Chuyên mục  


Chương trình "Sức khỏe cho người bệnh ung thư" (Cancer Wellness Program Vietnam) do TS Nguyễn Thị Hoa Huyền, Viện Khoa học Sức khỏe, trường Đại học VinUni, TS Phạm Huy Hiệu, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe Thông minh VinUni-illinois, trường Đại học VinUni và GS Debra Anderson, trường Đại học công nghệ Sydney, Australia cùng một số nhà nghiên cứu, sinh viên y khoa khởi xướng, hướng tới bệnh nhân là phụ nữ phục hồi sau điều trị ung thư.

Chia sẻ với VnExpress, TS Nguyễn Thị Hoa Huyền, chủ nhiệm dự án nói nữ giới là nhóm dễ bị tổn thương do thường đối mặt với ung thư vú và cổ tử cung. Đây là hai trong những loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở phụ nữ Việt Nam.

Theo đó giải pháp chăm sóc sức khỏe sau điều trị ung thư qua các ứng dụng thông minh được nhóm xây dựng nhằm hỗ trợ từ xa cho bệnh nhân các khu vực khó khăn. Người bệnh có thể được theo dõi, điều trị từ xa mà không cần phải đến viện thường xuyên, giảm chi phí đi lại và điều trị. Ứng dụng có tên CWP được thiết kế riêng theo chương trình giám sát sức khỏe, kết nối bác sĩ và nhân viên y tế. Khi người bệnh có nhu cầu, cần được cài đặt trên điện thoại và kết nối với thiết bị đeo tay thông minh, nhân viên y tế hướng dẫn cách sử dụng.

Các thành viên chính nhóm dự án, từ trái qua: TS Nguyễn Thị Hoa Huyền, TS Phạm Huy Hiệu và GS Debra Anderson. Ảnh: NVCC

TS Phạm Huy Hiệu, đồng chủ nhiệm dự án cho biết, khi tham gia chương trình, bệnh nhân được trang bị đồng hồ thông minh Fitbit để thu thập các chỉ số sức khỏe quan trọng như nhịp tim, nồng độ oxy trong máu (SpO2), số bước đi mỗi ngày, chất lượng giấc ngủ, phản hồi về mức độ đau và tình trạng tâm lý.

Các dữ liệu này được phân tích và huấn luyện bởi các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tìm ra mối liên hệ giữa các chỉ số sinh học và trạng thái tinh thần, cũng như theo dõi, phát hiện các bất thường sức khỏe theo thời gian thực. Cuối cùng, thuật toán sẽ giúp khuyến nghị các bài thực hành cá thể hóa để điều chỉnh hành vi và lối sống như chế độ dinh dưỡng và luyện tập, giúp tối ưu quá trình điều trị và phục hồi sau ung thư.

nha-khoa-hoc-viet-lam-du-an-cham-soc-suc-khoe-phu-nu-ung-thu-1729260053.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=V8ndQSTSYSh7czyfEqwB-A
Nhà khoa học Việt làm dự án chăm sóc sức khỏe phụ nữ ung thư

Giới thiệu các tính năng ứng dụng theo dõi sức khỏe phụ nữ sau điều trị ung thư. Video: NVCC

Các chỉ số về dữ liệu sức khỏe sau khi phân tích được hiển thị và khuyến nghị trên ứng dụng cài điện thoại người dùng. Người bệnh căn cứ vào đề xuất từ ứng dụng để thực hiện các bài tập thể dục, giãn cơ được cá thể hóa dựa vào tình trạng sức khỏe của họ nhằm cải thiện sức mạnh, sự linh hoạt, giảm mệt mỏi. Ứng dụng cũng đưa ra chế độ dinh dưỡng và quản lý cân nặng để giúp người bệnh nâng cao thể trạng, ngăn ngừa tái phát.

Trên ứng dụng cung cấp kiến thức cơ bản về bệnh, các triệu chứng có thể xảy ra và cách quản lý nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và mức độ đáp ứng với điều trị. Ngoài ra ứng dụng còn có tính năng tư vấn tâm lý, các liệu pháp giảm stress và hỗ trợ tinh thần để giúp người bệnh đối phó với lo lắng, trầm cảm sau điều trị.

Ứng dụng cũng có kênh trao đổi để bệnh nhân có thể gặp trực tuyến bác sĩ bất cứ lúc nào và mạng xã hội cộng đồng của họ nhằm tăng tính tương tác, thảo luận. Nhóm nghiên cứu đánh giá, sự phục hồi của bệnh nhân thể hiện qua chỉ số thể chất như cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI), chức năng hô hấp, các chỉ số sinh hiệu (mạch, nhiệt độ, huyết áp, bão hòa oxy máu, điện tim...) và mức độ hoạt động hàng ngày. Hiện

Chị Trần Ngọc Linh, 37 tuổi, là một trong những bệnh nhân đầu tiên tham gia chương trình khoảng 4 tháng trước khi đang điều trị ung thư vú. Chị được nhân viên y tế hướng dẫn sử dụng đồng hồ theo dõi chỉ số sức khỏe và tạo tài khoản trên ứng dụng điện thoại. Dựa trên các chỉ số đo sức khỏe như nhịp tim, chỉ số SPO2, số bước chân... ứng dụng đề xuất chị Linh các bài tập thể dục các vùng cơ, xương. Về dinh dưỡng, khi tham gia chương trình, chị Linh được nhân viên y tế đưa ra chỉ tiêu khuyến nghị về chế độ ăn uống hàng ngày. Khi đạt hay không đạt các chỉ số dinh dưỡng, chị đánh dấu trên ứng dụng. Định kỳ sau một tuần, ba tuần ứng dụng sẽ khảo sát và đưa ra yêu cầu dinh dưỡng phù hợp ở giai đoạn tiếp theo cho bệnh nhân.

Chị Linh nói, thiết bị đeo tay giúp theo dõi sức khỏe thường xuyên hơn. Các bài tập thể lực giúp chị thoải mái, hiểu cơ thể mình nhiều hơn. Chế độ dinh dưỡng được đề xuất giúp chị điều tiết việc ăn uống theo tình trạng hiện tại, bớt kiêng khem hơn so với trước đây.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Dung, làm việc tại khoa ung bướu, bệnh viện triển khai thí điểm chương trình, cho biết nhân viên y tế là người hướng dẫn bệnh nhân sử dụng ứng dụng trên điện thoại. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng là người sử dụng ứng dụng để quản lý, theo dõi các thông số sức khỏe người bệnh. Thông qua chỉ số sức khỏe được cập nhật trên ứng dụng, cùng với việc khảo sát chế độ dinh dưỡng, tập luyện định kỳ, nhân viên y tế có thể nắm được tình hình thực tế, việc tuân thủ các chế độ luyện tập, dinh dưỡng người bệnh. Các dữ liệu này giúp nhân viên y tế theo dõi sát tình hình sức khỏe từng bệnh nhân và có xử trí ban đầu khi họ cần trợ giúp.

Theo chị Dung, ứng dụng còn giúp bệnh nhân tương tác nhân viên y tế tốt hơn. Khi có triệu chứng bất thường họ sẽ yêu cầu và được hỗ trợ ngay. "Với công nghệ áp dụng trong dự án hỗ trợ rất nhiều cho bệnh nhân khi họ không phải tới bệnh viện thường xuyên nhưng vẫn giữ kết nối với nhân viên y tế để theo dõi sau điều trị ung thư", chị Dung nói.

Đến nay dự án CWP đã có 30 bệnh nhân tham gia đợt đầu tiên. TS Phạm Huy Hiệu cho biết do số lượng thiết bị đeo tay hạn chế nên khi hoàn thành một đợt kéo dài 12 tuần, nhóm mới thực hiện tiếp cho đợt tiếp theo. Dự án dự kiến sẽ phục vụ 150 nữ bệnh nhân hoàn toàn miễn phí.

Hà An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020