Chuyên mục  


Tài khoản có tên Nintendo of America chia sẻ hình ảnh nhân vật Mario giơ "ngón tay thối". Dù có tick xanh, đây không phải trang chính thức của Nintendo. Nếu nhìn kỹ, tên người dùng của tài khoản là @nintendoofus. Bài viết xuất hiện trong khoảng 2 tiếng trước khi tài khoản bị xóa. Ảnh: Jason Schreler.

Một tài khoản tick xanh khác, lấy tên cầu thủ NBA LeBron James đăng bài viết yêu cầu chuyển nhượng để rời đội Los Angeles Lakers. Đây cũng không phải tài khoản thật của James bởi tên người dùng là @KINGJamez, trong khi tài khoản "chính chủ" có tên @KingJames. Ảnh: Joon Lee.

Tài khoản tick xanh tên Donald Trump đăng bài viết "Đây là lý do kế hoạch của Elon Musk không hoạt động". Đây cũng là tài khoản giả mạo bởi cựu tổng thống Mỹ vẫn bị cấm sử dụng Twitter. Các tài khoản này xuất hiện từ ngày 9/11, sau khi mạng xã hội ra mắt dịch vụ cấp tick xanh với giá 8 USD/tháng. Ảnh: @randymco.

Tick xanh trên Twitter vốn chỉ được cấp cho doanh nghiệp, người nổi tiếng và chính trị gia. Tuy nhiên với dịch vụ thu tiền, mọi người có thể tạo tài khoản tick xanh với tên công ty, nhân vật nổi bật để đăng thông tin sai sự thật, phản cảm hoặc mỉa mai Elon Musk. Ngay cả Chúa Jesus cũng có tài khoản "chính chủ". Ảnh: The Verge.

Chính Twitter cũng bị giả mạo với tài khoản Twítter có tick xanh, đăng bài công bố người dùng có thể đăng ký dịch vụ Twitter Blue miễn phí nếu liên kết với tài khoản ví tiền mã hóa. Trước khi bị gỡ bỏ, thông tin sai sự thật trên tài khoản này thu hút hơn 35.000 lượt chia sẻ và 4.900 lượt thích. Ảnh: vx-underground.

Tài khoản mạo danh dịch vụ Apple TV+ (phải) đăng bài lôi kéo người dùng xem một kênh YouTube, có tên @appletvpius (chữ "i" viết hoa). Để kiểm tra tài khoản giả mạo, người dùng có thể nhấn vào tick xanh để xem dấu được cấp thông qua chính sách doanh nghiệp, người nổi tiếng hoặc mua bằng Twitter Blue. Ảnh: MiMi Aye.

"Tôi chỉ mất 25 phút để lập tài khoản Apple ID ẩn danh bằng VPN, với email dùng một lần, sau đó thêm thẻ tín dụng ẩn danh với địa chỉ là trụ sở Twitter, vậy là có tài khoản xác minh cho một nhân vật nổi bật", người dùng Jack Lawrence cho biết. Ảnh trên là tài khoản giả mạo Elon Musk với nội dung "đi du lịch hàng năm và ăn tối mỗi ngày với tôi". Ảnh: @JoshuaPHilll.

Tài khoản mạo danh nhà phát hành game Valve, với tên người dùng @valvesotfware công bố ra mắt game Ricochet: Neon Prime. Tên gọi Neon Prime đã được đăng ký nhãn hiệu, tuy nhiên chưa có thông tin chính thức về phần tiếp theo của tựa game ném đĩa này. Tài khoản mạo danh Valve sau đó cũng đăng bài đính chính, yêu cầu Elon Musk quản lý tốt hơn. Ảnh: The Verge.

Một số tài khoản giả mạo được xóa sau vài tiếng, tuy nhiên nhiều cái tên khác vẫn xuất hiện và lan truyền thông tin sai sự thật. Trong ngày 10/11, Twitter bổ sung tick xám cho các tài khoản doanh nghiệp và người nổi tiếng, nhưng đã gỡ bỏ ngay sau đó. Dù khẳng định liên tục kiểm tra để gỡ bỏ tài khoản giả mạo, nhiều người thắc mắc liệu Twitter còn đủ nhân viên kiểm duyệt hay không. Ảnh: MiMi Aye.

Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ

Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020