Chuyên mục  


Cận cảnh tinh vân NGC 2264 chụp bởi Kính viễn vọng Rất Lớn. Ảnh: ESO

Còn được gọi là tinh vân Hình nón do vẻ ngoài đặc trưng, NGC 2264 là một đám mây khí bụi khổng lồ cao tới 7 năm ánh sáng. Nó nằm trong một vùng hỗn loạn của chòm sao Kỳ lân, cách chúng ta khoảng 2.500 năm ánh sáng.

Do ở tương đối gần Trái Đất, cấu trúc này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng các quan sát trước đây thiếu nhiều chi tiết so với ảnh chụp mới từ Kính viễn vọng Rất Lớn (VLT) do Đài thiên văn phía Nam châu Âu (ESO) vận hành, đặt tại sa mạc Atacama ở miền bắc Chile.

Trong hình ảnh được ESO công bố hôm 10/11, NGC 2264 hiện lên như một cột mây đen dày đặc và không thể xuyên thủng, trông như bóng ma lấp ló trong không gian vũ trụ sâu thẳm.

Góc nhìn rộng hơn về tinh vân NGC 2264 (nằm chính giữa khung hình). Ảnh: ESO

Các nhà thiên văn học đã sử dụng thiết bị quang phổ phân tán và máy giảm tiêu cự (FORS2) của VLT để chụp khí hydro có màu xanh lam và khí lưu huỳnh màu nâu đỏ. Thay vì xuất hiện với màu xanh lam thông thường, các ngôi sao trẻ của NGC 2264 trông như những ánh vàng lấp lánh trong quan sát mới.

Tinh vân NGC 2264 là một ví dụ điển hình về những đám mây dạng cột gồm khí và bụi phân tử lạnh, đóng vai trò là nguyên liệu thô cho sự hình thành sao. Dạng cột hình nón của nó được tạo nên khi các ngôi sao trẻ màu xanh lam phát ra bức xạ cực tím cường độ cao và các cơn gió sao thổi bay vật chất ra khỏi vùng lân cận của chúng. Khi vật chất này dịch chuyển, nó đẩy khí và bụi ra xa những ngôi sao trẻ, nén nó thành những cột mây cao vút và dày đặc.

Các ngôi sao trẻ của NGC 2264 đã nghiến ngấu vật chất xung quanh qua hàng triệu năm. Theo Hubble Site, cấu trúc mây khí trong NGC 2264 cuối cùng sẽ bị ăn mòn đến mức chỉ còn lại những vùng dày đặc nhất, trở thành vườn ươm sao và có thể sinh ra các hành tinh mới.

Đoàn Dương (Theo Space)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020