Chuyên mục  


Chiều 7/3, TP Hà Nội công bố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Gia Lâm. Đây là ổ dịch thứ 4, sau quận Long Biên, huyện Đông Anh và quận Hoàng Mai. Ổ dịch mới nhất của Hà Nội được phát hiện tại chuồng nuôi của gia đình ông Đỗ Văn Bạc (thôn Bình Trù, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm) với tổng số 29 con. Trong đó có 2 con lợn rừng, 2 con lợn nái và 25 con lợn con mới đẻ.

Chốt kiểm dịch được lập tại địa bàn phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Tất Định.

Một ngày trước đó, Trạm thú y quận Hoàng Mai đã tổ chức tiêu hủy 46 con lợn mắc dịch tả châu Phi của gia đình ông Nguyễn Văn Chung (ngõ 95 phố Thúy Lĩnh). Thời điểm kiểm tra, tổng đàn lợn 46 con của gia đình ông Chung có 3 con đã chết, số còn lại đều dương tính với virus tả lợn châu Phi.

Bà Trần Thanh Nga, Phó chủ tịch phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho biết, sau khi phát hiện ở dịch trên địa bàn, lãnh đạo phường và Trạm thú y đã tổ chức họp khẩn với toàn bộ hộ dân chăn nuôi lợn. "Chúng tôi khuyến cáo bà con không tiếp tục sử dụng nước vo gạo, thức ăn dư thừa thu gom để nuôi lợn. Hộ có lợn phải tiêu hủy sẽ nhận được hỗ trợ trong 5 ngày", bà Nga nói.

Cơ quan chức năng mang lợn bệnh nhà ông Nguyễn Văn Chung, phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai đi tiêu huỷ. Ảnh: NK.

Tại huyện Đông Anh, ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại hộ bà Trương Thị Vân, xã Thụy Lâm ngày 5/3. Tổng đàn 10 con lợn đã bị tiêu hủy bằng biện pháp chôn. Huyện Đông Anh đã lập 3 chốt chặn ở xã Thuỵ Lâm, 4 chốt tại các cửa ngõ giao thông ra vào huyện.

Ổ dịch đầu tiên ở Hà Nội tại phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên với 25 con được phát hiện ngày 24/2. Đến nay ổ dịch đã qua 9 ngày không có phát sinh trường hợp mắc mới, chính quyền địa phương vẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Tất cả lợn bệnh được tiêu huỷ bằng phương pháp chôn. Ảnh: NK.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng thú y Hà Nội nhận định, nguyên nhân lây lan dịch bệnh ở quận Long Biên và Hoàng Mai là người dân sử dụng thức ăn dư thừa lấy từ các nhà hàng, hộ dân để nuôi lợn.

Để ngăn chặn dịch, ngành thú y đề nghị các cá nhân, tổ chức chăn nuôi lợn cần thực hiện nguyên tắc 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt (nấu chín).

Dự kiến đầu tuần tới, ngành Thú y Hà Nội sẽ thành lập các tổ kiểm dịch lưu động đi khắp ngõ ngách để kiểm tra, phát hiện dịch bệnh.

TP Hà Nội có tổng số lợn đứng thứ hai cả nước với gần 2 triệu con (sau Đồng Nai). Trong đó có trên 280 công ty, xí nghiệp, hợp tác xã, trung tâm, doanh nghiệp chăn nuôi lợn.

Thành phố có gần 1.000 cơ sở giết mổ (trong đó 7 cơ sở công nghiệp, 44 bán công nghiệp), hàng ngày giết mổ gần 4.000 con lợn. Riêng cơ sở Vạn Phúc hàng ngày giết mổ 1.700-2.000 con lợn, khoảng 60% nhập từ các tỉnh thành khác.

10 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi 

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

Tại Việt Nam ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến cuối ngày 7/3, dịch lan ra 10 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình và Thái Nguyên.

Tất Định - Võ Hải

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020