Chuyên mục  


Những người đứng đầu của hai hãng Đức lên tiếng cảnh báo hôm 8/5, phản đối việc áp thuế nhập khẩu của châu Âu với xe điện từ các hãng Trung Quốc, với lý do việc áp thuế có thể lật ngược Thỏa thuận Xanh và gây thiệt hại đối với những hãng xe nhập khẩu ôtô sản xuất ở Trung Quốc.

Ủy ban châu Âu (EC) từng điều tra chống trợ cấp đối với xe điện từ Trung Quốc cuối năm 2023. "Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ôtô điện giá rẻ của Trung Quốc. Giá của chúng thấp nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ từ nhà nước", Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, đánh giá. Theo bà, điều này đang "bóp méo" thị trường của châu Âu.

Nhưng động thái vấp phải sự phản đối không chỉ từ Trung Quốc. Tháng 9/2023, Bộ trưởng Giao thông Đức, Volker Wissing, cho rằng các hãng xe cần tập trung vào sản xuất xe điện mang tính cạnh tranh thay vì lập hàng rào với xe Trung Quốc, thêm rằng những chính sách cô lập như vậy có thể gây ra chuỗi phản ứng khiến nền kinh tế Đức chịu thiệt hại.

CEO của BMW, Oilver Zipser giới thiệu mẫu Vision Neue Klasse tại triển lãm ôtô Bắc Kinh 2024. Ảnh: BMW

Lúc này, những nhân vật cao nhất của BMW và Mercedes đều chia sẻ cùng quan điểm. "Bạn có thể rất nhanh tự bắn vào chính chân mình", CEO của BMW, Oliver Zipser, nói với báo chí sau khi hãng Đức công bố kết quả kinh doanh theo quý.

BMW nhập khẩu các mẫu xe điện là Mini EV và iX3 từ Trung Quốc về bán ở châu Âu.

Cũng giống hai đối thủ đồng hương là Volkswagen và Mercedes, BMW trông cậy rất nhiều vào thu nhập từ việc kinh doanh ở Trung Quốc. Quốc gia Đông Á là thị trường lớn thứ hai của hãng sau châu Âu, chiếm gần 32% doanh số trong quý I.

"Chúng tôi không nghĩ rằng ngành công nghiệp của chúng ta cần sự bảo vệ", Zipser phát biểu hôm 8/5, thêm rằng việc hoạt động trong cơ sở toàn cầu mang lại cho các hãng xe lớn một lợi thế. "Bạn có thể dễ dàng gây nguy hại tới lợi thế này bằng việc đưa ra thuế nhập khẩu", ông nói.

Volkswagen - hãng xe lớn nhất châu Âu và hoạt động rất tích cực ở Trung Quốc - cũng cảnh báo rằng các mức thuế tiềm năng về cơ bản ẩn chứa một số nguy cơ.

"Luôn có một dạng trả đũa", Thomas Shaefer, CEO của Volkswagen, nói.

Cuộc điều tra của EC dự kiến có kết luận vào tháng 11, nhưng Liên minh châu Âu (EU) có thể đưa ra các mức thuế tạm thời trong tháng 7 tới. Brussels có thể công bố bản tóm tắt về biểu thuế này vào 5/6 trước khi áp dụng từ 4/7.

Cùng ngày 8/5, bà Von de Leyen nói tại Berlin (Đức) rằng châu Âu cần thực hiện các bước nhằm ngăn ngừa Trung Quốc ồ ạt đưa xe điện được trợ giá vào thị trường.

Xe điện BYD và tàu chuyên chở ôtô cũng của BYD tại cảng Bremerhaven, Đức. Ảnh: dpa

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Von der Leyen đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình đảm bảo cân bằng thương mại hơn nữa với châu Âu, tại cuộc hội đàm ba bên diễn ra hôm 6/5 tại Paris (Pháp).

Trong khi đó, vị CEO của BMW nói rằng hãng Đức và các hãng xe khác có "sự phụ thuộc song phương không chỉ về thành phẩm cuối cùng, mà còn về mặt linh kiện và vật liệu thô".

Việc áp thuế với xe điện Trung Quốc có thể mang đến kết quả ngược với mong đợi khi các tiêu chuẩn khí thải mới của châu Âu sẽ áp dụng từ 2025. Trong khi đó, các tiêu chuẩn mới được áp dụng có nghĩa sẽ cần đến nhiều xe điện hơn - dòng xe vẫn dựa chủ yếu vào nguồn pin Trung Quốc.

"Sẽ không có chiếc xe nào ở EU không dùng linh kiện từ Trung Quốc", Zipse nói.

Vị CEO cũng nói rằng việc áp thuế có thể phá hủy kế hoạch công nghiệp của EU vốn có mục tiêu đảm bảo khối này đi trước trong việc cắt giảm khí thải carbon và phát triển công nghệ tương ứng.

"Sẽ không có Thỏa thuận Xanh ở châu Âu mà thiếu nguồn từ Trung Quốc", Zipse nói.

Mỹ Anh (theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020