1. Học nhận lỗi: Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều cố gắng mọi cách đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thực ra không biết nhận lỗi mới chính là một lỗi lầm lớn.
2. Học lãnh trách nhiệm để trưởng thành: Tuổi trẻ trôi đi, gương mặt bạn sẽ có thêm những nếp nhăn. Nhưng hãy để cuộc sống của bạn là một chuyến du hành của sự trưởng thành, để mọi chuyện tự nhiên và bạn như đang khám phá chúng lần đầu. Đồng thời với sự trưởng thành là việc bạn phải học cách lớn lên, lãnh trách nhiệm với tất cả những chuyện đang xảy ra xung quanh mình, về hành vi và ý thức của mình. Học cách lãnh trách nhiệm cũng là một biểu hiện của sự trưởng thành.
2. Học nhu hòa: Răng của con người rất cứng, nhưng lưỡi người lại rất mềm mại. Đi hết cuộc đời răng gần như bị rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Vì vậy bạn cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì mới có thể tồn tại được lâu dài trong cuộc sống. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
3. Học nhẫn nhục: Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
Không chỉ giới trẻ, mà ngày nay có nhiều người già thích đi học. Ảnh minh họa.
4. Học thấu hiểu: Vì bạn không thể nhìn thấy những nỗi đau, bất hạnh, tuyệt vọng của người khác đang trải qua, bạn cũng không thể tường tận về cuộc sống của người khác, vì bạn là người bình thường, không phải là người siêu phàm nên bạn không thể thấu hiểu cho người đó. Vì thiếu thấu hiểu nhau nên hay nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm.
Vì vậy mọi người nên học cách để thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu không thông cảm giúp đỡ lẫn nhau thì làm sao có thể hòa bình được? Vậy nên, thay vì chỉ trích và phán xét, hãy học cách thấu hiểu và cảm thông để cuộc sống giữa con người với con người có thể trở nên nhẹ nhàng hơn.
5. Học buông bỏ: Cuộc sống không thể đáp ứng bất cứ điều gì ta mong muốn, bởi con người muốn và mong cầu quá nhiều. Khi được đáp ứng thì vui vẻ hạnh phúc, không được thì phiền não, ủ dột, sầu bi... Con người vốn bé nhỏ, khi chết sẽ ra đi hai tay không, vậy sao phải mong cầu, được mất quá nhiều?
Nếu cả cuộc đời chỉ biết ăn uống, hưởng thụ không thôi thì thật vô nghĩa, bởi thế giới quanh ta đầy những phép màu kỳ diệu cần khám phá, học tập. Để không bị phụ thuộc vào những được - mất những vật chất đang biến đổi ngoài xã hội, bạn hãy học cách buông bỏ để giữ cho nội tâm an yên, thong dong thì tự nhiên thấy bình an và hạnh phúc. Hãy coi cuộc đời như chiếc vali, lúc cần thì xách lên và đi, khi không cần dùng nữa thì đặt nó xuống.
Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới an nhiên tự tại được. Vậy nên bạn hãy học để hiểu chính mình, hiểu con người, hiểu cuộc đời và hiểu được ý nghĩa nhân sinh của kiếp làm người này.
6. Học cảm động: Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động theo đạo Phật là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề. Từ khi làm tư vấn Chuyên gia có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói của học viên làm cảm động, cho nên Chuyên gia cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động để tự giúp mình, giúp người.
Nhiều cụ sử dụng đồ công nghệ để học tốt hơn.
7. Học sinh tồn: Để sinh tồn trong cuộc sống này, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh. Khi thân thể khỏe mạnh rất lợi lạc cho bản thân, còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm... Đó cũng là hành vi hiếu đễ với cha mẹ và những người thân của bạn.
8. Học cho đi: Sống trong đời nếu chỉ sống cho mình thì sẽ trở nên cô đơn và lạc lõng. Với con người thì cô đơn là nỗi sợ hãi lớn nhất của chính mình. Đã có những người cả đời tranh đấu, theo đuổi hoài bão, danh vọng cho mình, nhưng cuối cùng chỉ còn họ đứng đó, trống rỗng và hư không.
Vậy nên, sống trên đời cần phải học cách cho đi, nhưng không phải vì cầu mong có được mà cho đi, mà cho đi bởi tự nội tâm hiểu rằng niềm hạnh phúc chân chính của con người thật sự là cảm giác thấy người khác hạnh phúc.
Học và tập thể dục hàng ngày được nhiều cụ ứng dụng tốt. Ảnh minh họa.
9. Học yêu thương: Tình yêu có thể kéo dài, đó là sự thật như bản tình ca bất hủ của Romeo và Juliet. Nhưng tâm hồn con người lại giống như mảnh đất, nếu chẳng được chăm sóc và vun bồi, nó sẽ ngày càng cằn cỗi và thiếu sức sống.
Vậy nên yêu thương cũng phải học cả đời này để được trao và nhận yêu thương nhiều hơn, bao dung và mở rộng trái tim mình hơn nữa.
10. Học mạnh mẽ: Cuộc sống rất khắc nghiệt, đó là sự thật phải chấp nhận và không ai buộc phải giúp đỡ khi bạn cần - bởi đó là hành động tự nguyện. Vì vậy khi có khó khăn thì đừng đợi chờ sự giúp đỡ từ người khác, hãy tự lập và mạnh mẽ đi trên con đường do chính bạn chọn.
Cuộc đời này càng học thì tâm hồn càng rộng mở, phong phú, sống động hơn để giúp bạn cảm nhận được nhiều niềm vui, cải thiện được nhiều mặt cuộc sống trong tương lai để hạnh phúc, an bình hơn. Học và ghi nhớ là một chuyện, nhưng ứng dụng mỗi ngày cũng rất quan trọng. Học giúp bạn tin tưởng có thể thay đổi bản thân mỗi ngày, làm những điều vượt ngoài khả năng của bạn... sẽ đem đến cho bạn và mọi người xung quanh một cảm giác tích cực, thú vị và hạnh phúc khi thực hành hàng ngày.
Vera Xuân Hường
Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng - Chuyên gia tư vấn Hôn nhân Gia đình