Mô phỏng rác vũ trụ trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: Đại học MIami
Hôm 15/11, Nga phá hủy một trong những vệ tinh đã ngừng sử dụng trên quỹ đạo, tạo ra hơn 1.500 mảnh rác vũ trụ bay ở tốc độ siêu thanh, trở thành mối đe dọa lớn đối với các nhà khoa học và phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Sau đó, NASA thông báo về sự cố, xác nhận tất cả thành viên phi hành đoàn đều an toàn. Với khoảng 7.500 vệ tinh trên quỹ đạo tính đến tháng 9/2021, gần 1.500 vệ tinh đã phóng trong năm nay, những sự cố tương tự có thể lặp lại.
Rất khó hình dung những mảnh vỡ siêu nhỏ của vệ tinh trên quỹ đạo có thể trở thành mối nguy hiểm lớn đối với trạm vũ trụ đồ sộ. Nếu tất cả vật thể gây lo ngại di chuyển ở tốc độ tương đối giống nhau để duy trì quỹ đạo, mảnh vỡ vệ tinh có thể đạt tốc độ đủ lớn để làm thủng thành trạm ISS như thế nào? Phần lớn vệ tinh sử dụng động cơ đẩy điện hiện đại trang bị Máy đẩy hiệu ứng Hall, sử dụng bình nhiên liệu đẩy áp suất cao. Khi bị đâm bởi vật thể tốc độ cao như tên lửa Nga, chúng phát nổ, bắn ra hàng nghìn mảnh vỡ theo mọi hướng.
Những vệ tinh sử dụng Máy đẩy hiệu ứng Hall, hệ thống lực đẩy điện được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, rất rủi ro bởi chúng dùng bình nhiên liệu đẩy áp suất cao. Nếu bình bị vỡ, vô số mảnh rác nguy hiểm sẽ rải rác khắp mặt phẳng quỹ đạo, theo giám đốc điều hành Peter Kant của Accion Systems. Mọi thử nghiệm bắn vệ tinh đều có khả năng tạo ra mảnh rác vũ trụ bởi nó sẽ làm nổ tung bất kỳ mục tiêu nào trang bị nhiên liệu đẩy áp suất cao.
Mảnh rác có thể va chạm với tàu vũ trụ khác, tạo ra ngày càng nhiều mẩu vụn hơn theo phản ứng dây chuyền mang tên Hội chứng Kessler. Trong sự cố mới nhất, trạm ISS không bị thiệt hại lớn do thử nghiệm phá vệ tinh của Nga. Nhưng mối đe dọa trở nên trầm trọng do số lượng vệ tinh khổng lồ chứa đầy nhiên liệu. "Hãy tưởng tượng 3.700 quả bom bay trong không gian và tăng lên 7.000 vào năm sau", Kant nói.
Giới chuyên gia vẫn đang tìm hiểu mảnh vỡ vệ tinh bay nhanh di chuyển như thế nào trong không gian. Giáo sư Andrew Higgens khoa Kỹ thuật cơ khí ở Đại học McGill từng công bố nghiên cứu vào năm 2017 mô tả chi tiết về những mảnh vỡ siêu thanh bay nhanh hơn 36.000 km/h. Các thử nghiệm bắn phá vệ tinh mới có thể gây tai họa toàn cầu, thúc đẩy ngừng sử dụng trạm ISS sớm hơn thời hạn và thay đổi quỹ đạo thấp của Trái Đất.
An Khang (Theo Interesting Engineering)