Chuyên mục  


Nhà máy điện hạt nhân Đức bị robot đánh sập trong chớp mắt

Quản lý dự án Olaf Day và cộng sự dùng robot để phá hủy tháp làm mát cao 80 mét của nhà máy điện Mülheim-Kärlich, công trình chỉ hoạt động hơn một năm vào thập niên 1980. Nhà máy đóng cửa năm 1988 do vấn đề cấp phép và những lo ngại về nguy cơ động đất trong khu vực. Công tác tháo dỡ bắt đầu vào năm 2004.

Đức quyết định ngừng hoạt động tất cả nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011. Nước này cũng lên kế hoạch đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện năm 2038 nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang ở mức cao nhất châu Â. Điều đó đồng nghĩa với nhiều vụ phá sập tương tự sẽ diễn ra trong những năm tới.

Tháng 5/2018, các kỹ sư bắt đầu hạ thấp tháp làm mát cao 162 mét. Họ gắn một con robot vào mép tháp. Trong năm qua, thiết bị xén dần tháp từ trên xuống giống như sâu ăn lá. Vào tháng 6 năm nay, tháp chỉ cao bằng một nửa so với trước.

Các kỹ sư vẫn cần hoàn thành công việc. Day cho biết do không được phép dùng thuốc nổ, nhóm kỹ sư phải lập kế hoạch khác. Tháp làm mát được đỡ bởi 36 cột hình chữ V. Tuần trước, các chuyên gia sử dụng robot "búa" khổng lồ điều khiển từ xa để làm yếu một số cột, sau đó dùng thiết bị công nghệ cao hình chiếc kéo để cắt từng cột cho tới khi tháp sụp đổ.

"Đây là lần đầu tiên trên thế giới phương pháp phá hủy này được sử dụng ở nhà máy điện hạt nhân", Day cho biết. Toàn bộ quá trình dùng "búa và kéo" kéo dài chưa tới 4 tiếng.  

Phương pháp trên còn mang lại lợi ích khác. Thuốc nổ khiến lượng bụi lớn bay mù mịt, theo giáo sư Miranda Schreurs, trưởng khoa Chính sách môi trường và khí hậu ở Đại học Công nghệ Munich. Tuy nhiên, tháp làm mát Mülheim-Kärlich sụp xuống tại chỗ tạo ra rất ít bụi. Dù tháp không có phóng xạ, nhóm kỹ sư vẫn chú trọng hạn chế tối đa khả năng phát tán bất kỳ vật liệu có hại nào.

Trong số 17 lò phản ứng ở Đức, 8 lò đã bị đóng cửa, 7 lò đang hoạt động sẽ ngừng vận hành vào năm 2022. Ngày nay, Đức tạo ra 12% lượng điện từ lò phản ứng và hơn 40% từ than đá, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới. Hiện nay, tổng lượng điện sản xuất ở Đức cao hơn nhu cầu, cho phép quốc gia này bán điện sang các nước láng giềng.

An Khang (Theo CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020