Sáng 16-9, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu tổ chức lễ trao giải Trần Văn Giàu năm 2023 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM (ĐHQG TP HCM).
Đến tham dự chương trình có ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM; TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS-TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP HCM; bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc Nhà Xuất bản Tổng hợp TP HCM, cùng đại diện các trường ĐH, viện nghiên cứu, sinh viên TP HCM.
Tác phẩm "Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" gồm 2 tập với hơn 1600 trang khổ lớn
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thăm hỏi sức khỏe và gửi lời chúc đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
-
"Mai Vàng nhân ái" thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và Nguyễn Đình Đầu
-
Thêm 2 tập khảo cứu về Nam Kỳ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
GS-TS, Nhà giáo ưu tú Ngô Văn Lệ, Phó chủ tịch Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu, cho biết theo quy định của Điều lệ Giải thưởng, mỗi năm đều xét tặng cho một tác phẩm có giá trị, nghiên cứu lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng trên địa bàn Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Nhưng thực tế không phải năm nào cũng có tác phẩm đáp ứng được tiêu chí này. Do vậy, việc xét tặng giải thưởng có năm bị gián đoạn, thậm chí gián đoạn 3 - 4 năm, cho đến nay chưa có tác phẩm nào thuộc lĩnh vực lịch sử tư tưởng được tặng giải.
"Năm 2023, Ủy ban Giải thưởng rất tự hào và vinh dự khi có tác phẩm Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử (1698-2020) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đoạt giải. Đây là công trình nghiên cứu có chất lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo tốt và có sức lan tỏa rộng rãi" - GS-TS Ngô Văn Lệ nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu nhận giải thưởng trị giá 200 triệu đồng
Nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư cho biết đã dành hơn 25 năm đi khắp các thư viện, kho lưu trữ trên cả nước để tìm những bài báo, tư liệu về TP HCM. "Có rất nhiều tác giả viết về Sài Gòn - Chợ Lớn – TP HCM nhưng mỗi người chỉ viết về một mảng hay vấn đề nhất định. Đó là lý do tôi muốn dành toàn bộ thời gian của mình để tập trung nghiên cứu, viết nên quyển sách có thể cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát nhất về lịch sử TP HCM" – nhà nghiên cứu chia sẻ.
Dù đã 103 tuổi nhưng nhà nghiên cứu vẫn rất khỏe mạnh và chăm chỉ nghiên cứu khoa học mỗi ngày
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhận giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu năm 2023
Tác phẩm Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử (1698-2020) gồm 2 tập với tổng cộng 1687 trang giấy khổ lớn, tập 1 từ năm 1698 đến năm 1945, tập 2 từ năm 1945 đến năm 2020.
GS-TS Võ Văn Sen, Chủ tịch hội Khoa học lịch sử TP HCM, nhận xét đây là bộ sách biên khảo của một cá nhân nghiên cứu sử học nhưng số lượng thông tin rất khổng lồ. Không chỉ đơn thuần là người yêu thích lịch sử, nhà nghiên cứu còn rất thẳng thắn về quan điểm sử học.
Tác phẩm thể hiện được chất riêng của người biên khảo. Các lĩnh vực trong tác phẩm rất toàn diện từ hành phát triển các lĩnh vực kinh tế - thương mại - tiền tệ, giao thông vận tải, về giáo dục, về các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, y tế - xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo, thể dục - thể thao, du lịch, về liên kết với các tỉnh và hội nhập quốc tế, an ninh quốc phòng…
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi gửi lời chúc đến tác giả đoạt giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu năm 2023
Buổi trao giải thu hút nhiều sinh viên yêu lịch sử Việt Nam đến tham dự
Tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) được giới chuyên môn đánh giá cao
Tại buổi trao giải, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh TP HCM cần cân bằng giữa việc phát triển văn hóa xã hội và phát triển kinh tế. Các tác phẩm nghiên cứu khoa học là những công trình có giá trị đóng góp vào việc xây dựng TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
"Nếu các tổ chức nghiên cứu, trường ĐH, viện khoa học, địa phương cũng tổ chức những cuộc thi như thế này sẽ rút ngắn thời gian, đưa nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị đến với nhân dân. Từ đó, chúng ta có nguồn dữ liệu quý, làm cơ sở hoạch định, hỗ trợ nghiên cứu chiến lược phát triển của thành phố" - Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Thời kháng chiến chống Pháp, ông là cộng tác viên báo Độc Lập; năm 1962 làm việc cho Ty Điền địa Phú Yên.
Tính đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản, các công trình từ trước năm 1975 như: Non nước Phú Yên (1964), Địa chí Khánh Hòa (1972), Non nước Ninh Thuận (1974) và các công trình về sau như: Đường phố nội thành TP HCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, Sổ tay tên đường ở TP HCM, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, tiểu thuyết loạn 12 sứ quân ...