trường Mỹ một vài dòng sản phẩm snus (loại thuốc lá ngậm, không khói ra đời từ Thụy Điển).
Gần đây nhất, FDA cũng đã cho phép loại thuốc lá làm nóng đầu tiên và duy nhất được phép công bố thông tin Sản phẩm Thuốc lá Điều chỉnh Nguy cơ, Giảm thiểu phơi nhiễm (Modified-risk tobacco product, viết tắt là MRTP). MRTP bao gồm quy trình xét duyệt 6 bước của FDA, và được sự đồng ý của 12 thành viên trong Ủy ban Cố vấn Khoa học về Sản phẩm Thuốc lá (TPSAC).
Thông báo của FDA về việc cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng được kinh doanh như là sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ, giảm thiểu phơi nhiễm Website FDA |
Ngoài FDA, các tổ chức y tế công cộng ở các nước khác cũng có nghiên cứu về vấn đề này. Tại tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới, ông Lê Thành Hưng cũng dẫn chứng nghiên cứu 2017 của Viện Nghiên cứu Liên bang Đức về Đánh giá rủi ro (Federal Institute for Risk Assessment - BfR), sau đó được công bố trên tạp chí Độc học tháng 4.2018. Nhóm nghiên cứu phân tích các thành phần nicotin, nước, aldehyd và các hợp chất hữu cơ bay hơi khác có trong thuốc lá làm nóng và thuốc lá điếu. Kết quả cho thấy nồng độ nicotin là tương đương giữa hai sản phẩm, có sự giảm đáng kể hàm lượng aldehyd (80-95%) và hợp chất hữu cơ bay hơi (97-99%) của thuốc lá làm nóng so với thuốc lá truyền thống.
Tương tự, cơ quan Y tế ộng đồng Anh (Public Health England) cũng đánh giá các sản phẩm thuốc lá điện tử là ít độc hại cho sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy. Ngoài ra đã có nhiều nghiên cứu chứng minh thành phần các chất độc hại trong sol khí của thuốc lá điện tử ít hơn 95% so với khói của thuốc lá điếu đốt cháy.
Mặc dù vậy, cho đến nay, việc quản lý thuốc lá thế hệ mới vẫn còn đang là vấn đề gây tranh luận. Quan điểm của những cơ quan y tế công cộng uy tín như FDA Mỹ, hay Viện Y tế cộng đồng Anh được nhiều nước ủng hộ, trong khi một số nước như Việt Nam vẫn đang xem xét cẩn trọng vấn đề này.