Chuyên mục  


Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội được thành lập năm 2015 bởi thầy giáo và các bạn sinh viên K58 Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với phương châm "Chúng tôi đối xử với động vật như gia đình của mình", các thế hệ sinh viên khoa Thú y bằng tình yêu thương động vật và tinh thần ham học hỏi đã tiếp nhận, chăm sóc và tìm chủ mới cho hơn 2.000 chú chó, mèo.

Nằm sâu trong ngõ nhỏ gần đường Ngô Xuân Quảng (Gia Lâm, Hà Nội), Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội là dãy nhà cấp 4 được các bạn sinh viên thuê và cải tạo lại.

Từ phòng khám ngoại khoa, nội khoa cho đến khu vực truyền nhiễm tại đây được phân bổ rõ ràng. Các phòng đều có thiết bị y tế cơ bản phục vụ việc khám chữa trị, chăm sóc chó, mèo.

Hiện tại, trạm đang là mái nhà của gần 20 chú chó, mèo. Mỗi chú chó, chú mèo đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Chú thì bị bỏ rơi, bệnh tật hoặc chủ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng,... Dù ở điều kiện nào, trạm đều tiếp nhận và gắng sức để giúp đỡ những "người bạn bốn chân" này.

Có những lần, trạm tham gia cứu hộ thành công cho chó, mèo vào lúc 1-2h sáng. Tuy vất vả, nhưng bằng tình yêu thương động vật, các thành viên của trạm luôn cố gắng và giữ nhiệt huyết suốt 7 năm qua.

Đối với những ca cứu trợ cần chuyên môn cao trong khi điều kiện của trạm không cho phép, trạm sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của các phòng khám thú y.

Đều đặn mỗi ngày, 20 sinh viên thay phiên nhau đến trực tại trạm 24/24h chia làm 3 ca làm việc mỗi ca từ 2-3 sinh viên phụ trách.

Sáng và chiều, các bạn chủ yếu chăm sóc các chú chó, mèo và dọn dẹp vệ sinh. Ca tối trực và nhận điện thoại trong trường hợp cứu trợ, hoặc quan sát các thú cưng bị bệnh đặc biệt và nguy hiểm.

Mỗi chú chó, mèo cứu hộ về đều được khám sức khỏe tổng quát, từ đo nhiệt độ, khám các bệnh da liễu đến kiểm tra bệnh truyền nhiễm,... Các bạn sinh viên sau đó sẽ có phương pháp điều trị tùy theo tình hình sức khỏe riêng của mỗi thú cưng.

Tình hình sức khỏe của mỗi chú chó, mèo đều được các bạn tình nguyện viên cập nhật và theo dõi cẩn thận mỗi ngày.

Đối với những trường hợp thú cưng bị chấn thương nặng về tâm lý, không tin tưởng hoặc sợ hãi đối với con người, các bạn trẻ cần thời gian dài để xây dựng lại lòng tin từ những việc đơn giản hàng ngày như: Cho ăn, nói chuyện với các bạn chó, mèo để các bé vui vẻ, tạo không gian riêng tư, tự do, thoải mái...

Chú chó giống Poodle này được các bạn sinh viên đặt tên là Nấm vì toàn thân chú đều bị nấm vảy gàu. Nấm nhập trạm trong tình trạng bệnh nặng, bị đục giác mạc và rơi vào trạng thái trầm cảm. Sau hai tháng điều trị, Nấm đã đỡ bệnh và trở nên hoạt bát hơn.

Sau khi chăm sóc đến lúc sức khỏe ổn định, trạm sẽ đăng tin tìm chủ mới cho các bé. Những ai có nhu cầu nhận nuôi sẽ được phỏng vấn. Nếu họ đủ tình yêu, trách nhiệm và điều kiện chăm sóc chó, mèo, trạm sẽ đồng ý cho nhận nuôi và hàng tháng sẽ kiểm tra tình hình của những bạn được cho đi.

Đỗ Minh Phượng (sinh viên năm nhất khoa Thú y) chia sẻ: "Được sự giới thiệu của thầy cô, tôi đã đăng ký tham gia trạm cứu hộ, đến nay đã được hơn hai tháng. Trạm cứu hộ Nông nghiệp Hà Nội là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu thương động vật, đồng thời là nơi để tôi và các bạn sinh viên áp dụng kiến thức được học vào thực tế, có thêm nhiều bài học, kinh nghiệm từ các anh chị đi trước truyền lại".

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020