Chuyên mục  


Chia sẻ của bà Nguyễn Nhật, 63 tuổi, sống tại thành phố Thái Bình, về việc xây nhà to mà không sử dụng hết công suất:

Mấy dịp lễ Tết, hai đứa con lớn từ Hà Nội dẫn theo gia đình nhỏ về thăm bố mẹ, ngôi nhà hai tầng với hai phòng ngủ của gia đình tôi trở nên chật chội. Nhìn đám cháu nằm úp thìa trên thảm phòng khách, vợ chồng tôi cũng nhiều lần ao ước có căn nhà mới rộng rãi, khang trang.

Vì thế, khi con gái út lên kế hoạch lấy chồng năm 2015, một phần muốn có hình ảnh đẹp trước gia đình thông gia, một phần cũng muốn có nhà cửa rộng rãi sau này đón con cháu về chơi, vợ chồng tôi bỏ ra 80% số tiền tiết kiệm của mình, cộng với các con hỗ trợ thêm, xây một ngôi nhà lớn trên mảnh đất cũ 200 m2. Diện tích xây khoảng 100 m2, còn lại là sân vườn.

Chúng tôi xây nhà khá cẩn thận. Con cả còn đặt mua cho bố mẹ một số đồ nội thất từ Hà Nội chuyển về, thậm chí một số món còn được gửi về từ nước ngoài. Sau nửa năm xây dựng và tốn hơn ba tỷ đồng, ngôi nhà hai tầng, một tum, bốn phòng ngủ, năm toilet, một phòng khách, một nhà bếp, một phòng ăn, một phòng thờ đã hoàn thành. So với mức giá xây dựng trung bình lúc đó thì nhà của chúng tôi tốn kém hơn, chủ yếu đầu tư vào nội thất cao cấp và thêm tiểu cảnh trang trí sân vườn. Cả nhà đều rất thích.

Tôi cũng phải kể thêm là vợ chồng tôi đều có lương hưu, cậu con cả làm cho công ty nước ngoài nên thu nhập tốt, hàng tháng vẫn biếu thêm bố mẹ. Hai cô con gái, một đứa làm ở ngân hàng, một đứa làm trong cơ quan nhà nước, thu nhập ổn định. Khi bố mẹ muốn xây nhà to, các con đều khuyến khích.

Tuy nhiên, niềm vui có nhà to của hai vợ chồng già không kéo dài được lâu, vì bọn trẻ bận công việc nên ít về. Nhà bố mẹ vừa mới xây xong, cậu con cả đã mang gia đình nhỏ chuyển ra Australia làm việc.

Các con gái sau nhiều lần bố mẹ ốm vặt đều động viên chúng tôi lên Hà Nội ở cùng, vừa để trông cháu giúp con, vừa để các con tiện chăm sóc bố mẹ. Đi bệnh viện ở Hà Nội đương nhiên yên tâm hơn ở quê.

Năm ngoái, con gái thứ đã mua một căn hộ 2 tỷ, nằm ở tầng dưới căn hộ nhà con đang ở. Cháu bảo để dành cho con trai mình sau này nhưng trước mắt là để vợ chồng tôi ở. Vì muốn ở gần con cháu nên vợ chồng tôi đã chuyển lên Hà Nội. Nhà dưới quê đành để không, thỉnh thoảng vợ chồng tôi về ngó qua nhà.

Cả tháng không có hơi người ở nên dù mới xây, nhà vẫn có cảm giác hoang, mốc. Nhà rộng nên việc thu dọn mỗi lần thường mất vài ba ngày. Thu dọn xong, chúng tôi lại khóa cửa ra đi. Chưa kể, con gái tôi phải vay ngân hàng để có tiền mua căn hộ này. Tôi cũng muốn giúp con trả hết nợ nhưng tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi chỉ còn vài trăm triệu vì đã đổ hết vào việc xây nhà ở quê. Vợ chồng tôi từng lên kế hoạch bán nhà to, để mua một ngôi nhà nhỏ hơn, vừa có tiền giúp đỡ con, vừa đỡ phải thu dọn mỗi khi đi xa về. Có điều nhà xây to, trong ngõ nhỏ, không tiện kinh doanh buôn bán, giá trị nhà cao nhưng giá trị đất thấp nên rất kén khách. Sau hơn một năm chúng tôi ngỏ ý bán nhà nhưng vẫn chưa thành công.

Các con đều bảo chúng tôi không phải nghĩ ngợi về tài chính, cứ để nhà to mà ở, các con vẫn còn trẻ khỏe, vẫn còn làm việc được. Thế nhưng, tôi thỉnh thoảng cứ nghĩ nếu biết xây nhà to rồi gia đình chẳng mấy khi ở thì có lẽ vợ chồng tôi cũng không xây làm gì.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền gặp khá nhiều gia chủ ở tỉnh lẻ xây nhà tốn kém. Ảnh: Cát Mộc

Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, giám đốc một công ty tư vấn và thiết kế kiến trúc tại TP HCM cho biết anh đã gặp rất nhiều gia chủ có điều kiện kinh tế ở các tỉnh lẻ như Đắk Lắk, Phú Yên... xây nhà to. Tuy nhiên, con cái họ sau khi lên thành phố học, ở lại thành phố làm việc đã đón bố mẹ lên để tiện chăm sóc, họ lại loay hoay bán ngôi nhà dưới quê. Có điều, ở quê, một ngôi nhà to thường khá kén khách nên việc mua bán thường khó hơn nhưng những ngôi nhà bình dị giống như số đông xung quanh.

Một người quen của chính KTS Truyền cũng bỏ ra số tiền lớn để xây nhà ở Buôn Ma Thuột, bây giờ cũng đang tìm cách bán nhà do muốn theo con về TP HCM sống mà chưa bán được, vì nhà to, đắt tiền.

Hoàng Anh (ghi)

* Tên nhân vật đã thay đổi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020