Đặc biệt, đây có thể là bước ngoặt trong mục tiêu chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
Ngược dòng để trở thành “thương hiệu smartphone quốc dân”
Trong khi phân khúc tầm trung đang là “xương sống” của tất cả các hãng smartphone, phân khúc cận cao cấp và cao cấp cũng sôi sục với cuộc cạnh tranh sống còn thì phân khúc phổ thông dưới 1 triệu đồng lại đang bị các hãng ngó lơ. Trên thị trường, dòng điện thoại này lác đác có mặt tại một vài cửa hàng và đều là sản phẩm của những hãng xa lạ, ít tên tuổi đến từ Trung Quốc.
Vì thế, sự xuất hiện của Vsmart Bee Lite được ví như ngọn lửa mồi lửa ấm. Sản phẩm được VinSmart và Viettel đồng trợ giá, phân phối đầu tiên qua Viettel Telecom với mức giá khó tin: chỉ 600.000 đồng. Nhưng nếu nhìn cấu hình của Vsmart Bee Lite, sẽ còn khó tin hơn nữa khi mẫu điện thoại thông minh này được trang bị chip Qualcomm Snapdragon 215, RAM 1GB, ROM 16GB, pin 2550mAh, hệ điều hành Android Go đảm bảo khả năng vận hành mượt mà, tốc độ. Vsmart Bee Lite trở thành mẫu smartphone 4G chính hãng có giá tốt nhất thị trường.
“Với những người dùng lần đầu tiếp cận smartphone, Vsmart Bee Lite là lựa chọn tối ưu”, chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông Phạm Nam Linh đánh giá.
Theo các chuyên gia, smartphone là sản phẩm công nghệ cao, đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ để xây dựng nhà máy, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thiết lập quy trình sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối… Đó là lí do, mặc dù tệp khách hàng của phân khúc điện thoại thông minh dưới 1 triệu đồng tại Việt Nam rất lớn, nhưng các hãng lớn lại không mấy mặn mà do biên độ lợi nhuận thấp, thậm chí càng làm càng lỗ. Chính vì vậy, các chuyên gia trong ngành đều có chung quan điểm, VinSmart ra mắt dòng smartphone 600.000 đồng là hoàn toàn đi ngược lại với xu thế chung của thị trường – một bước đi thực sự dũng cảm!
Đến thời điểm hiện tại, các dòng smartphone của VinSmart đã phủ kín các phân khúc, từ phổ thông, trung cấp - khốc liệt như chảo lửa, đến cận cao cấp và cao cấp - “cứ địa” của những “gã khổng lồ” thế giới và nay lại nhận lãnh sứ mệnh phổ cập điện thoại thông minh tại Việt Nam.
“Nhìn lại hành trình thần tốc chiếm lĩnh vị trí top 3 thị phần của VinSmart cùng những bước đi bài bản của hãng này, tôi tin rằng nếu không phải VinSmart, sẽ không có nhà sản xuất trong nước nào có đủ tiềm lực làm được việc này”, ông Linh nhận định.
Ngọn cờ đầu trong “cuộc cách mạng” xây dựng quốc gia số
“Việc” mà ông Phạm Nam Linh nói ở đây không chỉ là năng lực sản xuất mẫu điện thoại thông minh 4G giá thấp nhất thị trường, mà còn biến sản phẩm này trở thành vũ khí chiến lược góp phần đưa chương trình chuyển đổi số quốc gia tới thành công.
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh tại Việt Nam. Song song với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang lên kế hoạch tắt sóng 2G từ ngày 01/01/2022.
Đây là những mục tiêu không dễ dàng bởi theo thống kê, đến hết 6/2020, trong số 126,95 triệu thuê bao di động của cả nước, số thuê bao băng rộng di động (3G, 4G) chỉ chiếm 51,46%, còn lại là 2G - loại thuê bao gắn liền với những chiếc điện thoại “cục gạch”, chỉ có chức năng nghe-gọi và nhắn tin.
Theo các chuyên gia, một rào cản lớn trong lộ trình phổ cập điện thoại thông minh và chuyển đối số tại Việt Nam hiện nay là giá thiết bị.
“Nếu chúng ta làm được việc mỗi người dân Việt Nam đều sở hữu một chiếc smartphone để truy cập Internet với giá rẻ, thì đó là một cuộc cách mạng”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu.
Trong “cuộc cách mạng” xây dựng Việt Nam thành một quốc gia số, những chiếc smartphone kết nối Internet chính là tiền đề, là phương tiện truy cập chủ yếu, là công cụ kết nối quan trọng người dân với tất cả các dịch vụ công cũng như dịch vụ thương mại. Việc phổ cập smartphone cũng giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, thông tin, tri thức, qua đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Sau khi thí điểm chuyển đổi số tại Bắc Kạn, thu nhập người dân tăng từ 1,5 lên 3 đến 3,5 triệu đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin khi trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Gần 10 năm trước, Hàn Quốc vươn lên trở thành quốc gia đi đầu thế giới về phổ cập smartphone và được mệnh danh là “cường quốc IT”. “Chìa khóa” nằm ở những “người khổng lồ” điện tử của chính người Hàn - Samsung và LG.
Tại Việt Nam, với tổ hợp sản xuất hiện đại, không thua kém bất kỳ hãng công nghệ lớn nào trên thế giới, cùng hệ sinh thái sản phẩm smartphone từ phổ thông đến cao cấp, trong đó “miếng ghép” quan trọng cuối cùng là những chiếc Vsmart Bee Lite 4G giá 600.000 đồng, VinSmart được đánh giá là hội tụ đủ điều kiện để tiên phong gánh trên vai sứ mệnh như Samsung, LG đối với Hàn Quốc trước đây.
Vsmart Bee Lite 4G, sản phẩm hợp tác giữa VinSmart với Tập đoàn Công nghệ Qualcomm, được phân phối đầu tiên qua hệ thống Viettel Store trên toàn quốc. Với sự trợ giá của VinSmart và Viettel, mẫu smartphone 600.000 đồng vẫn được hưởng trọn chính sách bảo hành vượt trội của VinSmart lên đến 18 tháng và 101 ngày 1 đổi 1, ưu tiên cho những khách hàng đang dùng các sản phẩm smartphone dùng băng tần 2G/3G. Ngoài ra, khách mua máy còn được Viettel tặng kèm gói cước dữ liệu miễn phí 15GB trong 3 tháng.
Thiên Lam - Trường Thịnh