Chuyên mục  


Hôm 8/1, Văn phòng UBND TP Hà Nội thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch thành phố về triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường và các dự án giao thông xung quanh Hồ Tây.

Thành phố sẽ xây dựng trạm bơm công suất 3-5 m3/s tại bãi sông Hồng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, gồm trạm bơm, bể hút, trạm biến áp, nhà quản lý vận hành. Nước từ trạm bơm, theo đường ống đi dọc đường nội bộ trong vùng bãi sông, xuyên qua đê sông Hồng (gầm cầu Nhật Tân, đường An Dương Vương).

Tại đoạn xuyên qua đê dài khoảng 45 m, thành phố sẽ cho đào mở đê, xây dựng cống hộp và lắp đường ống bên trong cống hộp. Vị trí qua đê sẽ có hai đường ống để dự phòng cho việc nâng công suất trạm bơm lên 5 m3/s.

Phương án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Đồ họa: Hoàng Chương

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xử lý đạt 50% lượng nước thải và tiến tới đạt 100% vào năm 2030. Song song với đó, nhiều giải pháp được đề xuất, bao gồm phương án bơm nước từ sông Hồng để thau rửa sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Tuy nhiên, giải pháp này cần được cân nhắc kỹ, bởi chi phí xây dựng trạm bơm chỉ chiếm 5-10% tổng đầu tư, trong khi phần lớn chi phí dành cho vận hành và bảo trì. Hơn nữa, phương án này còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm do lượng lớn bùn đất từ sông Hồng theo dòng chảy vào các con sông nội đô.

Để khắc phục những hạn chế đó, Hội Cơ học Hà Nội đã đưa ra giải pháp sử dụng nước sông Đà thay thế, tận dụng địa hình dốc từ Ba Vì về Hà Nội, cung cấp nguồn tự chảy cho các con sông lớn của Thủ đô như sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch.

Giải pháp của Hội Cơ học là lấy nguồn nước sông Đà qua cống Thuần Mỹ. Cống này nằm trên bờ hữu sông Đà tại huyện Ba Vì, có khả năng lấy khoảng 100 m3/s nước từ sông Đà vào sông Tích, từ đó chảy tự nhiên về Sơn Tây. Nước sông Tích về Sơn Tây có dòng chảy hở tự do không áp nên tổn thất ít, sử dụng cống điều tiết để điều chỉnh mực nước ở Sơn Tây khoảng +10 m.

Tại cống điều tiết Sơn Tây chuyển 40m3/s theo sông Tích về sông Bùi, còn 60 m3/s theo đường trục quy hoạch Tây Thăng Long về đến sông Đáy xả 30m3/s, về đến sông Nhuệ xả 25 m3/s, còn lại 5 m3/s về sông Tô Lịch và Hồ Tây.

Theo phương án trên thì đoạn từ Sơn Tây về đến vành đai 4 (dài khoảng 20 km) là đất nông nghiệp, đã được cắm mốc chỉ giới, đoạn này làm kênh hở, dưới là kênh dẫn nước, trên là đường giao thông. Đoạn từ đường vành đai 4 đến đường Võ Chí Công ra sông Tô Lịch dài khoảng 10 km, làm kênh hộp hoặc xi phông đi ngầm dưới hè đường để tránh giải phóng mặt bằng và đảm bảo cảnh quan đô thị.

Giải pháp này không chỉ tận dụng ưu thế tự nhiên mà vẫn đảm bảo chi phí vận hành thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại. Sông Đà có cao trình nước cao hơn nhiều so với sông Hồng, cung cấp tới 40% lưu lượng dòng sông Hồng. Nguồn nước từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình luôn đảm bảo ổn định và sạch sẽ, rất phù hợp cho việc cung cấp nước tự nhiên cho các dòng sông Hà Nội.

Các ưu điểm của giải pháp cấp nguồn tự chảy cho các sông phía tây Thủ đô gồm:

Thứ nhất: chi phí thấp, hiệu quả cao khi sử dụng dòng chảy tự nhiên, không mất chi phí vận hành so với các trạm điện.

Thứ hai: cải thiện chất lượng nước và môi trường, nguồn nước từ sông Đà luôn đảm bảo sạch vì bùn cát và tạp chất đã được lắng đọng qua hệ thống hồ chứa như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và các hồ thủy điện trên sông nhánh (Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến, Nậm Na...).

Thứ ba: đảm bảo nguồn nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp, việc phân phối nước hợp lý giúp phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau sạch và nuôi thủy sản chất lượng. Ngoài ra tuyến kênh và đường dẫn nước sạch sẽ trở thành tuyến du lịch nội địa, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế xanh.

Thứ tư: hệ thống cung cấp nước thô từ sông Đà sẽ giảm dần khai thác nước nền, đảm bảo nguồn nước vững chắc cho Hà Nội.

Thứ năm: tại cống Thuần Mỹ có thể kết hợp thiết kế một nhà máy thủy điện cột nước thấp với công suất hàng trăm megawatt, tăng thêm giá trị kinh tế.

Tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng phương án này cũng gặp thách thức, đó là việc khai thác cát trái phép và biến đổi dòng chảy làm giảm cao trình nước sông Đà, gây khó khăn trong việc lấy nước vào sông Tích. Do đó, việc xây dựng đập dâng là yếu tố cần thiết để đảm bảo tính ổn định và bền vững cho giải pháp này. Đập dâng không chỉ phục vụ giải pháp cung cấp nước mà còn góp phần tạo kho nước dự trữ cho Hà Nội chủ động ứng phó với thời tiết diễn biến bất thường.

Việc hồi sinh các dòng sông của Thủ Đô Hà Nội cần được đặt ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững. Đây là một dự án chỉ cần đầu tư một lần với chi phí hợp lý nhưng mang lại giá trị lâu dài, không chỉ tạo ra hiệu quả lớn về kinh tế mà còn góp phần cải thiện đáng kể môi trường. Dự án này hứa hẹn sẽ giúp Hà Nội trở nên xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí của một Thủ đô hiện đại, ngang tầm với các thành phố tiên tiến trên thế giới.

PGS.TS Khổng Doãn Điền

Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020