Chuyên mục  


Lực lượng tài xế xe công nghệ, là các lao động tự do, hiện chiếm khoảng 1/4 tổng số người lao động ở Trung Quốc. (Nguồn: breadnews.com)

Ngay sau khi giao bữa ăn nóng hổi cho khách hàng vào đúng thời gian đã cam kết, Zhuang Zhenhua, tài xế xe công nghệ của dịch vụ giao hàng Meituan (Trung Quốc) nhanh chóng báo cáo hoàn thành đơn hàng trên ứng dụng.

Tuy nhiên, vì một sự cố kỹ thuật, đơn hàng của anh bị báo là giao chậm và anh lập tức bị trừ 50% thù lao giao hàng của đơn đó và việc trừ tiền là hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán.

Đây là tình trạng chung mà không ít tài xế công nghệ ở Trung Quốc phải ấm ức chịu thiệt vì các thuật toán tính giờ mà các nền tảng giao hàng sử dụng để đánh giá công việc của họ.

Nhà chức trách Trung Quốc thời gian gần đây cũng đã yêu cầu các công ty công nghệ, trong đó có Meituan và Ele.me của Alibaba, phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động như trả thù lao và chi phí bảo hiểm hợp lý, cũng như loại bỏ những thuật toán khiến các tài xế phải lựa chọn lái xe nguy hiểm để hoàn thành đơn hàng đúng hạn.

Tuy nhiên, nhiều tài xế công nghệ tại Trung Quốc vẫn phàn nàn rằng các công ty vẫn chưa thực hiện những thay đổi đáng kể và cách duy nhất để hoàn thành công việc mà không bị trừ tiền là đi thật nhanh, vượt đèn đỏ và thậm chí là đi sai làn đường.

Đại dịch COVID-19 bùng phát, kéo theo các đợt phong tỏa, khiến nhu cầu các dịch vụ giao đồ ăn tăng mạnh. Lĩnh vực giao đồ ăn ở Trung Quốc hiện được ước tính có giá trị là 664 tỷ nhân dân tệ (100 tỷ USD).

Khi người tiêu dùng tại nước này ngày càng ưa chuộng sử dụng công nghệ số và quen với những dịch vụ giao hàng nhanh nhờ nguồn nhân công giá rẻ sẵn có thì các dịch vụ dựa trên ứng dụng công nghệ cũng ngày càng phải nâng cao tính cạnh tranh để vươn tới mọi ngóc ngách của cuộc sống hiện đại.

[Hãng chia sẻ xe công nghệ Uber báo cáo quý đầu tiên có lãi]

Việc các ứng dụng rút ngắn thời hạn giao hàng để tăng tính cạnh tranh cũng khiến số lượng các vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây tăng lên.

Tuy nhiên, sau nhiều năm tự do phát triển và không chịu nhiều sự quản lý thì hiện nay nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent, Didi và Meituan bắt đầu được "đưa vào khuôn khổ," đặc biệt là các hoạt động có liên quan các quy định chống độc quyền.

Hồi đầu năm nay, Alibaba đã bị phạt khoản tiền kỷ lục là 2,8 tỷ nhân dân tệ sau khi nhà chức trách tiến hành điều tra và kết luận công ty này lạm dụng vị thế áp đảo trên thị trường.

Khi mà ngày càng nhiều người lo ngại về việc các ứng dụng phổ biến thu thập và xử lý dữ liệu của khách hàng thì giới chức Trung Quốc cũng đã yêu cầu cơ quan an ninh mạng đánh giá việc các tập đoàn công nghệ sử dụng các thuật toán.

Hồi tháng trước, sau khi cơ quan an ninh mạng Trung Quốc đề xuất các kế hoạch siết chặt kiểm soát các công ty công nghệ, Meituan cũng thông báo sẽ xem xét lại chiến lược sử dụng thuật toán dù trước đó luôn khẳng định các quyết định về chính sách tính thời gian, quãng đường và thưởng phạt đều đã ưu tiên các tiêu chí lái xe an toàn và chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Nhà chức trách nhiều nước cũng đang chú ý hơn tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Các lái xe công nghệ hiện phần lớn đều là những người lao động tự do, với mức thù lao thấp, ít quyền lợi và thường kết nối với công ty thông qua các trung tâm tuyển dụng.

Lực lượng tài xế xe công nghệ, là các lao động tự do, hiện chiếm khoảng 1/4 (200 triệu người) trong tổng số người lao động ở Trung Quốc.

Thời gian qua, ở nước này đã xảy ra một số vụ việc khiến dư luận càng thêm bức xúc về cách các công ty công nghệ bảo vệ quyền lợi cho những nhóm lao động này, như vụ một lái xe giao hàng cho Ele.me gặp tai nạn và tử vong khi đang làm việc nhưng gia đình nhận được khoản bồi thường ít ỏi từ công ty.

Dù làm việc trong lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh hoành hành, nhưng các lái xe công nghệ ở Trung Quốc cho biết chỉ kiếm được trung bình khoảng 7.700 nhân dân tệ/tháng.

Chuyên gia tư vấn Kendra Schaefer, từ công ty Trivium ở Bắc Kinh, cho rằng các nền tảng công nghệ hiện nay vẫn thiếu minh bạch trong hoạt động sử dụng thuật toán để xác định các yêu cầu với lái xe và các khoản tiền thưởng/phạt. Chuyên gia này cho rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng.

Khi các thuật toán được sinh ra để tối ưu hóa hiệu quả trong xã hội hiện đại thì cái giá phải trả cho hiệu quả tối ưu lại chính là sức lao động của con người chưa được nhìn nhận một cách xứng đáng./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020