Đại bàng martial bắt sư tử 3 tuần tuổi ở khu bảo tồn Mara North tại Kenya. Ảnh: Jes Lefcourt
Tháng 12/2012, các hướng dẫn viên ở khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara tại Kenya chứng kiến hàng loạt vụ săn giết nhắm vào một trong những động vật ăn thịt đầu bảng ở đồng cỏ. Một con đại bàng martial trưởng thành bám theo đàn sư tử suốt nhiều tuần, chờ đợi thời cơ thích hợp để sà xuống và giết chết tổng cộng 3 con sư tử non. "Con đại bàng thực sự nhắm vào sư tử", R. Stratton Hatfield, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Wageningen ở Hà Lan, nhận xét.
Dù sư tử có thể thống trị lãnh thổ xung quanh chúng, sự việc này và nhiều trường hợp tương tự cho thấy sư tử châu Phi (Panthera leo) không phải luôn đứng đầu chuỗi thức ăn. Trên thực tế, đại bàng martial (Polemaetus bellicosus) nhiều khả năng săn sư tử non khi có cơ hội, theo nghiên cứu của Hatfield và đồng nghiệp công bố trên tạp chí Ecology and Evolution.
Sải cánh của đại bàng martial có thể dài hơn 1,8 mét. Đại bàng cái trưởng thành nặng hơn 4,5 kg trong khi con đực thường nặng khoảng 3,2 kg. Dù tương đồng về kích thước và hệ sinh thái với đại bàng vàng, đại bàng martial thường giết con mồi lớn hơn. Chúng lao xuống và cắm móng vuốt nhọn hoắt vào xương sống sau hộp sọ của con mồi, đôi khi hạ gục linh dương impala hoặc linh dương gazelle non nặng hơn chúng.
Mãi gần đây, nhóm của Hatfield mới phát hiện đại bàng martial còn săn động vật ăn thịt khác. Nhóm nghiên cứu thu thập thông tin về 7 trường hợp, bao gồm vụ việc năm 2012, mô tả đại bàng martial săn sư tử nhỏ tuổi, dẫn tới cái chết của 7 con non và một con suýt chết. Hatfield nghi ngờ phần lớn trường hợp bao gồm đại bàng cái lớn, dù có hai trường hợp liên quan tới đại bàng chưa trưởng thành. Trường hợp sớm nhất xảy ra vào năm 2008, khi nhiếp ảnh gia chụp hình một con đại bàng ăn thịt sư tử non mới giết, trong khi trường hợp gần nhất rơi vào năm 2023, khi hướng dẫn viên safari trông thấy đại bàng chưa trưởng thành giết con sư tử lớn đến mức không thể tha đi.
Bất chấp kỹ năng săn mồi trên không, đại bàng martial thường có nguy cơ bị phản đòn. Trong một trường hợp thất bại, sư tử martial sà xuống bắt sư tử 6 tuần tuổi ở ngay cạnh mẹ nó. Sư tử cái phát hiện nguy hiểm tới gần và chồm lên để tấn công đại bàng. Con đại bàng né đòn tấn công và không bắt được sư tử non. Hatfield suy đoán nó không trông thấy sư tử cái.
Amy Dikeman, nhà sinh vật học bảo tồn ở Đại học Oxford tại Anh, không bất ngờ khi đại bàng liên tục nhắm vào sư tử non nếu chiến thuật thành công. Dikeman là người đứng đầu Lion Landscapes, tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào sự chung sống hòa hợp giữa con người và động vật hoang dã ở Kenya và Tanzania. Bà cho rằng những kết luận của Hatfield và cộng sự khá hợp lý. Theo bà, đại bàng chỉ là một nguy cơ mà sư tử phải đối đầu tương tự linh cẩu hoặc sư tử đực từ đàn đối địch. Đại bàng không phải mối đe dọa về mặt bảo tồn đối với mèo lớn. Đại bàng martial không kén chọn về con mồi. Một số thậm chí bắt con non của báo săn và báo hoa mai. Nguy cơ thường đến từ cả hai phía. Sư tử cũng có thể săn đại bàng trưởng thành hoặc con non trong tổ.
Đại bàng martial là loài nguy cấp theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Giống như các loài chim săn mồi lớn khác ở châu Phi, chúng bị mất môi trường sống, săn trộm, điện giật và ngược đãi.
An Khang (Theo National Geographic)